Thời mê… radio

14/11/2020 - 15:23

PNO - Hồi đó, gần 70 hộ dân trong xóm tôi chỉ có vài nhà có radio. Gia đình tôi là một trong số đó. Chúng tôi gọi radio là máy nghe đài. Máy nhà tôi màu trắng ngà, loại trung, từng là bạn thân của gia đình tôi hàng chục năm trời.

Thời bao cấp rất “đói” văn hóa, giải trí, thi thoảng Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng về phục vụ chiếu phim màn ảnh rộng, hoặc có đoàn cải lương từ miền Nam ra biểu diễn, rồi… chấm hết. Trẻ con chúng tôi giải trí bằng những trò nhà nông như bắt dế, bắt cá, ra ruộng ra mương hít khí trời, chứ nào có ti vi, điện thoại thông minh như bây giờ. Thành thử, cái radio trở thành trung tâm giải trí duy nhất của cả nhà.

Ba tôi thích nghe đài sáng sớm, có lẽ vì người già khó ngủ, chưa kể, tin tức đầu ngày luôn thu hút người lớn tuổi. Khoảng năm giờ sáng, ba đã dậy bật radio. Đầu tiên ông dò tìm Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ba tôi rất thích nghe giọng đọc của cô phát thanh viên, mà theo ông là giọng miền Nam ngọt lịm, dễ thương hết sức.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ba đưa chiếc radio ngang tai để dò kênh. Những ngày mưa bão, sóng radio yếu, ba kéo cần ăng-ten để nghe cho được các chương trình dự báo thời tiết. Ba tôi không bỏ sót bản tin dự báo nào, là còn để báo cho hàng xóm biết tình hình mưa lũ mà đề phòng.

Theo dõi đài, nên khi có tin, bài nào hay, mới, ba đều kể lại nội dung cho cả nhà nghe, rồi cùng bình luận, có tin tức về tội phạm, ba cũng kể để cùng nhau cảnh giác. Nhưng nghe gì thì nghe, hễ đến chương trình dành cho thiếu niên nhi đồng, ba đều nhường cho con út.

Còn nhớ, vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy mỗi tuần, Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng phát chương trình ca nhạc thiếu nhi, mỗi lần 15 phút (buổi trưa phát lúc 11 giờ 30, buổi tối phát lại lúc 7 giờ). Tôi yêu thích đến độ, giọng các ca sĩ nhí tôi đều nhận ra, có bài nào mới là tập bằng được, bằng cách lấy giấy bút ra chép thật nhanh, chỗ nào chưa chép được thì đợi tối đài phát lại mà tranh thủ chép tiếp.

Radio chứ không phải cát-xét, nên không thể “tua” lại được. Được cái tôi chép nhanh tay, nên hôm sau đã có bài hát mới đem lên trường hát cùng bạn học. Tôi thích nhạc hiệu của Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng, thích giọng đọc của chú Minh Luận và cô Thùy Liên.

Chú Minh Luận kể Mỗi tuần một chuyện, hay Câu chuyện cảnh giác, không chỉ tôi mà cả nhà đều thích, cứ đợi tới giờ là quây quần, nghe xong mạnh ai nấy tỏa đi làm việc, học hành. Ba tôi chỉ nghe đài buổi sáng sớm, thời gian trong ngày ba để dành cho các con thưởng thức những chương trình khác.

Nhớ nhất là tối thứ Bảy hằng tuần, vợ chồng bác nhà sát vách sang nghe chương trình cải lương, hát bội hay kịch nói cùng với gia đình tôi, rộn ràng cả một góc nhà. Những vở cải lương như Đời cô Lựu, Cây sầu riêng trổ bông, Lá sầu riêng, Tô Ánh Nguyệt… mẹ con tôi vừa nghe vừa khóc thút thít, những đoạn hài thì cười đến chảy nước mắt.

Chúng tôi yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương cũng từ chiếc radio nho nhỏ màu trắng ngà này. Chiếc radio đã “cuốn” các thành viên trong gia đình lại với nhau. Chương trình nào phát sóng, chúng tôi cũng chào đón và cùng theo dõi. Thời đó chẳng mấy khi được cầm tờ báo giấy trong tay, nên cả nhà cùng nghe “báo nói”.

Ba tôi bảo, radio có sức hấp dẫn lạ kỳ. Giọng người đọc, người dẫn chuyện luôn mang lại cho người nghe nhiều cảm xúc, có lẽ là thế mạnh của “báo nói”, và đó cũng là lý do ba tôi mê nghe radio. Sau này, tôi mới nhận ra radio ảnh hưởng đến “máu” văn chương trong tôi rất nhiều.

Chẳng hạn, cứ mỗi lần nghe giới thiệu chương trình tác giả tác phẩm, hay nghe các chương trình kể chuyện, đọc truyện trên radio, lòng tôi luôn dạt dào cảm xúc. Tôi tập tành viết lách, từ những mẩu chuyện nho nhỏ, rồi đến những tạp bút. Chiếc radio của ba đã nhen nhóm trong tôi tình yêu văn chương từ những tháng năm thơ ấu.

Mãi sau này, anh tôi mua về cái cát-xét hiệu Sony thật to, nhưng ba bảo để mẹ và chị em tôi sử dụng. Ba vẫn trung thành với cái radio tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn xài tốt. Chiếc radio luôn ở nơi đầu giường, để ba chỉ cần với tay là rà đài, chọn kênh một cách dễ dàng. Cứ khoảng bốn giờ sáng, nghe âm thanh nho nhỏ phát ra từ giường ngủ của ba, chị em tôi chẳng ai bảo ai, tự giác bật dậy học bài. 

Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi một ngày mà không có cái radio bên cạnh, ba tôi sẽ xoay xở thế nào. Nên khi ba mất, mẹ vẫn để chiếc radio cũ kỹ ấy trên bàn thờ ba, và đã hơn 20 năm trôi qua, chúng tôi không còn được nghe âm thanh quen thuộc phát ra từ chiếc máy màu trắng ngà thân thương ấy nữa… 

 Phi Khanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI