Thôi ba về quê

09/05/2019 - 17:21

PNO - Từ khi con trai lấy vợ, ông cứ tưởng tuổi già được nghỉ ngơi, nào ngờ. Con trai thì vô dụng, con dâu thì lườm nguýt khó chịu. Ông tủi thân, mong mình sớm đi cho rảnh nợ.

“Choảng”, tiếng vang lớn làm cả nhà giật mình chạy xuống bếp. “Ăn với uống, phá sạch nhà này đi”, chị Hà giận dữ. “Cô có thôi ngay đi không”, chồng chị lên tiếng. Gần thùng rác, ba chồng chị Hà lom khom thu lượm miểng chai từ cái ly thủy tinh mà ông vừa vô ý đánh rơi. Còn vợ chồng chị Hà tiếp tục cãi vã.

Thoi ba ve que
Ảnh minh họa

Từ khi công ty chồng chị Hà phá sản, anh thất nghiệp, buồn chán nên suốt ngày rượu chè. Chị Hà phải vất vả hơn vì là nguồn thu nhập chính trong nhà. Hằng ngày, chị tất bật với việc nhà, việc công ty, con cái, chồng và cả cha chồng. Chị đâm ra nóng nảy hơn, khó tính hơn. Lúc nào chị cũng cau có vì thất vọng về cuộc hôn nhân này.

Không khí gia đình trở nên lạnh lẽo và mù mịt. Không ai nói với ai lời nào. Chỉ có bé Mai là líu lo suốt ngày, nhưng dần nó cũng ít nói, vì không ai có tâm trạng chơi với nó. Nhiều lúc ông nội bắt gặp nó thu lu một góc ôm mặt khóc. Ông lặng người.

Ông nội nay đã ngoài tám mươi, hay đau ốm lặt vặt, nhưng còn minh mẫn lắm. Từ khi con trai lấy vợ, ông cứ tưởng tuổi già được nghỉ ngơi, nào ngờ. Con trai thì vô dụng, con dâu thì lườm nguýt khó chịu. Ông tủi thân, mong mình sớm đi cho rảnh nợ.
Ngày xưa, bữa cơm đầy ắp tiếng cười, còn giờ như là hình thức tra tấn giữa các thành viên trong gia đình. Bữa cơm nào cũng diễn ra hoặc lặng lẽ, hoặc lườm nguýt, quát mắng, đều bắt nguồn từ chị. 

Bé Mai đang loay hoay với chén cơm, ngước nhìn mọi người và nói với ông nội: “Ông gắp đồ ăn đi, sao ông ăn cơm không”. Ông nội khẽ ừ. Bé Mai rướn người gắp cái đùi gà bỏ vào chén ông. Ông ái ngại, tay run run bưng chén cơm, nhưng chưa kịp đụng đũa thì chị quát: “Lo mà ăn đi, ông nội già rồi, không ăn được mấy thứ này”. Tiện tay, chị gắp cái đùi gà trong chén ông qua chén cháu.

Bé Mai không chịu dừng lại, tiếp tục gắp trứng chiên cho ông khi trong chén ông không có gì ngoài cơm. Lần này, bé Mai chưa kịp gắp thì chị đã quát lớn: “Đã nói ông nội không ăn mấy thứ này, ông già rồi, mày lo ăn đi!”. Nó khóc. “Khóc gì, lo ăn đi”, chị không ngừng to tiếng. Tay ông run lên, chan vài muỗng nước canh loãng. Ông đỏ mắt. “Ăn nhanh lên, tôi không ở không mà đợi mấy người”, chị tiếp tục nhằm vào ba chồng. 

Thoi ba ve que
Ảnh minh họa

Chồng chị lên tiếng. Chị trợn mắt: “Anh im đi, đồ vô dụng. Anh làm gì được cho cái nhà này mà nói”. Anh tức giận: “Tôi hết chịu nổi cô rồi”. “Rồi thì sao?”. “Cô đừng ở đây thách thức, ly hôn đi”. “Ly hôn thì ly hôn, tôi chán anh lắm rồi”. Cuộc cãi vã không ngừng, không ai xen vào được, kể cả ông nội. Ngày qua ngày, không khí gia đình càng nặng nề. 

Một ngày, chị ghé tòa án nhưng ngập ngừng đứng hồi lâu ở cổng. Rảo bước dưới hàng me, từng chiếc lá tí teo trong gió vờn bay nhắc chị nhớ những ký ức buồn vui. Chị khóc cho những gì đã và đang đổ vỡ. Hít một hơi sâu, định bước vào tòa án nhưng rồi không hiểu sao chị cất tờ đơn ly hôn vào túi xách, quay xe về nhà.

Ở nhà, chồng và ba chồng đang lặng lẽ gom đồ về quê, có cá ăn cá, có rau ăn rau mà lòng yên ổn. Quá bất ngờ, chị chẳng biết nói gì, vợ chồng né tránh ánh mắt của nhau. Chị chỉ biết phụ xách đồ ba chồng ra cửa và nói lí nhí trong miệng: “Thôi ba về quê, ba nhớ giữ gìn sức khỏe!”. 

Chúc Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI