edf40wrjww2tblPage:Content
Chị Trần Thị Lan chăm sóc đàn bò sữa
Gần 60 tuổi vẫn học nghề
Cuối tháng Ba, trời Sài Gòn nóng như lửa đốt, chúng tôi có mặt tại nhà chị Trần Thị Lan (SN 1957) ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đúng lúc chị đang vệ sinh chuồng trại chăn nuôi bò sữa. Kiểm tra đàn bò gần 50 con, thoáng thấy đôi mắt của một chú bò hơi khác thường, chảy dịch nhầy ở mũi, chị vội tiến đến gần hơn để quan sát. Với kinh nghiệm của mình, chị cho rằng con bò này đang bị cảm nóng. Chị Lan nói: “Cho uống nước gừng, tỏi hai, ba lần là khỏi ngay. Trước đây, tôi không có kiến thức về chăn nuôi bò sữa, hễ bò có triệu chứng lạ là chạy đi kêu bác sĩ thú y. Đợi được họ đến thì bò đã bệnh nặng. Nay, nhờ tham gia khóa học sơ cấp nghề kỹ thuật chăn nuôi bò sữa và sơ cấp nghề thú y do xã tổ chức nên tôi có thể trị được một số bệnh đơn giản cho bò”.
Không chỉ học sơ cấp về chăn nuôi, thú y, chị Lan còn học kỹ thuật chăm sóc hoa phong lan. Chị "khoe": đây là kết quả miệt mài đi học... miễn phí trong chương trình xây dựng nông thôn mới!
Chị nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng, rẫy, quần quật cả ngày nhưng cứ thiếu hụt. Năm 1995, thấy nhiều hộ trong xã nuôi bò sữa, gia đình tôi đã vay vốn giải quyết việc làm năm triệu đồng để mua một cặp bò sữa. Hồi đó, tôi đặt rất nhiều hy vọng vào bò sữa, nhưng việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Bò thường bị viêm tuyến vú, sản lượng sữa thấp. Năm 2002-2003, một con bò khi sắp được gieo tinh thì bỗng dưng "lăn đùng" ra chết mà trước đó chẳng thấy có biểu hiện gì. Đến khi được bác sĩ thú y giải thích tôi mới biết, bò bị tụ huyết trùng cấp. Không biết làm gì khác, tôi vẫn quyết tâm nuôi bò sữa nhưng trong tâm trạng “phập phù” vì lo bò bị bệnh”.
Mãi đến năm 2010, có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã mở lớp học kỹ thuật chăn nuôi bò sữa vào buổi tối (thời gian ba tháng), chị Lan đăng ký học ngay. Lớp học từ 19-21g (tuần ba buổi), hướng dẫn cách chăm sóc bò, vệ sinh chuồng trại, tư vấn về thức ăn, thú y, gieo tinh nhân tạo... “Thời điểm đó, ngày nào cũng vậy, cứ tắm rửa, cho bò ăn xong là đã 19g, tôi vơ vội sách vở rồi phóng xe đến lớp học. Học xong, gần 22g mới kịp ăn cơm tối. Bất kể ngày nắng hay mưa, tôi không bỏ sót một buổi nào, ghi chép đầy đủ. Sau khi kết thúc khóa học này, năm 2011 tôi tiếp tục đăng ký tiếp lớp sơ cấp nghề thú y ba tháng. Hoàn tất hai khóa học, tôi biết cách chăm sóc, phòng được nhiều bệnh thường gặp ở bò không còn phập phồng lo sợ như trước nữa!”.
Chị Lan xúc động: “Bò sữa đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Nếu không đến với nghề này, không được học những lớp sơ cấp nghề, có lẽ gia đình rất khó có được như ngày hôm nay. Trời không phụ người chịu khó". Đến nay, gia đình chị Lan đã có được đàn bò sữa lên đến 50 con, mỗi ngày cho khoảng 200kg sữa.
Chị Trần Thị Mai
Anh Lê Văn Sáu
Không chỉ tạo việc làm cho bản thân
Trước đây, vợ chồng chị Trần Thị Mai (SN 1964), ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi chẳng dám nghĩ mình có cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, chị Mai kể: “Hồi trước tôi chủ yếu làm ruộng, làm rẫy, sau đó quanh quẩn ở nhà chăm lo cho con cái, nghỉ rẫy thì chỉ biết... ở không. Năm 2011, xã có tổ chức lớp học nấu ăn trong hai tháng, tuần ba buổi từ 16g30-19g30. Vốn mê nấu ăn nhưng không biết nấu nhiều món nên tôi quyết định đăng ký theo học. Học được ba buổi đầu thấy cô giáo dạy dễ tiếp thu, tiết học sinh động, giờ thực hành nhiều nên tôi rủ thêm ba chị em dâu và con gái đăng ký học. Khi kết thúc khóa học, tôi biết nấu nhiều món. Năm 2012, chúng tôi quyết định thành lập tổ nấu cỗ theo đơn đặt hàng.
Theo chị Mai, nghề này tuy vất vả nhưng có việc thường xuyên, thu nhập khá. Dịch vụ thuê nấu cỗ tại nhà, vừa tạo không khí thân mật lại sạch sẽ, tiết kiệm nên được nhiều người chọn. Ngoài nguồn thực phẩm tươi, ngon còn phải đảm bảo vệ sinh… Có ngày ba, bốn nơi đặt nấu, đắt khách đến độ có khi chị phải từ chối bớt vì nhận nhiều, làm không chất lượng sẽ mất uy tín, ảnh hưởng đến những người làm cùng. "Nhờ học nghề nấu ăn, không chỉ có việc làm cho bản thân mà chị em tôi còn tạo được việc làm cho nhiều người", chị Mai chia sẻ.
Gia đình anh Lê Văn Sáu (SN 1965), ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cũng thoát nghèo nhờ chương trình xây dựng NTM. Trước đó, gia đình anh chật vật mưu sinh, làm mãi mà con cái đến trường vẫn phải giật gấu vá vai. Nhưng gia đình anh bấy lâu bám trụ nghề nông để sống, giờ thay đổi là cả vấn đề. May sao, năm 2010, anh được hỗ trợ vay vốn mua bò. Tham gia vào Hội Nông dân của xã, anh Sáu có cơ hội được dự các lớp dạy nghề, lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và nuôi bò sữa. Được tập huấn tốt, kết hợp với kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, đến nay gia đình anh đã có thu nhập ổn định từ trồng rau an toàn khoảng sáu triệu đồng/tuần và thu nhập đáng kể từ bảy con bò sữa.
Anh Sáu khoe: “Mình có được cơ ngơi như thế này là do được học kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Theo mình, nông dân muốn sống được bằng nghề nông, phải tìm hiểu kỹ lưỡng về kỹ thuật; tham gia những lớp đào tạo, tập huấn chứ không thể làm theo cách truyền thống, cổ xưa được nữa”.
Quỳnh Mai