Thời chiếu bóng nơi sân bãi

04/04/2023 - 12:47

PNO - Những bộ phim chiếu nơi sân bãi một thời thực sự giúp con người hướng tới những thực thể văn minh, tiến bộ hơn trong thế giới bao la...

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Hồi nhỏ, tôi mê coi phim lắm. Đội chiếu phim về chiếu mấy đêm là dứt khoát có mặt đủ mấy đêm. Mẹ rầy cũng vòng ngõ trước lén ngõ sau; đi coi cho được rồi về có… ăn roi bầm mông cũng ưng.

Sau năm 1975, để đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, ngành văn hóa thông tin thành lập những đội chiếu bóng lưu động trang bị đủ "khí tài", mỗi đội phụ trách một địa bàn cố định, luân phiên đi phục vụ hết xóm này sang thôn kia. Có lúc chiếu miễn phí, nhưng đa phần bán vé. Giá vé cũng rẻ, có điều con nít nhà quê đâu mấy đứa có tiền - mà có tiền cũng không dại gì mua vé. Người lớn muốn đàng hoàng, mua vé đi vô cổng chính kệ họ; lũ nhỏ cứ chạy vòng vòng quanh khu tường rào mà tìm chỗ chui. Không chui được thì… trèo. Chắc chắn bao giờ cũng phải có một nơi tường rào dễ trèo (hoặc dễ chui), thêm canh gác lơ là để đám ranh con "tận dụng".

Hồi ấy các đội chiếu bóng lưu động được gọi tên theo số. Còn nhớ, xã tôi thuộc địa bàn của Đội chiếu bóng số 3. Phim nhựa, chiếu màn ảnh rộng. Điện đóm cấp từ chiếc máy dầu kéo dynamo phát điện cổ lỗ sĩ đặt tít góc sân. Máy chiếu đứng đối diện màn ảnh. Màn là một khung vải trắng to đùng hình vuông được treo căng giữa 2 cây cột gỗ cao dựng đứng song song, cố định bằng dây thừng chằng dọc chằng ngang tránh gió to bị lật. Phim nhựa cuộn to tròn như cái bánh xe xếp chồng trong rương sắt. Mỗi bộ phim gồm 1 hay nhiều cuộn tùy theo phim dài ngắn; máy chiếu hết cuộn này phải chờ thay cuộn khác mới coi tiếp được. Đang coi, thi thoảng màn hình đột nhiên đổi trắng lóa, sau đó hiện lên câu "Đứt phim, xin lỗi các bạn!" là biết phim bị… đứt. Phim mới còn đỡ. Phim cũ chiếu nhiều lần không chỉ hình mờ còn dễ đứt phim. 

Chỗ tôi là vùng sâu, tức thị những cuộn phim nhựa hiếm hoi kia đã chu du qua rất nhiều vùng… không sâu trước khi có mặt. Biết vậy nên có coi là may lắm, chê khen nỗi gì. Mỗi lần phim đứt, đèn trên sân sẽ bật sáng. Anh kỹ thuật viên nhanh nhẹn lôi 2 đầu phim (đứt) ra khỏi cuộn, dán dán nối nối bằng một thứ keo đặc biệt gì đó xong tắt đèn cho chạy tiếp.

Đặc trưng của vụ coi chiếu bóng (phim nhựa) là phải coi ban đêm (hoặc trong phòng tối nếu ở rạp), do hình chiếu lên màn ảnh có cường độ sáng thấp. Vậy nên khi chiếu phải tắt hết đèn trong sân, chừa mỗi cái bóng đèn con nơi anh nhân viên giọng tốt nhất đội ngồi "đọc thuyết minh", tức nội dung lời thoại trong phim được dịch sang tiếng Việt. Khâu ấy chỉ dành cho những bộ phim nước ngoài, phim Việt đương nhiên khỏi. 

Vụ "đọc thuyết minh" cũng nhiều pha cười ra nước mắt mỗi lúc anh nhân viên - hoặc đãng trí hoặc… buồn ngủ - mà đọc "lộn tiệm": câu trên đọc sang câu dưới và ngược lại. Thường nhất là bị "trễ tàu": nhân vật trong phim nói sang câu 2, câu 3 rồi mà thuyết minh còn nơi… câu 1.

Không sao, coi lâu quen, khán giả sẽ tự động ráp nối những câu thoại (phiên dịch) cùng nội dung diễn biến trên phim (cho dù chúng không đồng bộ) để hiểu, bất chấp chuyện "bên trong nói trước bên ngoài nói sau". 

Một thời gian dài coi phim "bao cấp" đã hình thành nên trong tôi thói quen ưa coi phim nước ngoài có thuyết minh, không thích kiểu phim "lồng tiếng", mặc dù vẫn biết đó là tiến bộ (cả kỹ thuật và nghệ thuật) của ngành điện ảnh.

Nguyên thời thơ ấu cộng thêm một phần đời trai trẻ, nhiều tác phẩm điện ảnh lớn trong và ngoài nước đã đến với chúng tôi qua phương thức "chiếu bóng bình dân" nơi sân bãi: Giải phóng châu Âu, Thầy lang, Những người khốn khổ, Mối tình đầu, Ván bài lật ngửa, Công lý và báo thù... Ánh sáng văn hóa đích thị, bởi những đứa trẻ lớn lên nơi miền quê tăm tối - nơi vô tuyến truyền hình, radio còn là xa xỉ phẩm nói chi tới mạng internet toàn cầu thì những bộ phim chiếu nơi sân bãi một thời kia thực sự là chiếc cầu nối cho tưởng tượng, nhận thức con người hướng tới những thực thể văn minh, tiến bộ hơn trong thế giới bao la. 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI