Thời của phụ huynh công nghệ số

07/04/2017 - 19:00

PNO - Khi công nghệ số (CNS) đã gắn chặt với mọi mặt cuộc sống, phụ huynh không thể ngăn con mình tiếp cận với các thiết bị thông minh.

Bản thân các phụ huynh phải học cách tiếp cận công nghệ để cùng con chinh phục thế giới tri thức rộng mở trên không gian kết nối toàn cầu. Từ đó, khái niệm “digital parent” (phụ huynh công nghệ số - PHCNS) ra đời.

Thoi cua phu huynh cong nghe so
Cheryl và con gái Zoey - Ảnh: Business Mirror

PHCNS là cách chỉ những PH tự trang bị cho mình những kiến thức về công nghệ, vạch ra được những giới hạn cho con trẻ và có thể đồng hành cùng con tiếp cận với kho tàng thông tin vô tận này.

Cheryl Lynne Azarraga (35 tuổi) ở Cebu, Philippines là một PHCNS như thế. Cô là chuyên gia mạng xã hội, chuyên viết cho các chương trình truyền thông. Khi hai con gái Zoey (13 tuổi) và Savannah (9 tuổi) bắt đầu có nhu cầu giải trí và tìm kiếm thông tin trên internet, Cheryl nhận ra mình cũng cần phải thay đổi.

Cô chọn làm việc giờ giấc tự do để theo sát việc học và sinh hoạt của các con, cùng con lướt web, chọn lọc những kênh thông tin đáng tin cậy. Cheryl chia sẻ: “Trẻ con bây giờ thật sự có nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin trên mạng.

Sôi động và nhiều hình ảnh thì có YouTube nhưng không phải lúc nào kênh này cũng an toàn, mà thỉnh thoảng cũng dẫn đến những địa chỉ không phù hợp cho bọn trẻ”. Cheryl quy định thời gian con có thể dùng thiết bị số phục vụ việc học và trực tiếp kiểm tra lại những nguồn thông tin con đã truy cập.

Với Cheryl, PHCNS là xu hướng tất yếu. Khác với thời cô đến trường, mọi kiến thức chỉ có trong sách vở, ngày nay kiến thức được tập hợp chi tiết, đầy đủ trên nhiều trang mạng.

Điều quan trọng là học sinh có biết tìm đến đúng nơi cần tìm hay không, nên vai trò của PH rất quan trọng. PH phải là người gợi mở, khuyến khích trẻ tìm kiếm đúng nơi thích hợp.

Cheryl nói: “Tôi còn nhớ ngày xưa bố mẹ mình phải khổ sở thế nào khi tôi gặp vấn đề với bài tập về nhà. Giờ thì tôi nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội và các nhóm cộng đồng để cùng chia sẻ kiến thức”. Lợi ích lớn nhất là Cheryl được cùng con học những kiến thức mới.

Theo chuyên viên tư vấn học đường người Mỹ Tom Kersting, thuật ngữ “digital parent” trở thành hiện tượng khi cuộc cách mạng CNS thâu tóm hầu hết các nền tảng truyền thông; các bậc PH cũng là một chủ thể gắn bó với những thiết bị di động. Nếu không biết ứng dụng hợp lý, họ có thể bị CNS tạo ra khoảng cách trong gia đình.

“Digital parent” là những PH biết giáo dục con sử dụng công nghệ một cách thông minh. Họ không tránh né những thiết bị công nghệ rắc rối mà tự tìm hiểu và dạy con cách tìm kiếm, tra cứu nhanh chóng, hiệu quả.

Họ luôn tìm kiếm những ứng dụng, trò chơi hỗ trợ kỹ năng tư duy, bổ trợ kiến thức cho con. Trên hết, họ cũng là người dùng công nghệ một cách có trách nhiệm và tự xây dựng hình mẫu cho con. Họ hướng dẫn cho trẻ biết phân biệt giữa việc làm chủ công nghệ với việc sống phụ thuộc vào công nghệ.

Chuyên viên công nghệ Marti Weston cho biết, nhiều PH từng yêu cầu cô hỗ trợ khi nhận ra khoảng cách giữa họ và con quá lớn. Sau khi được tư vấn, hầu hết đều xác định rõ gút mắc giữa họ và các con đang có nhu cầu sử dụng CNS chính là do họ từ chối bước vào thế giới của con, từ chối đồng hành cùng con, trở thành một PHCNS.

Họ hoặc từ chối, cấm tuyệt đối con tiếp xúc với thiết bị công nghệ hoặc phó mặc cho con thoải mái sử dụng mà không có một sự kiểm soát nào.

Một thống kê ở Mỹ đã chỉ ra, 62% trẻ em sử dụng thiết bị di động thông minh trước giờ ngủ. Hầu hết các em dùng để nhắn tin, lướt mạng xã hội, diễn đàn. Một nửa trong số đó sẵn sàng bật dậy trả lời tin nhắn, không bao giờ để chế độ “không làm phiền” suốt đêm.

Theo chuyên viên Tom Kersting, đây cũng là thói quen dễ thấy của những cư dân công nghệ… lệch chuẩn. Chính PH phải là người uốn nắn sinh hoạt công nghệ của trẻ, nên khái niệm “digital parent” phải được hiểu rộng ra là người đồng hành cùng trẻ trong thế giới CNS.

ANH THÔNG (Theo Business Mirror, fosi.org, coachweston)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI