Thời gian làm việc kéo dài giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm

19/05/2021 - 05:05

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thời gian làm việc kéo dài đang giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm do đột quỵ và bệnh tim.

Trong một phân tích toàn cầu về mối liên hệ giữa thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và làm việc nhiều giờ, WHO và Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng trong năm 2016, khoảng 745.000 người chết do làm ít nhất 55 giờ/tuần.

Hầu hết trường hợp tử vong được ghi nhận ở những người từ 60-79 tuổi, những người đã làm việc ít nhất 55 giờ/tuần khi ở độ tuổi từ 45-74.

Theo phân tích, nam giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 72% số ca tử vong. Báo cáo cho biết những người sống ở Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á, và những người lao động trung niên trở lên đang chịu gánh nặng bệnh tật đáng kể.

Thời gian làm việc kéo dài khiến hàng trăm ngàn người mỗi năm.
Thời gian làm việc kéo dài khiến hàng trăm ngàn người chết mỗi năm

Báo cáo được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế cho thấy tử vong do bệnh tim liên quan đến làm việc nhiều giờ tăng 42% và đột quỵ tăng 19%, từ năm 2000-2016.

Theo đó, những người làm việc từ 55 giờ/tuần trở lên có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn ước tính 35% và nguy cơ tử vong do thiếu máu cục bộ cao hơn 17% - bệnh tim do hẹp động mạch - so với những người làm việc khoảng 35-40 giờ/tuần.

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Cục Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO, cho biết: “Làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe. Đã đến lúc tất cả chúng ta, các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải thức tỉnh rằng thời gian làm việc kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ tử vong".

Về nguyên nhân khiến làm việc nhiều giờ dễ gây ra tình trạng tử vong, WHO cho biết tâm lý căng thẳng do làm việc thời gian kéo dài có thể tạo ra phản ứng sinh lý, gây ra các phản ứng trong hệ tim mạch và các tổn thương, thay đổi trong mô.

Thứ hai là thông qua các hành vi gây hại cho sức khỏe khi đối mặt với căng thẳng, bao gồm hút thuốc, uống rượu, ăn uống kém, ít vận động, ngủ ít và phục hồi kém - tất cả đều được coi là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Báo cáo cũng nói thêm đại dịch COVID-19 cũng gây áp lực đáng kể lên những nhân viên bị buộc phải làm việc tại nhà. Nhân viên ở Vương quốc Anh, Áo, Canada và Mỹ đang làm việc nhiều giờ hơn trước đây. Riêng Anh và Hà Lan, các nhân viên thường làm đến 20g.

"Đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể cách làm việc của nhiều người. Làm việc từ xa trở thành tiêu chuẩn trong nhiều ngành công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa hoạt động để tiết kiệm tiền, những người vẫn đang trong biên chế sẽ làm việc kéo dài hơn hàng giờ so với quy định” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Tuy nhiên, ông Tedros nhấn mạnh: "Không có công việc nào đáng có nguy cơ bị đột quỵ hoặc bệnh tim. Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần thống nhất cùng nhau về các giới hạn để bảo vệ sức khỏe của người lao động".

Minh Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI