Thôi đừng ép con

04/04/2019 - 09:52

PNO - Em thích học vẽ nhưng mẹ không cho. Mẹ bắt em phải đi học tiếng Anh trong khi em không thích.

Trong buổi họp phụ huynh cuối khóa lớp tiếng Anh, một chị đã bỏ về nửa chừng khi thấy con mình yếu thế so với các bạn cùng lớp. Chị gặp riêng giáo viên hỏi thăm tình hình con mình với thái độ thất vọng vì không hiểu sao trong lớp con không hợp tác, rụt rè và nhút nhát. Giáo viên cho biết, bé có biểu hiện trầm cảm, tự kỷ, luôn cố cô lập mình với mọi người. Cô bé chống đối giáo viên bằng cách nói chuyện lí nhí trong miệng khi được gọi trả lời, không chịu múa hát…

Thoi dung ep con
 

Nhưng sự thực nguyên nhân không phải như vậy. Bởi tôi là giáo viên tiếng Anh cũ của cô bé. Tôi nghỉ việc đột ngột nên chưa có cơ hội bàn giao một số điểm cần chú ý cho giáo viên mới. Ngày cô bé vào lớp của tôi, em cũng lầm lì, ít nói và không hợp tác như cách mọi người đang cảm nhận. Tôi phải mất thời gian khá lâu để làm quen với cô bé, chấp nhận việc dạy cô bé theo cách riêng. 

“Con không thích múa hát, nói tiếng Anh với các bạn phải không? Không sao. Con có thể chọn việc gì đó mà con thích để làm”. Rất nhiều lần gợi ý như vậy, cô bé mới mở chiếc cặp, lấy ra tập giấy, cây bút chì bắt đầu những nét thận trọng trong khi ánh mắt em thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn tôi đầy nghi hoặc. Tôi vừa dạy các bạn khác trong lớp vừa để mắt đến hoạt động riêng của cô bé. Thỉnh thoảng, tôi đứng nhìn cô bé vẽ tranh: à, đây là “cat”, đây là “tree”, “house”... Cứ mỗi lần như vậy, cô bé lặp lại “cat”, “tree”, “house”… và ghi nhớ những từ đó một cách dễ dàng. Sau khi chắc chắn rằng mình đã trở thành bạn của cô bé, tôi hỏi nhiều hơn. Cô bé thỏ thẻ với tôi rằng, em thích học vẽ nhưng mẹ không cho. Mẹ bắt em phải đi học tiếng Anh trong khi em không thích.

Thoi dung ep con
 

Trao đổi với phụ huynh của em, chị cho rằng càng lớn con càng trầm tính nên chị muốn con học tiếng Anh để năng động hơn. Học vẽ chẳng mang lại lợi ích gì và việc ngồi ỳ một chỗ chẳng thể cải thiện tính cách của con. Trong khi chị muốn con mình tự tin nói tiếng Anh, tự tin giao tiếp với mọi người. 

Nhưng chị đã sai. Vẻ lầm lì mà chị nhìn thấy ở con không phải là tính cách. Đó là cách cô bé chống đối khi không được làm theo sở thích, khi luôn bị mẹ so sánh với người khác. Bởi ở lớp tiếng Anh của tôi một thời gian, cô bé bắt đầu chịu bắt cặp phân vai nói chuyện theo yêu cầu, đồng thời hòa nhập với lớp trong mọi hoạt động. Đặc biệt, em nhớ bài rất giỏi. Hơn ai hết, mẹ cô bé rất hài lòng trước sự thay đổi của con trong những buổi họp phụ huynh trước. Sau đó, tôi không còn theo lớp, đồng nghĩa với việc cô bé không còn được vẽ.

Và rồi, cô bé bị “dán mác” trầm cảm, tự kỷ một cách vội vàng khi cố đấu tranh để được làm điều mình thích bằng cách thức non nớt của một đứa trẻ. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI