Ứng dụng nội giành “đất” Uber
Mai Linh, Vinasun, Phương Trang… đều tranh thủ tâm lý “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để lôi kéo người dùng và tài xế về với mình nhằm cạnh tranh với Grab, hãng taxi công nghệ vốn đã mạnh nay lại càng mạnh hơn sau khi thâu tóm Uber.
Không biết do có tính toán hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà từ ngày 15/1, hãng Vinasun đồng loạt chạy quảng cáo trên toàn bộ hệ thống taxi của mình thu hút người dùng và tài xế tải app (ứng dụng) với những phần thưởng hấp dẫn.
Chương trình này sẽ kết thúc vào ngày 8/4, tức là ngày Uber chấm dứt hoạt động. Hãng Mai Linh cũng triển khai nhiều hình thức thu hút tài xế.
|
Thị trường taxi công nghệ sẽ thay đổi sau khi Grab thâu tóm Uber - Ảnh minh họa. |
Mạnh tay nhất có lẽ là Phương Trang, một hãng vận tải lâu nay gần như đứng ngoài các cuộc khẩu chiến giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ. Ngay sau khi có thông tin Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, Phương Trang liền tuyên bố đầu tư 100 triệu USD (trên 2.200 tỷ đồng) để phát triển ứng dụng dịch vụ xe công nghệ. Hãng này dường như không giấu giếm tham vọng thế chân Uber để làm đối trọng với Grab tại thị trường Việt Nam.
Ngoài các ứng dụng của những “ông lớn” ngành vận tải hành khách trong nước kể trên, hiện cũng có khá nhiều ứng dụng gọi xe thuần Việt như T.Net, Vato, Xelo…
Tuy nhiên, theo các tài xế, tải ứng dụng về điện thoại là việc không khó, nhưng tải về “cho có” hoàn toàn khác với việc đầu quân và trung thành chạy cho hãng nào.
Rất nhiều tài xế cho rằng, họ vẫn ưu tiên chọn Grab vì ứng dụng này có nguồn khách dồi dào, bất kể mức chiết khấu hiện đã cao ngất ngưởng, tới đây không còn đối thủ Uber nữa, nhiều khả năng sẽ còn có những thay đổi tác động đến quyền lợi của tài xế. Thế nhưng, với các tài xế “công nghệ”, trong điện thoại, không thể chỉ chạy một ứng dụng vì điều đó chẳng khác nào tự hạn chế nguồn khách của chính mình.
Anh Nguyễn Văn Hùng - tài xế Uber ngụ tại đường TC13, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM cho biết, anh vay tiền mua chiếc xe 4 chỗ cách đây hơn 5 tháng, mỗi tháng trả góp vừa lãi vừa gốc hơn 10 triệu đồng. Thu nhập hằng tháng của anh nhờ chủ yếu vào hai ứng dụng chạy xe Grab và Uber, giờ gom lại còn một, đồng nghĩa với việc thu nhập sẽ giảm.
Theo anh Hùng, trong điện thoại của nhiều tài xế cũng có sẵn một vài ứng dụng của các doanh nghiệp vận tải trong nước, nhưng rất hạn chế khách, có thể tới đây, khi Uber rút đi, những ứng dụng nội sẽ có đất rộng hơn.
Có không ít tài xế chuyên nghiệp trước đây chạy song song cho cả Grab lẫn Uber, giờ hai hãng trên thành một, họ buộc phải có một ứng dụng nữa của hãng khác, để có thu nhập trả khoản vay đầu tư xe.
Những ngày qua, rất nhiều tài xế săn tìm ứng dụng thay thế. Tiêu chí mà họ lựa chọn từ các nhà cung cấp ứng dụng là sự tiện dụng của ứng dụng, căn cứ vào giá tiền, mức chiết khấu, mức phạt, nhà tài trợ…
Tải ứng dụng, được tặng tiền
Hiện có khá nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ do các doanh nghiệp trong nước cung cấp. Điểm mặt các ứng dụng trong nước thì dường như chỉ Vato (tiền thân là Vivu và Facecar) được cánh tài xế nhắc đến nhiều trong những ngày qua.
Theo cánh tài xế, các hãng vận tải trong nước dù đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhưng hầu hết vẫn nửa vời khiến họ chưa thể đặt niềm tin.
Vinasun, Mai Linh còn nhập nhằng giữa taxi truyền thống với công nghệ.
Những ứng dụng khác thì gần như là sự lắp ghép “lỗi” từ Uber, Grab với lối kinh doanh taxi, xe ôm truyền thống.
|
Ứng dụng này cũng được xem là nổi bật và có thể cạnh tranh với Grab sau khi được Phương Trang mạnh tay rót vốn.
Theo các tài xế từng chạy cho Uber, giao diện app của Vato khá giống với Uber. Vato hiện cũng muốn tận dụng thời cơ để chiêu dụ tài xế và người dùng bằng hàng loạt chương trình khuyến mãi, trong đó có cả việc tặng tiền cho người tải ứng dụng về điện thoại và giới thiệu cho những người khác tải về.
Theo cánh tài xế, các hãng vận tải trong nước dù đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhưng hầu hết vẫn nửa vời khiến họ chưa thể đặt niềm tin. Vinasun, Mai Linh còn nhập nhằng giữa taxi truyền thống với công nghệ. Những ứng dụng khác thì gần như là sự lắp ghép “lỗi” từ Uber, Grab với lối kinh doanh taxi, xe ôm truyền thống.
Chẳng hạn, Vato khuếch trương khả năng “mặc cả” giá cước giữa người dùng với tài xế, tức là khi đặt xe, cước phí chuyến đi báo trên ứng dụng là 100.000 đồng thì khách hàng có thể mặc cả xuống còn 80.000 đồng, 60.000 đồng, tài xế đồng ý thì chạy. Điều này chẳng khác gì đi xe ôm truyền thống hay taxi dù, chỉ khác là không mặc cả trực tiếp mà qua ứng dụng.
Ngoài ra, ứng dụng Vato cũng bị một số tài xế than phiền về hình thức quy định giá tối thiểu, như tại TP.HCM ban đầu là 30.000 đồng khi mở cửa xe, hình thức mà ngay cả thời kỳ hoàng kim, Grab và Uber cũng không áp dụng, vì theo giới tài xế, đây là cách đuổi khách nhanh nhất.
Thay vào đó, mức tối thiểu theo đề xuất của nhiều tài xế chỉ nên là 20.000 đồng… Đó là chưa kể, Vato và một số ứng dụng gọi xe của các hãng vận tải trong nước chưa có tính năng chấm điểm (tính bằng sao) để đo mức độ hài lòng của khách hàng đối với tài xế.
Theo nhiều tài xế taxi công nghệ, các hãng taxi trong nước muốn cạnh tranh được với Grab cần phải có những chiến lược riêng, có hướng đi mới, không nên “học theo”. Chẳng hạn, hiện một mảng khách lớn vẫn lựa chọn taxi truyền thống là vì tài xế taxi công nghệ chưa thể xuất hóa đơn cho khách.
“Các cây xăng còn có hình thức hóa đơn điện tử, tại sao các hãng taxi công nghệ không học theo…” - anh Công, một tài xế taxi công nghệ chia sẻ.
Nhiều tài xế Uber “giở trò”
Hiện rất nhiều khách hàng than phiền việc đặt xe Uber những ngày này. Phổ biến nhất là việc tài xế xem thường khách hàng, từ chối thẳng thừng những chặng đường ngắn.
Nhiều tài xế tìm cách nhờ khách hủy chuyến, thậm chí còn lấy lý do điện thoại của mình hư, mượn điện thoại của khách để kiểm tra tiền cước rồi tự động nhấn hủy chuyến để không phải trả tiền chiết khấu cho Uber. Khách cho rằng, không bực bội vì chuyện bị phạt tiền do hủy xe mà bực vì tài xế không tôn trọng khách hàng.
|
Thư Hùng