PNO - PN - Hơn 10 năm qua, Khoa Nội II, Bệnh viện Y dược học dân tộc TP.HCM (273-277 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã trở thành một “địa chỉ đỏ” cho hàng trăm bệnh nhân ung thư tới điều trị với “liệu pháp 4 T”. Những người...
edf40wrjww2tblPage:Content
Tây y chê, Đông y cứu
“Đã 10 năm trôi qua, nằm mơ tôi cũng không thể ngờ mình vẫn sống và có được như ngày hôm nay: lấy chồng, sinh hai đứa con khỏe mạnh một trai, một gái” - chị Hoàng Thị Bích N. (30 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) xúc động cho biết. 10 năm trước chị N. bị u đại bào xương đùi phải. Sau ghép xương một năm, bệnh tái phát nhanh, người suy kiệt, đầu gối sưng to, không đi và không ăn ngủ được. “Bác sĩ khuyên tôi phải chấp nhận đoạn chi, cưa ngang đùi. Lúc đó tôi chưa lập gia đình. Cưa chân để kéo dài cuộc sống là điều mình chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi nghĩ mình đằng nào cũng chết, để vậy khi “nhắm mắt” cũng còn lành lặn đôi chân. Trong thời gian đợi mọi người lo hậu sự, may sao có người bà con chỉ cho tôi đến Khoa Nội II, Bệnh viện (BV) Y dược học dân tộc. Trong tâm trạng hoài nghi, bi quan, tôi gặp được BS Quan Vân Hùng, khi đó là Trưởng khoa Nội II. Ông đã dành hẳn cho tôi một buổi sáng, tìm hiểu bệnh án, hỏi han và động viên tôi. Và, tôi tham gia chương trình điều trị của BS Hùng. Không ngờ bệnh đỡ dần, khối u trên chân phải dần nhẹ bớt, sau ba tháng tôi tự đi lại được… Sau ba năm tôi lập gia đình và năm 25 tuổi tôi sinh con đầu lòng, cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi đã có bé thứ hai, hàng ngày tôi vẫn đi làm tại cửa hàng tạp hóa, chăm sóc gia đình dù bệnh chưa khỏi hẳn, cảm giác đau một chút khi thay đổi thời tiết”.
Có mặt tại Khoa Nội II, BV Y dược học dân tộc TP.HCM, trước mắt tôi là một dãy phòng khiêm tốn, nhưng yên tĩnh và thoang thoảng mùi cây cỏ. Nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho hơn 70 người mắc bệnh nan y. Chúng tôi gặp bà cụ H.T.M. đang cầm một chai thuốc sắc, nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Cụ H.T.M. (85 tuổi, Q.Phú Nhuận) nhà cạnh BV Y dược học dân tộc TP.HCM bị bệnh ung thư. Cụ M. nói: “Tôi nằm ở đây đã hơn một năm rồi, trước khi đến BV, chân tôi tê buốt, nhức ghê lắm, giờ đỡ hơn nhiều. Trước đây mất ngủ triền miên, người chỉ có 30kg, nay được 32kg, ăn, ngủ đã khá hơn”.
Ông H.V.K. (60 tuổi, ở Quảng Ngãi) kể, sau khi phát hiện ông bị ung thư dạ dày đã di căn vào gan, phổi BS đã cắt bỏ phần có khối u. Ông K. về với gia đình và uống thuốc theo đơn. Sức khỏe của ông giảm sút rõ rệt. “Còn nước còn tát”, được sự tư vấn của người quen, con gái của ông đưa ông vào TP.HCM, tới BV Y dược học dân tộc TP.HCM để điều trị bằng Đông y. Rất đáng mừng, sau gần một năm, lời tiên lượng của BS mổ cho ông đã không những không xảy ra mà các triệu chứng khó chịu trước đây như nôn nao, mặt mày xây xẩm, đau đớn đã dần biến mất. Ông sống lạc quan hơn, vui vẻ hơn và có thể phụ giúp gia đình các công việc nhẹ nhàng.
Chăm sóc bệnh nhân ở Khoa Nội II, BV Y dược học dân tộc TP.HCM
Liệu pháp “4 T”
Theo BS Quan Vân Hùng (người nghiên cứu và đưa phương pháp 4 T vào ứng dụng), ung thư là một bệnh lý đặc biệt. Y học hiện đại đã có những thành công trong việc tiêu diệt các tế bào ác tính bằng những “vũ khí” hạng nặng như: phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị, xạ trị… Tuy nhiên, sau khi sử dụng những “vũ khí” hiện đại trên để tiêu diệt kẻ thù thì “quân ta” cũng bị tổn thất không nhỏ, nhiều tế bào, mô, bộ phận khác của người bệnh cũng bị ảnh hưởng, khiến người bệnh có cảm giác đuối sức, ói mửa, mất ăn, mất ngủ, suy kiệt… Vì vậy, phải có một cơ chế “hậu chiến”. Vấn đề là người thầy thuốc phải nỗ lực giúp cho người bệnh thổi lên ngọn lửa từ đám tro tàn. Thầy thuốc “mát tay” sẽ giúp cho tinh thần bệnh nhân được cải thiện, sức khỏe tăng tiến hơn, khối u bị ức chế một phần cũng bớt tàn phá cơ thể, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn có thể cầm cự được với bệnh. Ý nghĩa cuộc sống đôi lúc không phải chỉ đo bằng khoảng thời gian dài hay ngắn mà nó lại nằm ở chất lượng sống. Và đó là điều mà người thầy thuốc đang cố gắng chuyển cho người bệnh. Liệu pháp 4T gồm: Tâm lý - Thực phẩm - Thể thao - Thuốc. Tạo tâm lý thoải mái, bớt lo âu, căng thẳng, không sợ hãi cho người bệnh. Người bệnh có chế độ ăn - thực phẩm phù hợp, kiêng một số thức ăn, uống có hại cho cơ thể; ăn một số thực phẩm chống ung thư và bồi dưỡng sức khỏe. Người bệnh được tập dưỡng sinh, đi bộ, thái cực quyền… Thuốc: kết hợp Đông Tây y, châm cứu, bấm huyệt).
BS Trần Tuấn Khanh, Trưởng khoa Nội II cho biết, hiện mỗi ngày, khoa có khoảng 70 bệnh nhân. Phương pháp nào cũng có ưu khuyết điểm, người bệnh cần tư vấn của BS, có thể điều trị Tây-Đông y phối hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Trong những trường hợp bệnh tiến triển vào giai đoạn cuối không thể sử dụng “vũ khí” hạng nặng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì cần biết rằng ngành y học cổ truyền có thể giúp kéo dài cuộc sống, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vinh Nguyễn
Muốn phòng ngừa và điều trị bệnh mạn tính, ngoài dùng thuốc, còn phải hướng dẫn bệnh nhân kiên trì thực hiện thay đổi lối sống và thay đổi chế độ ăn. “Liệu pháp 4T” của BV Y dược học dân tộc TP thực hiện như sau:.
T1 - Tạo một lối sống - tinh thần luôn bình an (thanh tâm), tiến tới lối sống “3 giảm - 1 không”. Tức là giảm lo, giảm buồn, giảm giận và không sợ. Theo y học cổ truyền, lo lắng sẽ hại bộ máy tiêu hóa (tư thương tì), buồn sẽ hại bộ máy hô hấp (bi thương phế), giận hại bộ máy vận động (nội thương can), sợ hại bộ máy sinh dục, tuyến thượng thận, thận, xương tủy (khủng thương thận). Thường xuyên lo sợ là nguy hiểm nhất vì gây suy giảm miễn dịch.
T2 - Thực phẩm - chế độ ăn: Người bệnh chọn các thức ăn uống có chứa các vitamin kháng ung (vitamin A, B, C, E), có khoáng chất chống ung thư (ma-nhê, kẽm, germanium, selenium). Nên kiêng cữ hẳn: mỡ động vật (heo, gà, bò), hạn chế thịt nướng - hun khói - chiên, muối, đường, trứng, hóa chất (phẩm màu, hương - vị thực phẩm, chất bảo quản, phụ gia…), thực phẩm công nghiệp - đồ hộp. Bệnh nhân nên ăn những thực phẩm tươi, cơm gạo lứt, rau (bông cải, dền, bắp cải), củ (cà rốt…), đậu (đậu trái, đậu hột: đậu đen-đỏ), nấm (nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm tuyết, nấm mèo đen, nấm kim chi, nấm mỡ, nấm hầu thủ), rong tảo biển, trái cây (táo, dâu…), tỏi, hành tím, rau thơm, mè đen. Ngoài ra, cần uống đủ nước, nước khoáng kiềm, nước trà xanh, nước trái cây, nước gạo lứt rang, nước đậu đen, sữa đậu nành tươi (mới nấu).
T3 - Tập dưỡng sinh: Có nhiều phương pháp tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe (hệ miễn dịch) như xoa bóp giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết, chống ứ trệ; tập thở sâu khi mệt, căng thẳng; tập thái cực quyền (môn võ dưỡng sinh rất phù hợp cho người lớn tuổi, sức khỏe kém, vừa giúp vận động toàn thân, lại giúp tinh thần bình an); tập khí công, yoga...; đi bộ chậm, thở sâu.
T4 - Thuốc: thuốc Tây (điều trị triệu chứng) kết hợp với Đông dược, chú ý dược liệu bổ tinh-khí thần, dùng thuốc từ cây cỏ, cơ thể hấp thu dễ, nhanh, tăng cường lưu thông khí huyết, không phản ứng phụ.
BS Quan Vân Hùng
“Thời gian qua, việc hỗ trợ điều trị ung thư bằng y học cổ truyền nói chung và sử dụng phương pháp 4T nói riêng đã có những hiệu quả nhất định, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho người bệnh. Phương pháp này đang được nhân rộng trong cộng đồng”.
BS Trần Hữu Vinh (Trưởng phòng Quản lý y học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM)