Theo trí nhớ của tôi, thời xa xưa người ta không nhậu nhiều như bây giờ, dù xưa đã có câu “vô tửu bất thành lễ” hay “nam vô tửu hay kỳ vô phong”.
Ngày nay, không chỉ phái mạnh uống rượu bia mà họ còn khuyến khích cả phái nữ. Tửu lượng cao, thường xuyên tham gia “dzô dzô” với đồng nghiệp gần như đã là tiêu chuẩn đánh giá mức độ hòa nhập, gắn bó của cá nhân vào tập thể.
Thậm chí, người ta còn gán cho câu “không biết nhậu khó làm việc” với những ai không chịu nhậu và cũng để biện minh cho bản thân việc nhậu thường xuyên của mình.
Đám cưới nhậu đã đành, không ít người dự đám tang cũng say xỉn. Sau giờ làm việc rủ nhau đi nhậu vì có một người trong nhóm được lên lương nên mừng cho anh ấy. Bị sếp phê bình, rủ nhậu để an ủi bạn bè. Người mới vào đơn vị nhậu để đón tiếp, làm quen. Người chuyển đơn vị hay được đề bạt lên cao, nhậu để chia tay, chúc mừng. Cứ thế, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, mà không vui không buồn cũng nhậu. Từ thứ Hai đến thứ Sáu không ngày nào về nhà tỉnh táo.
Thứ Bảy, Chủ nhật là ngày nghỉ thì người ta mời dự thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, cưới hỏi, bia, rượu là thức uống. Không ai mời thì rủ nhau về nhà tổ chức nhậu. Nhậu cho đến lúc sáng không có rượu là run tay, chiều không có rượu là bứt rứt thì đường đến bệnh viện sớm sẽ quen chân.
Nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh một bộ phận nhậu bất chấp thì cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn những người nhậu văn minh - nhậu khi cần và nhậu vừa đủ. Nhậu biết giữ mình và nhậu trong khuôn khổ còn biết để tuân thủ pháp luật.
Vừa qua, khi tôi đi dự đám cưới, bên cạnh nhiều người uống bia rượu thì có nhiều người mạnh dạn từ chối bia rượu với lý do phải điều khiển phương tiện giao thông, và chỉ uống nước suối, nước ngọt. Đến viếng đám tang, tôi cũng thấy nhiều người từ chối nâng ly, khi chủ nhà mời rượu để tạ ơn.
Rõ ràng việc cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không nể mặt thân quen, xử phạt kể cả người cùng ngành, đã có tác dụng tích cực. Đâu đó có lời kêu ca thay cho nhà hàng, quán nhậu bị ế khách. Rõ ràng lời kêu ca đó thật sự không thỏa đáng. Có câu “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Chủ nhà hàng, quán nhậu và khách hàng có chút lợi ích hài hòa, nhưng lúc khách hàng gặp rủi ro sau khi ăn nhậu tại đó thì các ông, bà chủ có chia sẻ đâu mà kêu ca.
Biện pháp kiểm tra nồng độ cồn để xử phạt bước đầu có tác dụng. Nếu duy trì mức độ quyết liệt và nghiêm minh chắc chắn sẽ thay đổi thói quen, tập quán ăn nhậu tiệc tùng của người Việt Nam. Nhưng muốn hạn chế tác hại của rượu, bia còn cần phải có thêm nhiều biện pháp.
Tham khảo các biện pháp hạn chế của nước ngoài sẽ thấy những biện pháp có thể áp dụng ở nước ta như: không được sản xuất rượu, bia thủ công; sản phẩm phải có thương hiệu đăng ký đàng hoàng, đóng chai dán nhãn cẩn thận; thường xuyên kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm và phải đánh thuế thật cao để lấy tiền cấp cho ngân sách y tế; hạn chế thời gian bán bia, rượu trong ngày, đồng thời hạn chế độ tuổi được tiếp cận với thức uống có cồn.
Đặc biệt, cuộc sống ngày càng văn minh hơn, mỗi người cần có “bản lĩnh vững vàng” trước những lời mời hoặc những câu khiêu khích “không biết nhậu, chơi với ai”. Có như vậy mới hạn chế việc lạm dụng thức uống có cồn. Tiến đến thay đổi thói quen ăn nhậu, dần dà xây dựng được tập quán không dùng rượu, bia trong đời sống thường nhật. Và, sẽ không còn những việc thương tâm xảy ra mà căn nguyên là do “ma men” gây ra.
Nguyễn Thu Đăng