Thời của… vẻ đẹp cơ bắp?

09/01/2021 - 08:57

PNO - Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc… thách thức lại định kiến “phái đẹp có nghĩa là phái yếu” vốn rất nặng nề bằng cách chứng minh rằng cơ bắp trên một cơ thể khỏe mạnh không chỉ là “đặc quyền” của cánh mày râu.

Đối với phụ nữ Hàn Quốc, chuẩn mực cho cái đẹp được “đúc khuôn” hàng ngàn năm nay với những tiêu chuẩn quen thuộc: da trắng, thân thể mảnh mai và phải làm sao để trông có vẻ nữ tính nhất đã trở thành khát khao cháy bỏng đến mức “ám ảnh” cả trong giấc mơ hằng đêm. Thế nhưng, đang ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc… thách thức lại định kiến “phái đẹp có nghĩa là phái yếu” vốn rất nặng nề bằng cách chứng minh rằng cơ bắp trên một cơ thể khỏe mạnh không chỉ là “đặc quyền” của cánh mày râu.

Việc cải thiện sức mạnh thể chất, kể cả việc phát triển cơ bắp, sẽ giúp phụ nữ nhận ra tiềm năng của bản thân
Việc cải thiện sức mạnh thể chất, kể cả việc phát triển cơ bắp, sẽ giúp phụ nữ nhận ra tiềm năng của bản thân

1.
Vào các buổi tối, tại một trung tâm thể hình nổi tiếng ở một quận trung tâm thuộc thủ đô Seoul, người ta dễ dàng nhìn thấy trong phòng tập tạ - vốn là “giang sơn” của những anh chàng vai u thịt bắp - còn có cả những “bóng hồng” đang miệt mài đổ mồ hôi bên những chiếc máy tập cardio. Hầu hết trong độ tuổi từ 20 đến 30.

Ban đầu, cô Yang Min-young (38 tuổi) có ý định ghi danh tập luyện chỉ với mục đích giảm cân. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, cô nhận ra rằng, tập luyện để nâng cao độ dẻo dai và sức chịu đựng của cơ thể quan trọng hơn việc có được vóc dáng mong manh, yếu đuối. Giờ đây, cô đang là một thành viên tích cực của bộ môn crossfit và môn võ thể thao nhu thuật (jiujitsu).

“Trước đây, mỗi khi nhìn vào gương, tôi luôn có cảm giác chán ghét cơ thể mình”, cô Yang thổ lộ. “Bởi nếu soi xét theo các tiêu chuẩn của cái đẹp lý tưởng mà phái nữ đang theo đuổi hiện nay thì tôi hoàn toàn… lệch chuẩn”.

Kể từ khi bắt đầu tham gia các bài tập vận động đến nay, cô Yang cảm thấy cơ thể mình luôn tràn đầy năng lượng. “Tôi như được khám phá cơ thể mình một cách đúng nghĩa. Quan trọng hơn cả: Tôi tập trung vào khả năng của cơ thể mình hơn là quá quan tâm xem vẻ ngoài của mình như thế nào. Nhờ vậy, tôi càng thêm trân trọng cơ thể mình”.
Với mong muốn giúp phụ nữ tự tin hơn thông qua việc luyện tập thể thao, cô Yang đã thành lập một doanh nghiệp xã hội mang tên Gym Buddy theo hình thức một sân chơi thể thao dành riêng cho phụ nữ. Ở đây, chị em thỏa sức thử nghiệm tiềm năng của bản thân qua đủ loại hình tập luyện, từ bóng rổ đến võ thuật.

“Ở Hàn Quốc, tập luyện thể thao vẫn đang bị xem là hành động biểu trưng cho sức mạnh của nam giới. Bởi vậy, nếu bạn bị bắt gặp đang tập tạ để “nuôi” cơ bắp thì sẽ phải đối mặt với những ánh nhìn đầy vẻ lạ lẫm cùng câu hỏi: Đàn bà ai lại tập cái môn dành cho đàn ông kia chứ?”, cô Yang chia sẻ.

Song, theo quan điểm của cô Yang, việc cải thiện sức mạnh thể chất, kể cả việc phát triển cơ bắp, sẽ giúp phụ nữ nhận ra tiềm năng của bản thân, từ đó sẽ có được sự tự do và cảm giác không bị phụ thuộc.

2.
Cô Lee Yun-jin (28 tuổi) đang là hội viên một câu lạc bộ bóng chuyền địa phương. Cô cũng hào hứng tham gia lớp tennis và khóa học với các bài tập pilates (một bộ môn thể thao nhằm tăng cường cơ bắp, cải thiện tư thế và tính linh hoạt cho cơ thể).

Cách đây 20 năm, thời cô Lee còn học tiểu học, vào giờ giải lao, các nam sinh thường chơi thể thao ở sân trường trong khi các nữ sinh lại túm tụm tám chuyện trong lớp. Đó là vì khi ấy xã hội đã “quy định” rằng thể thao chỉ dành cho nam giới.
Thế nhưng, định kiến đó đã có sự thay đổi ngay trong môi trường học đường hiện nay ở Hàn Quốc khi người ta chứng kiến ngày càng nhiều nữ sinh tham gia các hoạt động thể chất. Các câu lạc bộ thể thao dành cho nữ sinh cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

“Sẽ có nhiều cơ hội hơn cho phái nữ được thể hiện bản thân thông qua các hoạt động thể thao vốn chỉ dành cho nam giới như lâu nay”, cô Lee nói.
Theo cô Lee, người ta thấy hết sức bình thường khi nam giới dành thời gian chơi thể thao vào cuối tuần để giải tỏa căng thẳng trong công việc lẫn cuộc sống. “Thế còn phụ nữ thì sao? Họ cũng có những áp lực cần được giải tỏa mà”, cô Lee nêu quan điểm với mong muốn ngày càng nhiều phụ nữ sắp xếp được những vướng bận gia đình để có thời gian tập thể thao.

Số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng cho thấy có sự gia tăng về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động thể chất hằng ngày trong những năm gần đây - từ 7,4% trong năm 2017 lên 8,9% trong năm 2019.

3.
Cô Park Eun-ji - một nữ vận động viên chuyên nghiệp từng tham dự các cuộc tranh đua võ thuật đối kháng như taekwondo, judo, jiujitsu và boxing từ gần 20 năm nay - cho biết ngày càng có nhiều phụ nữ quan tâm đến những “bộ môn đàn ông” này trong những năm qua. “Thật khó để tìm được một nữ vận động viên chơi các môn thể thao đối kháng ở thời điểm cách đây 20 năm. Thậm chí không có ai là phụ nữ làm huấn luyện viên. Thế nhưng giờ đây, các câu lạc bộ boxing có sự tham gia của phụ nữ đã không còn là điều hiếm thấy nữa”, cô Park nói. 

Sự thay đổi này một phần có được nhờ sức ảnh hưởng mang tính “khai phóng” của truyền thông và mạng xã hội khi những hình ảnh tích cực của phụ nữ đang tập thể thao được chia sẻ thường xuyên trên không gian mạng ở Hàn Quốc.

Đơn cử như trên mạng xã hội Instagram, chỉ cần tìm từ khóa “bài tập thể hình” (workout), sẽ cho ra khoảng 14,6 triệu bài đăng, trong đó có tới 9,8 triệu bài với hashtag “phụ nữ tập gym”, “phụ nữ tập thể thao”…

Giáo sư Yun Ji-yeong - công tác tại Đại học Konkuk (Hàn Quốc) - cũng chỉ ra sự thay đổi trong cách tiếp cận về vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ.
“Cơ thể phụ nữ đã từng không thật sự thuộc về họ mà phụ thuộc vào cách nhìn, ngắm và mong đợi của đàn ông. Hay nói cách khác, cơ thể của phụ nữ gần như hoàn toàn bị kiểm soát bởi nam giới”, giáo sư Yun nói. “Và vì thế, những phụ nữ càng có thân hình không như mong muốn của số đông đàn ông thì càng dễ bị tổn thương. Những hình mẫu về cái đẹp lý tưởng đầy định kiến kia vẫn còn tồn tại trong xã hội”.

Giới hoạt động nữ quyền ở Hàn Quốc mong đợi sẽ có những sự thay đổi tích cực về cách xã hội đánh giá phụ nữ, tập trung vào giá trị và năng lực của họ hơn là cơ thể họ trông như thế nào.

Nguyễn Thuận (theo Korea Herald)

Quay về với vẻ đẹp tự nhiên

Song song với xu hướng dịch chuyển đến vẻ đẹp cơ bắp, xu hướng làm đẹp của năm 2021 cũng thay đổi. Những khoảng thời gian dài áp dụng lệnh giãn cách xã hội do đại dịch đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen làm đẹp trước đó đồng thời giúp phái đẹp nhận định lại giá trị cốt lõi của cái đẹp: vẻ đẹp phải xuất phát từ bên trong, phải đi kèm yếu tố khỏe, phải tôn vinh những gì thuộc về tự nhiên. 

Năm 2021 sẽ là năm vẻ đẹp tự nhiên lên ngôi, với màu tóc tự nhiên và xu hướng trang điểm tối giản. Quên đi lớp trang điểm cầu kỳ với vô số bước, trong giai đoạn giãn cách, mọi người chỉ chú trọng sao cho làn da có thể thở, thậm chí trong nhiều trường hợp, chiếc khẩu trang đã xóa bỏ hoàn toàn nhiệm vụ của những thỏi son. 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI