Các nước Nhật Bản, Singapore, Đài Loan thực hiện bệnh án điện tử trong bệnh viện từ 15-20 năm trước. Nhưng Việt Nam chỉ mới bắt tay vào làm thí điểm ở một bệnh viện là Bệnh viện quận Thủ Đức. Đa phần các bệnh viện lớn tại Việt Nam đang thực hiện số hóa bệnh án hoặc chuẩn bị kỹ thuật nhưng chưa thực hiện được bệnh án điện tử toàn bệnh viện.
Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2019, trong đó các bệnh viện tuyến trung ương sẽ phải tiên phong trong việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử để thay thế cho bệnh án giấy nhằm tạo thuận lợi hơn, phục vụ người bệnh tốt hơn. Cụ thể, từ năm 2019 – 2023, chuẩn bị hạng tầng để thực hiện bệnh án điện tử tại các bệnh viện hạng I trở lên. Từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, chậm nhất là đến năm 2030.
|
Bệnh án điện tử: vừa hỗ trợ vừa giám sát bác sĩ
Bệnh viện quận Thủ Đức là nơi đầu tiên tại Việt Nam được công nhận xây dựng được bệnh án điện tử (ở mức độ thí điểm) vào năm 2018. Anh N.T.H. (35 tuổi, quận 9, TP.HCM) khi vào khám tại khoa Nội tổng quát ở đây vô cùng ngạc nhiên khi thấy bác sĩ vừa khám bệnh vừa “chấm chấm” vào chiếc máy tính bảng. Không phải bác sĩ vừa khám bệnh vừa lướt facebook mà thật ra là thao tác bắt buộc: lưu thông tin sức khỏe người bệnh vào bệnh án điện tử.
|
Bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức dùng máy tính bảng để lưu bệnh án điện tử. Ảnh: SYT |
Thậm chí, ứng dụng trên smartphone hay máy tính bảng còn giúp cho việc khám bệnh trở nên giản đơn hơn vì có đưa ra chẩn đoán gợi ý, chỉ định gợi ý, đơn thuốc gợi ý…
Chỉ cần bệnh nhân có những dấu hiệu và triệu chứng A, bệnh án điện tử sẽ đưa ra phác đồ điều trị mẫu cho bác sĩ. Tên thuốc cũng chỉ cần gõ vài ký tự đầu là hiện ra tên thuốc đầy đủ. Nếu thuốc trong kho sắp cạn cũng sẽ được thông báo cho bác sĩ để họ tìm thuốc thay thế có cùng hoạt chất. Những loại thuốc kỵ rơ nhau (tương tác thuốc) cũng sẽ hiện lên trong đơn thuốc để cảnh báo cho bác sĩ. Tiền sử dị ứng thuốc của người bệnh cũng được lưu trữ trong bệnh án điện tử, giúp bác sĩ tránh cho những loại thuốc gây dị ứng cho bệnh nhân.
|
Thông tin điều trị của bệnh nhân sẽ được chuyển online từ bác sĩ sang máy tính bảng của điều dưỡng. Ảnh: SYT |
Tờ giấy và cây viết trên bìa hồ sơ bệnh án giấy được thay thế bằng chiếc smart phone hoặc máy tính bảng. Thông qua wifi, dữ liệu trên smartphone, máy tính bảng được đồng bộ với phần mềm trên máy tính để bàn hoặc laptop. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho y lệnh trên máy tính bảng, dữ liệu này sẽ tự động chuyển sang phiếu điều trị cho các điều dưỡng mà không cần phải in ra hay chép tay như lúc trước.
Bác sĩ Trần Nguyễn Ái Thanh – Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện quận Thủ Đức cho hay bà con đến khám rất thích phong cách khám bệnh mới của các bác sĩ ở đây. Vì chỉ cần nhìn vào ứng dụng, bác sĩ biết ngay tiền sử bệnh, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và giải pháp chính xác, cụ thể thắc mắc của bệnh nhân.
|
Bác sĩ BV quận Thủ Đức làm bệnh án điện tử trên laptop |
Thạc sỹ Huỳnh Mỹ Thư – Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện quận Thủ Đức khẳng định, dùng bệnh án điện tử giảm ít nhất ½ thời gian làm sổ sách cho bác sĩ và điều dưỡng. Thời gian tiết kiệm được này sẽ dùng để tăng thời gian khám và tư vấn cho bệnh nhân.
Từ 2015 đến 2017, Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện đầu tiên cả nước bắt đầu thực hiện thí điểm bệnh án điện tử sử dụng chữ ký số. Năm 2018, Bộ Y tế công nhận Bệnh viện quận Thủ Đức thí điểm thành công bệnh án điện tử. Hiện tại, Bệnh viện tiếp tục hoàn thiện hệ thống và thí điểm sử dụng app trên smart phone hoặc máy tính bảng để khám bệnh nội trú tại khoa Nội tổng quát. Tất cả các bác sĩ ở khoa này đều được trang bị laptop để phục vụ cho bệnh án điện tử. Hiện nay, mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… của Bệnh viện quận Thủ Đức đều có một username, password để đăng nhập có khai báo chữ ký điện tử. Bệnh viện quận Thủ Đức nhận định: Bệnh án điện tử thật sự là công cụ hỗ trợ và cũng giám sát nhân viên bệnh viện tuân thủ quy chế viết hồ sơ bệnh án và tuân thủ phác đồ điều trị. |
Bệnh án điện tử: vì sao đường còn xa?
Giúp ích cho bác sĩ và tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế, giúp lưu trữ thông tin cho bệnh nhân nhưng khi nhắc đến bệnh án điện tử, nhiều bệnh viện tại TP.HCM cho rằng thực hiện được bệnh án điện tử cần nhiều thời gian nữa, mà ít nhất cũng phải là 5 năm.
|
Một hộ lý của BV Ung Bướu TP.HCM mang bệnh án giấy giữa các khoa điều trị. Hình ảnh này sẽ không còn nếu áp dụng bệnh án điện tử |
Khó khăn đầu tiên là về kinh phí thực hiện. Bác sĩ Lê Anh Tuấn – Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết để làm bệnh án điện tử, phải nâng cấp hạ tầng (máy tính, đường truyền internet) cho đủ mạnh để tải dữ liệu. Sau đó là các chi phí triển khai từng hạng mục như mua các phần mềm chuyên dùng cho bệnh án điện tử, chi phí mua và duy trì chữ ký số; chi phí bảo mật thông tin mạng… Chi phí thực hiện bệnh án điện tử theo một lãnh đạo Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM là khoảng trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, một cơ sở 2 chưa đưa vào hoạt động cũng khiến họ phải mất nhịp chờ đợi vì phải đồng bộ giữa hai bệnh viện thì mới triển khai bệnh án điện tử.
TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết muốn triển khai đồng thời cả bệnh án điện tử (dành cho chuyên môn của bác sĩ) và mô hình bệnh viện thông minh (dành cho nhà quản trị bệnh viện). Chính vì thế, công việc là rất nhiều. Cũng liên quan đến chi phí vì bệnh viện đã tự chủ tài chính nên phải cân nhắc tính toán thật kỹ để thực hiện hiệu quả mà không lãng. Đây là bài toán rất khó. Bệnh viện Nhi đồng 1 tuy vậy vẫn đặt ra mục tiêu đến 2023 sẽ thực hiện được cả bệnh án điện tử lẫn giai đoạn đầu của mô hình bệnh viện thông minh.
|
Bác sĩ BV Nhi đồng 1 xem bệnh án giấy ở giường bệnh |
Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay để phòng tránh chuyện xây dựng xong thì lại thay đổi do quy định mới nên những năm qua, tuy có đưa bệnh án điện tử vào đề án phát triển công nghệ thông tin chung của bệnh viện nhưng vẫn để đó…dè chừng. Chỉ mới đây, Bệnh viện quyết định làm demo (làm thử) bệnh án không giấy ở khoa Cấp cứu. Bệnh án không giấy được xem là bước thử nghiệm để thực hiện bệnh án điện tử, từ thành công ở khoa Cấp cứu sẽ mở rộng ra toàn bệnh viện.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy lý giải khoa Cấp cứu có đặc thù riêng nên sẽ làm thử bệnh án không giấy. Những hoạt động tại khoa Cấp cứu của bác sĩ và điều dưỡng sẽ hạn chế liên quan đến dùng giấy tờ. Tất nhiên, một số loại giấy tờ như giấy chuyển tuyến, cam kết phẫu thuật…vẫn phải dùng giấy như cũ. Nhưng một lý do rất chính đáng mà Bệnh viện Chợ Rẫy còn ngại ngần, chính là sự thống nhất của hệ thống thông tin giữa các bệnh viện. Bác sĩ Phạm Thanh Việt nhận định bệnh án điện tử phải có sự liên thông giữa các bệnh viện. Nếu mỗi bệnh viện xây dựng một kiểu, thì khi xây dựng xong, làm sao các hệ thống này kết nối với nhau được? Nếu không kết nối với nhau, làm sao dữ liệu của người bệnh có thể chuyển sang bệnh viện khác được? Khi đó thì thậm chí giấy chuyển tuyến cũng không bỏ được.
|
Ghi chép vào bệnh án giấy tại BV Chợ Rẫy |
Nhận định của bác sĩ Phạm Thanh Việt là có cơ sở. Bởi lẽ, hiện nay, các bệnh viện triển khai xây dựng bệnh án điện tử theo các cách khác nhau. Có nơi scan thông tin người bệnh để số hóa, có nơi nhập dữ liệu vào máy tính, có nơi lại mã hóa. Phần mềm của bệnh án điện tử có nơi đặt mua của các tập đoàn công nghệ, có nơi lại tự xây dựng như tại Bệnh viện quận Thủ Đức.
Thực hiện bệnh án điện tử giúp loại bỏ nhiều công đoạn ghi chép sổ sách, thời gian xin chữ ký, thời gian tìm kiếm hồ sơ…Nhưng để có sự tinh giản này cần đến một hệ thống công nghệ thông tin phức tạp, chi phí đắt đỏ, sự khéo léo trong quản lý tài chính và cả ý chí kiên định của người đứng đầu bệnh viện.
Sự tiên liệu của các bệnh viện là có cơ sở vì không phải ngày một ngày hai thực hiện được bệnh án điện tử. Để ra đời một mô hình bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử có hình hài tạm ổn như hôm nay, Bệnh viện quận Thủ Đức đã xuất phát từ năm 2008, trải qua rất nhiều lần sai – sửa với rất nhiều chi phí bỏ ra. Họ cũng từng mua phần mềm bệnh án điện tử của các công ty bên ngoài nhưng không thành công. Chính vì vậy, Bệnh viện quận Thủ Đức có hẳn 24 lập trình viên để viết phần mềm bệnh án điện tử cho riêng mình. Phần mềm này mang tên của bác sĩ giám đốc Nguyễn Minh Quân – phần mềm MQSOFT. Ngay cả app (ứng dụng) trên smart phone hay máy tính bảng để bác sĩ khám bệnh hay điều dưỡng sử dụng cũng do chính người của Bệnh viện quận Thủ Đức viết. Hiện tại, với phần mềm MQSOFT, chỉ có thể liên thông hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) với Bệnh viện Nhi đồng 1 (do cùng một nhà cung cấp). Thạc sỹ Huỳnh Minh Thư, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết nhiều bệnh viện khác đang tham khảo mô hình bệnh án điện tử tại đây. |
Hiếu Nguyễn