Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ là bao lâu?

10/12/2020 - 13:00

PNO - Bệnh viện nào không có quy trình điều trị đột quỵ đầy đủ nên thương người dân, cho họ chuyển viện sớm, bằng không sẽ giết bệnh nhân thêm lần nữa.


Bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận 11 - phân tích: Đột quỵ gồm 2 dạng: xuất huyết não và nhồi máu não; trong đó nhồi máu não chiếm 70% - 80%.

Người bị đột quỵ do tắc động mạch lớn nên mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi. Do đó, vấn đề quan trọng của cấp cứu đột quỵ là thời gian. 

Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là “thời gian kim cương” có thể phục hồi hoàn toàn. Nếu sau 6 giờ, việc điều trị tái thông mạch máu sẽ kém hiệu quả.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM trăn trở: Vì là bệnh nguy hiểm, cần chạy đua với thời gian vàng nên người nhà đưa ngay đến bệnh viện, không chần chừ tìm các biện pháp dân gian chữa đột quỵ. Ngay cả bệnh viện nào không xử lý được ca bệnh thì nên nắm rõ các bệnh viện có quy trình điều trị đột quỵ để chuyển viện kịp thời, tránh chuyển lòng vòng hay giữ bệnh.

"Bệnh viện nào không có quy trình điều trị đột quỵ đầy đủ nên thương người dân, cho họ chuyển viện sớm, bằng không sẽ giết bệnh nhân thêm lần nữa", bác sĩ Cường thẳng thắn.

Tại các bệnh viện có điều trị đột quỵ thì bên cạnh việc sử dụng thuốc tiêm đánh tan cục máu đông (do tắc nghẽn mạch máu nhỏ) trong thời gian vàng nhập viện thì phải thực hiện được kỹ thuật tái thông mạch máu não dưới điều khiển của máy DSA (máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền) do tắc nghẽn các mạch máu lớn. Tuy nhiên, hiện nay rất ít bệnh viện làm được kỹ thuật DSA.

Theo phác đồ mới nhất của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (năm 2015), bác sĩ được chỉ định can thiệp nội mạch DSA lấy huyết khối trong nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn nội sọ (trong 6 giờ vàng) là chỉ định được chứng minh rất có lợi và tốt hơn so với phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trung bình mỗi tháng nơi đây tiếp nhận từ 100-120 trường hợp bị đột quỵ (tai biến mạch máu não).

Đặc biệt, trong đó, tỷ lệ người trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm khoảng 20% - 30%. Điều đáng buồn là chỉ có khoảng  8% người bệnh được đưa đến bệnh viện kịp thời trong “thời gian vàng”.

 

Hiếu Nguyễn - Đinh Tiên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Minh Nguyệt 11-12-2020 10:03:21

    Cám ơn báo Phụ Nữ đã thông tin rất hữu ích và quan trọng về thời gian vàng cấp cứu đột quỵ.
    Xin quý báo giúp cho biết thêm ở VN, tĩnh, thành phố, Quận...bv nào có quy trình cc đột quỵ như sau:
    1/ tên các bv có quy trình điều trị đột quỵ không có máy DSA
    2/ tên các bv có quy trình điều trị và có máy DSA.
    Đây sẽ là thông tin rất quý để người nhà chọn đúng bv kịp thời cấp cứu tùy theo vị trí nơi bệnh nhân ở và kịp trong khung thời gian vàng
    Rất cám ơn quý báo và mong nhận được trả lời

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI