Thoát nghèo nhờ giống vịt đặc sản

04/01/2025 - 09:36

PNO - Từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, dòng vịt bầu trứ danh ở vùng Phủ Quỳ xứ Nghệ đã được khôi phục và phát triển rộng khắp, giúp nhiều người thoát nghèo.

Chuyển nhà lên núi phục hồi giống vịt quý

Tỉ mỉ kiểm tra đàn vịt bầu mới ấp 10 ngày tuổi, ông Thái Diệu - chủ trang trại vịt bầu Quỳ nức tiếng ở xã Tiền Phong (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) - cho biết, giống vịt này được xem là đặc sản của miền Tây xứ Nghệ, vừa có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao vừa được thị trường rất ưa chuộng nên hiếm khi phải lo đầu ra.

Ông Thái Diệu tỉ mỉ kiểm tra vịt giống để chuẩn bị xuất con giống cho người dân
Ông Thái Diệu tỉ mỉ kiểm tra vịt giống để chuẩn bị xuất con giống cho người dân

Ông Diệu quê ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An). Vợ chồng ông vốn làm nghề chăn nuôi vịt thả rông trên các cánh đồng lúa mênh mông ở nơi được xem là vựa lúa của Nghệ An. Năm 1990, khi được dân bản chiêu đãi món thịt vịt bầu khiến ông mê mẩn. Khi tìm hiểu, ông Diệu mới hay biết giống vịt này từng có nhiều ở vùng Phủ quỳ (huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn), song đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì số lượng giảm rất mạnh.

Năm 1993, ông Diệu bàn với vợ chuyển nhà cùng “sự nghiệp” nuôi vịt của mình lên huyện Quế Phong với ý tưởng tìm cách khôi phục lại giống vịt quý của địa phương. Nhiều năm có thâm niên nuôi vịt, khi lên với núi đồi, ông “nhắm” ngay miếng đất có thế tựa núi ngay cạnh sông Hiếu ở bản Đan (xã Tiền Phong) để thuận tiện chăn thả đàn vịt.

“Lúc đó, vịt bầu còn lại trong dân rất ít, họ chỉ nuôi nhà vài con để dành làm thịt đãi khách chứ không bán nên rất khó để mua được vịt giống” - ông Diệu kể. Không mua được con giống, vợ chồng ông lặn lội đi đến từng nhà dân nài nỉ họ bán cho từng quả trứng để về nhân giống.

Vịt bầu Quỳ có đặc điểm mình to, chân thấp, cổ ngắn, thịt béo mà không ngấy nên luôn có giá cao hơn các loạt vịt thông thường
Vịt bầu Quỳ có đặc điểm mình to, chân thấp, cổ ngắn, thịt béo mà không ngấy nên luôn có giá cao hơn các loạt vịt thông thường

Góp gió thành bão, sau hơn 2 năm kiên trì đi thu mua trứng vịt về ấp, ông Diệu mới có được đàn vịt bầu thuần chủng gần 200 con. Phải mất thêm vài năm nâng niu, thử nghiệm bằng nhiều cách số trứng vịt có được, ông Diệu mới ấp nở được đại trà giống vịt quý hiếm này để cung cấp con giống cho người dân.

Lão nông này cho hay, vịt bầu Quỳ có đặc điểm mình to, chân thấp, cổ ngắn, thịt thơm, ngọt, béo mà không ngấy. Giống vịt này có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, nhất là gió Lào. Khoảng 4 - 5 tháng, vịt có thể đạt trọng lượng từ 1,5 - 1,8kg và có thể xuất chuồng.

“Nuôi vịt bầu không khó, nhưng để đạt được chất lượng thì ngoài nắm được kiến thức, kỹ thuật còn phải có quỹ đất để chăn thả ngoài tự nhiên” - ông Diệu nói. Từ trang trại vịt ban đầu, đến nay ông Diệu đã có thêm nhiều trang trại nuôi vịt bầu ở nhiều địa phương khác. Ngoài ra, ông còn liên kết với người chăn nuôi vịt bầu Quỳ để ấp cung ứng hàng vạn con vịt giống cho người dân các huyện miền núi Nghệ An, mang về doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

Thoát nghèo nhờ con vịt đặc sản

Hơn 30 năm lên núi lập nghiệp, ông Diệu nói rằng, điều khiến ông vui nhất là thấy những đàn vịt bầu Quỳ của mình ngày một “bay” vào tận các bản làng, góp phần giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo. Giống vịt có nguồn gốc từ vùng cao này hiện cũng đã được một số người dân ở miền xuôi mua giống về nuôi và phát triển khá tốt.

Mỗi con vịt bầu Quỳ giống hiện có giá 30.000 đồng
Mỗi con vịt bầu Quỳ giống hiện có giá 30.000 đồng

Là một trong những người nuôi vịt bầu Quỳ có tiếng ở xã Châu Thôn (huyện Quế Phong), anh Hoàng Văn Minh cho biết, tuy thời gian sinh trưởng khá dài, song vịt bầu Quỳ lại rất dễ nuôi, dễ tiêu thụ. Thức ăn chủ yếu của vịt bầu là thân cây chuối, cỏ voi băm nhỏ, trộn với cám gạo, bắp… nên họ có thể tận dụng được từ trong vườn để giảm chi phí chăn nuôi.

Luôn duy trì đàn vịt hơn 1.000 con, mỗi năm anh Minh xuất bán ra thị trường gần 2 tấn thịt vịt bầu Quỳ. Với giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu về hơn 200 triệu đồng. Theo anh Minh, ngày nay vịt bầu Quỳ không chỉ là đặc sản ở vùng Phủ Quỳ xứ Nghệ mà đã vào nhiều nhà hàng, khách sạn ở TP Vinh và các huyện lân cận. Nhiều người khi có dịp lên các huyện Quỳ Châu, Quế Phong cũng thường tranh thủ mua vịt bầu mang về để làm quà biếu.

Ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND xã Châu Thôn - cho biết, mô hình chăn nuôi vịt bầu Quỳ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều người dân thoát nghèo. Xã cũng đang phối hợp với một số hộ dân chăn nuôi vịt bầu Quỳ lớn để cung ứng con giống vừa để phát triển kinh tế, vừa để bảo tồn giống vịt quý.

Thịt vịt bầu Quỳ thường có trong các mâm cơm đãi khách của người dân huyện Quế Phong
Thịt vịt bầu Quỳ thường có trong các mâm cơm đãi khách của người dân huyện Quế Phong

Ông Nguyễn Bá Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, vịt bầu Quỳ từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, song hiện đã được nhiều người nhân rộng, cung cấp con giống để nuôi thương phẩm. Ông Thái Diệu là một trong những người có công lớn trong việc bảo tồn vịt bầu Quỳ.

Hiện toàn huyện Quế Phong có gần 80.000 con vịt bầu Quỳ nuôi rải rác ở nhiều xã. Không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng cao, vịt bầu Quỳ còn đáp ứng nhu cầu vể ẩm thực đặc sản cho du khách khi đến với huyện biên giới Quế Phong.

“Nuôi vịt bầu Quỳ đem lại kinh tế cao, nhưng cái khó là phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Vịt cần phải thả sông, suối để chúng tự kiếm ăn thì mới ngon chứ không thể nuôi nhốt như công nghiệp được” - ông Hiền nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI