Thôi kiếp chồng chung

26/10/2019 - 08:37

PNO - Cảnh chung chồng đầy chua xót, đắng cay. Vậy nhưng vẫn có những phụ nữ chịu đựng những cuộc hôn nhân chung đụng, để giữ vỏ bọc gia đình hoàn mỹ cho con, cho cha mẹ, cho dòng họ, bạn bè, chỉ trừ... cho mình.

Rơi và vỡ 

Những tấm ảnh của nàng hoàng quý phi xinh đẹp, năng động đã bị xóa khỏi trang web chính thức của Hoàng gia Thái Lan. Cách đây chỉ vài tháng, những tấm ảnh này đã từng gây ra sự cố sập mạng vì lượt người truy cập và tải ảnh.

Thoi kiep chong chung
Hình ảnh hoàng quý phi hạnh phúc bên nhà vua

Mới tuần trước, trang web này vẫn đăng hình ảnh hoàng quý phi đang hoạt động tình nguyện ở Bangkok. Vậy mà hôm 21/10, Hoàng gia Thái Lan đã chính thức thông báo quốc vương Rama X phế truất đồng thời tước bỏ mọi chức vị, quân hàm và huân chương của nàng hoàng quý phi 34 tuổi. 

Cánh chim xinh đẹp và mạnh mẽ đã rơi khỏi đường bay, lạc cánh trong luồng gió quẩn của âm mưu chính trị và hậu cung đương thời. Sineenat Wongvajirapakdi, cựu lính dù, cựu y tá, nữ phi công lái máy bay quân sự, thành viên lực lượng cận vệ của nhà vua, người vừa được phong hàm thiếu tướng hồi tháng Năm - một hình ảnh rất mới mẻ về hoàng gia - đang mang trên mình những cáo buộc về âm mưu lật đổ hoàng hậu chính thức của vương triều. 

Nhìn ảnh, thấy tuổi 34 của nàng còn quá trẻ, quá mảnh mai, quá xinh đẹp. Nhìn ảnh, thấy người đàn bà ấy như đang với tới tương lai rạng rỡ. Dư luận nói về con đường thăng tiến nhanh đến chóng mặt của nàng. Cũng dễ hiểu thôi.

Nhưng cũng hiểu thêm một điều khác nữa: bay lên nhanh quá, vẫn đang trên đà bay lên thì chắc hẳn chưa kịp chuẩn bị cho lúc mình hạ xuống, nhất là cú hạ cánh một cách đột ngột. Thế nên cú phế truất này cũng gần như một cú bắn rơi. 

Thoi kiep chong chung
Bản lĩnh, mạnh mẽ là thế nhưng người phụ nữ này giờ đây có lẽ đã “trắng tay” sau những ngày chấp nhận làm “người thứ ba”

Cứ nhìn vào những thứ đã bị tước đoạt, bạn sẽ thấy đây là một cú rơi thẳng đứng. Càng trên cao, càng dễ vỡ vụn. Mũi tên được bắn lên từ mặt đất, từ một câu chuyện quá cũ bao đời: câu chuyện đàn bà lấy chồng chung. Thế thôi!  

Được thì chung, mà mất thì riêng

Tước vị hoàng quý phi đã vắng bóng một thời gian khá dài trong lịch sử Hoàng gia Thái. Suốt gần một thế kỷ, các vị vua Rama VI, Rama VII và Rama IX đều theo chế độ một vợ một chồng. Vị vua hiện tại - quốc vương Rama X - kết hôn lần thứ tư hồi tháng Năm.

Đến tháng Bảy, nhà vua sắc phong tước hiệu hoàng quý phi cho bà Sineenat, người được cho là một trong những bạn gái lâu năm của ông. Hình ảnh ấn tượng nhất với truyền thông là vua và hoàng hậu ngồi trên ngai, Sineenat quỳ rạp trước mặt để được nhà vua làm lễ sắc phong. Suốt thời gian làm lễ phong hoàng quý phi, hoàng hậu luôn giữ nét mặt vô cảm. 

Thoi kiep chong chungLễ tước phong Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi (nằm) trong buổi lễ ngày 28/7. Ảnh: Khaosod.

Quyền lực của quốc vương đã thiết lập lại chế độ phi tần. Hai người đàn bà chung một chồng và người đàn ông mong muốn việc này có thể xoa dịu các mâu thuẫn. Có lẽ, những người đàn bà cũng đã chấp nhận sự thu xếp này, ít nhất là… ngoài mặt. Còn trong lòng, họ nghĩ gì, họ khao khát gì, người ta nào biết. Họ đã “được” và chia sẻ cái “được” này với nhau.

Sau khi được sắc phong, người ta thấy hoàng quý phi xuất hiện trong các hoạt động tình nguyện, thực hiện vai trò của mình. Hoàng hậu cũng vậy. Cả hai người phụ nữ có vẻ đều chấp nhận và biết thứ bậc, nhiệm vụ của mình, để nhận được sự ân sủng từ nhà vua.

Chỉ có điều, khi người này xuất hiện cùng với đấng phu quân, thì người kia dù xinh đẹp bao nhiêu đi nữa, cũng phải chịu lẻ bóng một mình. Bởi cái họ “được” là cái chung, không thuộc về riêng ai cả. “Được” mà không phải là của mình, “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” là lẽ này đây. 

Thoi kiep chong chung
Người phụ nữ mạnh mẽ này rồi sẽ ra sao?

Vỏn vẹn chưa đầy ba tháng sau, đột ngột cái được thành cái mất. Và khi mất là mất tất cả, không chỉ là tước hiệu, không chỉ là tình cảm, cả những thứ tưởng là công sức cố gắng, là đóng góp của mình, người ta cũng phủi sạch một khi mình đã không còn chỗ đứng trong lòng họ. Cay đắng hơn, ngay đến sự bẽ bàng của mình, cả thế giới gần như tường tận.

Trong tuyên bố dài hai trang từ cung điện hoàng gia, người ta đọc được những “bất trung”, “vô ơn” và “tham vọng” - những gì còn lại với người đàn bà bị phế truất. Thậm chí còn nặng nề hơn: “Không tôn trọng nền quân chủ, chia rẽ hoàng gia và gây rối loạn trong quần chúng, có thể coi là có hành vi phá hoại đất nước và thể chế (quân chủ)”.

Với người phụ nữ đã được xem là luồng gió mới, trẻ trung xinh đẹp và nghị lực, đóng góp cho sự phát triển của quân đội và hoàng gia, đây như một lời kết tội vô cùng nặng nề. Nhưng không ai chia sẻ, những mất mát, một mình gánh chịu.

Được có bao nhiêu, mà mất đến bao nhiêu. Nhưng có ai sống được cân bằng trong cái thế chông chênh hờn oán ấy. Ngay cả khi xinh đẹp đến vậy, quyền lực đến vậy, một khi chấp nhận cúi đầu chung chạ, tức là chấp nhận đẩy mình vào chỗ rủi ro. Bởi vậy nên đừng ảo tưởng là có thể chung được chồng!

Nhìn lại quanh mình 

Có ai nghĩ “em đẹp em có quyền” chắc sẽ giật mình nhìn lại. Thái Lan nổi tiếng có nhiều người đẹp nhưng đẹp chẳng phải là tất cả. Ở nơi nổi tiếng vì phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật chuyển giới tính, cũng là nơi tồn tại những nghịch lý khó tin. Nhìn lại những câu chuyện mâu thuẫn của xứ người, mới thấy phụ nữ vẫn còn gian nan lặn lội dọc con đường bình đẳng. Trên con đường ấy, cái đẹp chỉ nhiều khi thêm nỗi xót xa. 

Thoi kiep chong chung
Bức ảnh công bố hồi tháng 8 từng khiến trang web hoàng gia Thái sập mạng. Ảnh: Getty

Phụ nữ Thái kinh doanh giỏi nhưng không tham gia chính trị. Tại Thái Lan, có tới 40% giám đốc điều hành và 34% giám đốc tài chính là phụ nữ. Vai trò lãnh đạo của phụ nữ Thái trong kinh doanh vượt xa hầu hết những quốc gia châu Á khác và được đánh giá cao trên toàn thế giới. Chính trị lại là việc của đàn ông. Hiện tại, trong hội đồng gồm 240 ghế của Quốc hội Thái Lan, chỉ có 13 nữ. Nội các chính phủ hoàn toàn không có thành viên nữ. 

Tôn giáo cũng là một lĩnh vực cấm kỵ đối với phụ nữ. Tại Thái Lan, đàn ông mới được phép trở thành nhà sư hoặc tu sĩ, phụ nữ bị cấm xuất gia. Chị em nào sùng đạo, tha thiết muốn xuất gia, chọn lựa duy nhất của họ là trở thành nữ tu với nhiệm vụ giúp việc, vệ sinh tại các đền, chùa, gọi là tu sĩ Phật giáo áo trắng.

Số tăng nhân nam giới là 250.000 người; trong khi số ni sư chỉ 270 người, tất cả ni sư đều được sắc phong tại nước ngoài. Tự quyết định cuộc đời mình là một khái niệm xa lạ ở đây, chỉ đơn giản vì đây là lệnh cấm, để duy trì một truyền thống lâu đời. 

Nếu nhìn vào câu chuyện thị phi ầm ĩ của một nữ đại gia người Thái, 58 tuổi vẫn nhiệt tình đăng tuyển đời chồng thứ 9, với điều kiện phải “yêu 28 lần một ngày”… ta dễ lầm tưởng phụ nữ xứ ấy tự do, tân tiến, táo bạo. Nhưng xét cho cùng, cái tự do ấy, theo một nghĩa nào đó, vẫn phụ thuộc vào đàn ông.

Thương người nữ phi công, tưởng có thể hiên ngang cất cánh bay bằng chính nỗ lực và cả nhan sắc của bản thân, nào ngờ cuối cùng cũng phải quỳ xuống lụy vào kiếp chồng chung mà mong đổi phận. Đổi bằng cách ấy, thiệt hơn đành chịu, vì cuộc đời mình nào có phải trong tay mình đâu…

Những tưởng chỉ ở thời xưa phụ nữ mới phải chấp nhận cảnh chung chồng đầy chua xót, đắng cay. Trên thực tế, giờ đây vì nhiều lý do, vẫn còn những phụ nữ chịu đựng những cuộc hôn nhân chung đụng, để giữ vỏ bọc gia đình hoàn mỹ cho con, cho cha mẹ, cho dòng họ, bạn bè, trừ... cho mình. Họ đâu biết, như vậy, không chỉ bản thân phải chịu thiệt thòi mà còn gián tiếp vi phạm pháp luật, góp phần làm cho đạo đức trong gia đình xuống cấp.

Những đứa trẻ lớn lên sẽ thế nào khi thấy cha mình mặc nhiên đi về với người đàn bà khác, không phải mẹ của mình? Xin hãy một lần nghĩ cho bản thân, cho những nỗi đau, những giọt nước mắt đang cố giấu kín. Xin hãy rũ bỏ những thứ đã không còn thuộc về mình. 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI