Thời mực dính đầy áo…

29/01/2024 - 19:56

PNO - Tới giờ tôi vẫn nhớ cảnh nằm sấp trên bộ ván. Má nhịp nhịp cây roi trên mông, hỏi: “Làm mất bình mực thứ bao nhiêu rồi Phương? Giờ chịu mấy roi?”.

Những năm 1976, tôi và lũ bạn học thường dùng cây viết lá tre, chấm mực. Loại viết có cán bằng nhựa, ngòi mảnh và nhọn như lá tre, có thể tháo rời. Mỗi lần chấm ngòi viết vào hũ mực, chỉ có thể viết được chừng 3-4 chữ.

Ngòi viết khô, lại chấm tiếp. Bình mực để trên bàn. Chúng tôi một tay đè giữ tập, tay cầm chắc cây viết, mím môi mím lợi gò từng chữ. Dù cẩn thận gìn giữ, nhưng có khi loay hoay, quơ trúng bình mực, vậy là đổ tung tóe. Có khi ướt tập, có khi ướt cả áo.

Bình mực thời đó bằng nhựa, nắp có quai xách để đám trẻ móc ngón tay vô, xách tòn ten đến trường. Có khi dung dăng dung dẻ, lúc nhìn lại, bình mực rơi mất hồi nào không hay, còn mỗi cái nắp móc trên ngón tay. Trường làng cách nhà chừng vài trăm mét, đi qua nhà bạn thì đứng chờ, réo bạn đi học cùng.

Bình mực một thời rất phổ biến, giờ ít ai dùng
Bình mực một thời rất phổ biến, giờ ít ai dùng

Dọc đường, thấy người ta hái xoài, cả bọn dừng lại ngửa cổ nhìn. Gia chủ tốt bụng, nói mấy đứa muốn ăn bao nhiêu cứ lấy. Vậy là cả bọn ùa lại thúng xoài, lụm mấy trái. Chẳng cần dao gọt lôi thôi, cầm trái xoài đập vô gốc cây cho bể rồi mỗi đứa cầm một miếng, nhai luôn cả vỏ. Xoài già, giòn và ngọt, vừa nhai vừa hít hà vì ngon.

Có khi gặp đám tát đìa, cả bọn cũng dừng lại xem, nháo nhào theo mấy con cá mắc cạn đang luýnh quýnh chạy trốn. La cà suốt dọc đường nên có khi tới trường đã muộn, bị thầy cô phạt quỳ.

Tan học về còn vui hơn. Cả bọn tấp vô gốc cây nào đó, chơi búng thun, nhảy dây, đánh chuyền… Tới khi nghe bụng sôi rột rột, biết đã quá giờ cơm, liền xách cặp chạy ù về nhà. Tới nhà mới hay đã bỏ quên bình mực, bị má la. Hồi đó, không hiểu sao người lớn thường dọa “đứa nào lì, ra đường bị ông già bắt cóc”.

Bữa đang tíu tít trên đường về, bỗng gặp ông già nhăn nheo chống gậy đi tới. Cả bọn lấm lét ngó nhau, rồi không hẹn mà ù chạy tóe khói. Qua khỏi một đoạn xa, cả bọn đứng lại thở hổn hển, mừng vì đã thoát nạn. Chợt nhìn lại bình mực trên tay, còn mỗi cái nắp dính trên cái móc…

Tới giờ tôi vẫn nhớ cảnh nằm sấp trên bộ ván. Má nhịp nhịp cây roi trên mông, hỏi: “Làm mất bình mực thứ bao nhiêu rồi Phương? Giờ chịu mấy roi?”. 

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Lên lớp Ba, bọn tôi chuyển sang xài viết bơm mực. Mỗi lần bơm đầy ống mực là xài được 1 buổi học nên thoát cảnh đi học phải xách bình mực theo, đỡ vụ bị đòn. Vậy nhưng có khi cũng xảy ra sự cố: ngòi viết bị lỏng nên mực chảy ra ngoài hoặc tối qua quên bơm mực. Gặp cảnh đó, chỉ có nước xin đứa kế bên vài giọt mực. Kề 2 ngòi viết vào nhau, bên nhỏ ra từng giọt, bên kia hút lấy. Có khi run tay, giọt mực rơi xuống đất, 2 đứa tiếc ngẩn ngơ. Có đứa cho mực nhưng hẹn cho mượn thôi, mai phải trả hoặc giao kèo “khi nào tao hết mực, mày phải cho lại”.

Nói vậy thôi, đứa xin và đứa cho mượn chắc gì đã nhớ. Hết mực lại xách viết đi xin từ đầu bàn tới cuối bàn. Thế nào cũng có đứa tốt bụng cho vài giọt.

Lớn khôn rồi mới biết mình đã sống những ngày êm đềm và tươi đẹp nhất của tuổi học trò. Mấy lần về quê, gặp bạn cũ, cười xòa khi nhắc nhau những lần bị mực đổ trên áo, những lần la cà rong chơi, bỏ quên bình mực bên vệ đường…

Nhắc tới lại nghe thương nhớ ùa về. Ngậm ngùi thương một thuở nghèo khó mà vui. 

Đức Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI