Mổ xong đau hơn
Sau hai lần phẫu thuật để điều trị thoát vị đĩa đệm, bà Nguyễn Thị Tâm (57 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cảm thấy cơn đau ở vùng thắt lưng không thuyên giảm mà còn lan xuống đùi. Thực tế, không ít người gặp tình trạng giống bà Tâm. Thông tin trên tờ NBC News (Mỹ) cho thấy, nhiều trường hợp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm không thể chữa lành bệnh mà còn khiến bệnh nhân đau đớn hơn so với trước khi mổ.
Nghiên cứu trên 1.450 bệnh nhân thoái hóa đốt sống và thoát vị đĩa đệm đến từ bang Ohio, Mỹ cho thấy, chỉ một nửa trong số đó đồng ý mổ và nửa còn lại không chấp nhận phẫu thuật mặc dù họ được bác sĩ (BS) chẩn đoán và chỉ định tương tự nhau. Hai năm sau, chỉ có 26% số bệnh nhân được phẫu thuật quay trở lại làm việc, con số này đối với nhóm bệnh nhân không phẫu thuật lên đến 67%. Các bệnh nhân sau điều trị phẫu thuật sử dụng thuốc giảm đau nhiều hơn 41% so với trước kia…
|
Thoát vị đĩa đệm thường được điều trị bằng phương pháp bảo tồn |
PGS-TS-BS Võ Văn Thành - Chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM - cho biết: “Khi có kết quả bệnh lý thoát vị đĩa đệm trên kết quả chụp MRI không có nghĩa là bệnh nhân cần phẫu thuật, vì có đến 80% trường hợp có thể điều trị khỏi bằng phương pháp bảo tồn. Phương pháp bảo tồn thật ra rất đơn giản, bệnh nhân nằm nghỉ để tủy sống giãn nở, bớt chèn ép và sử dụng thuốc chống viêm theo chỉ định của BS”. Theo BS Thành, hiện nay, không ít cơ sở y tế lạm dụng phương pháp mổ nội soi để điều trị thoát vị đĩa đệm.
Tuy nhiên, cũng theo BS Thành nhiều bệnh nhân nói chung bị hội chứng VOMIT (Victim of Medical Imaging Technology - nạn nhân của sự tưởng tượng về công nghệ y khoa, cách gọi tên của BS Robert Gunzburg - nguyên Chủ tịch Hội Nghiên cứu cột sống thắt lưng quốc tế). Bệnh nhân dễ hoang mang, lo lắng khi tiếp xúc lần đầu với các thuật ngữ y khoa như: gai, lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa mấu khớp, chèn ép rễ thần kinh, chèn ép mặt trước tủy sống… trên x-quang cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI) hay x-quang. Thậm chí, nhiều bệnh nhân trên lâm sàng không có dấu hiệu đáng quan ngại nhưng lại dễ xiêu lòng chịu đốt laser, sóng cao tầng, mổ cố định dụng cụ… không cần thiết.
Ngay cả gai cột sống, nghe có vẻ đáng sợ nhưng thực tế chỉ là một triệu chứng xuất hiện để giảm sự chịu lực lên đĩa đệm. Gai cột sống chỉ gây nguy hiểm khi mọc đằng sau đốt sống cổ, chèn ép tủy sống ở đốt sống cổ hoặc mọc phía sau đốt sống thắt lưng gây chèn ép các rễ thần kinh. Khi có bệnh thì nên tham vấn, đi khám BS chuyên khoa cẩn thận để chọn cách điều trị.
Chữa đau lưng bằng vật lý trị liệu
Theo BS Võ Văn Thành, đau lưng và đau thắt lưng không chỉ do bệnh về cột sống nói chung hay thoát vị đĩa đệm nói riêng, mà còn có thể do nhiều bệnh khác như cảm cúm, huyết áp cao, đau phần mềm như bắp thịt - mô sợi, đau do thấp ngoài khớp, ảnh hưởng viêm khớp dạng thấp hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý khác. Vì vậy, người bệnh phải được chẩn đoán, phân biệt rõ mới có chỉ định điều trị đúng đắn, nhất là khi quyết định phẫu thuật.
Đa số các triệu chứng đau lưng hiện nay đều có thể được điều trị hiệu quả tại các khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Nhưng vấn đề là có nhiều người điều trị vật lý trị liệu không hiệu quả. Lý giải nguyên nhân này, BS Bùi Thị Dung - nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, hiện làm việc tại Phòng Vật lý trị liệu Trung tâm Y khoa Medic - Hòa Hảo - cho biết: “Khó nói trước hiệu quả của việc điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu vì nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Thông thường, bệnh nhân nào cũng muốn đạt kết quả nhanh chóng nên họ thích chọn nơi có nhiều máy móc và trang thiết bị hiện đại như: máy kích thích điện, laser, từ trường… Nhưng thật ra, chính các bài tập và kỹ năng điều trị mới quan trọng trong việc đem lại kết quả”.
Theo BS Dung, phòng vật lý trị liệu không cần nhiều máy móc và dụng cụ đắt tiền mà chỉ cần các dụng cụ cơ bản để đáp ứng các phương pháp điều trị hằng ngày. Nhưng quan trọng nhất là kỹ năng “điều trị bằng tay” của kỹ thuật viên và sự kiên trì của người bệnh khi luyện tập ở nhà. Trong quá trình điều trị, kỹ thuật viên cũng luôn lắng nghe những ý kiến của người bệnh để thay đổi trong cách điều trị nếu cần.
Muốn điều trị đau lưng hiệu quả, quan trọng nhất là người bệnh. Sự hợp tác của họ trong điều trị cũng như tập luyện hằng ngày là yếu tố cần thiết cùng lúc với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng luôn tạo một môi trường làm việc thích nghi và thoải mái. Bên cạnh đó, để việc điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu có kết quả tốt phải cần thời gian và sự kiên nhẫn.
Hạn chế vác vật nặng trên 15kg
Xương sống là một “chiếc khung” quan trọng của cơ thể. Vì vậy, theo BS Võ Văn Thành, người trưởng thành cần phải biết giữ gìn, bảo vệ xương sống bằng cách hạn chế tối đa mang vác vật nặng trên 15kg. Thanh thiếu niên mang vác thường xuyên trên 20kg dễ bị đau thắt lưng cấp tính, về lâu dài gây đau lưng mạn tính và biến chứng đau thần kinh tọa.
Càng lớn tuổi thì nguy cơ biến chứng càng cao, nhất là từ 40 tuổi trở lên do ảnh hưởng của thoái hóa đĩa đệm, vì vậy cần chú ý không cúi khom khi đi lại cũng như khi làm việc văn phòng. Đàn ông bụng to cộng với cơ thành bụng và thắt lưng yếu sẽ làm tăng nguy cơ đau thắt lưng.
|
Xuân Lộc