PNO - Bằng sự kiên trì nỗ lực không ngừng của bản thân, cộng với những hỗ trợ kịp thời từ Hội Phụ nữ, nhiều chị em đã vượt qua giai đoạn chông chênh nhất của cuộc đời để hướng tới cuộc sống tốt hơn.
Đưa tôi dạo một vòng quanh nhà, bà Đỗ Thị Kim Dung - 58 tuổi, ở khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM - giới thiệu từng vật dụng, từ bàn ghế, quạt máy, nồi cơm điện đến ti vi, tủ lạnh mà gia đình đã sắm được. Nhớ lại mấy năm trước, căn nhà của gia đình bà chỉ là bốn vách tường gạch đỏ, nền đất, không có cửa, mái tôn thủng lỗ chỗ, chiều 30 tết bà còn phải chạy tiền mua gạo. Nhờ chủ thương, bán giá rẻ lại mảnh đất 40m2 và cho vợ chồng bà trả góp trong nhiều năm, nên vợ chồng bà mới có chỗ vào ra. Căn nhà đã được sửa chữa nhiều lần mới được như bây giờ.
Nhờ chị em ở địa phương giúp đỡ, bà Đỗ Thị Kim Dung, khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, đã có được chiếc máy may công nghiệp mơ ước
Bà Dung cùng với cô con gái lớn làm nghề may gia công tại nhà. Làm nghề đã 19 năm, nhưng bấy lâu mẹ con bà chỉ thay phiên đạp chiếc máy may cũ, phải tới năm 2020 bà mới mua thêm được chiếc máy may công nghiệp. Chồng bà đã 60 tuổi, làm bảo vệ dân phố, sau giờ hành chính, ông nhận làm bảo vệ cho một phòng khám tư vào buổi tối với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Bà Dung nói, mỗi đồng tiền vợ chồng mình làm ra đều mặn đắng mồ hôi. Họ nghèo mãi cho đến đầu năm 2022 mới thoát diện hộ nghèo. “Vợ chồng tôi dù chẳng biếng nhác, quanh năm quần quật, vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Để thoát nghèo, ngoài nỗ lực của mình, không thể không kể đến sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Phụ nữ. Có hội, cuộc sống của chúng tôi đã dễ thở hơn” - bà Dung thổ lộ.
Là con gái thứ 2 trong một gia đình nông dân nghèo có tới 11 người con, đường học của bà dang dở từ rất sớm. Năm 16 tuổi, bà Dung bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Bình phục sau tai nạn, bà quyết định rời quê nhà ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lên quận Tân Bình, TPHCM, làm thuê trong xưởng sản xuất nước ngọt. Tại đây bà gặp chồng mình là một tài xế. Đến với nhau khi cả hai đều tay trắng, họ bươn bả với đủ nghề lao động chân tay nặng nhọc trước khi trụ lại tại khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây. Ban đầu, chồng làm phụ hồ, còn bà vừa may gia công vừa mở tiệm tạp hóa. Nhà trong hẻm nhỏ nên việc mua bán chẳng trụ được lâu, cả nhà bữa đói, bữa no. Thế là bà đánh liều xin vay vốn tín dụng tiết kiệm không lãi của hội. Vốn vay không được nhiều nhưng cũng giúp gia đình bà qua cơn nguy khốn.
Ước mơ được sở hữu một bàn máy may công nghiệp nhen nhóm trong bà suốt nhiều năm. Mãi tới năm 2020, khi đã trả xong nợ vay cho hội và được chị em cán bộ, hội viên phụ nữ góp tặng thêm 2 triệu đồng bà mới mua được chiếc máy may công nghiệp 7 triệu đồng. Với 2 máy may, cũ và mới, mẹ con bà cùng nhau làm nên kinh tế đang dần khá hơn.
Nói về bà Dung, chị Đặng Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây, quận 12 - xúc động: “Cô Dung đang là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 65, khu phố 3. Dẫu cảnh nhà còn túng thiếu, đi lại khó khăn, nhưng cô vẫn là đầu tàu của hoạt động hội ở tổ, khu phố, phường và quận, đồng thời thường xuyên kêu gọi bà con cùng nhau dọn vệ sinh các tuyến đường. Đặc biệt, cô đã 22 lần hiến máu cứu người”.
Trút bớt những phiền lo
Kể từ đầu tháng Chín vừa qua, cứ 5 giờ sáng mỗi ngày bà Lê Thị Thu Thủy, 50 tuổi, lại đẩy xe bánh mì ra bán tại đường số 12, khu phố 4, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức. Được chủ nhà cho phép đứng bán trước sân nên bà không lo bị đuổi vì lấn lòng lề đường. Bà nói, chiếc xe không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn cho bà niềm tin rằng dù trong hoàn cảnh nào mình cũng không đơn độc. Mấy chị cán bộ hội cũng mừng khi thấy bà tươi tỉnh, cởi mở. Nhờ hội làm cầu nối mà tháng Bảy vừa qua, bà được vay 30 triệu đồng vốn ngân hàng để sắm xe bánh mì, nồi hấp xôi phục vụ việc bán buôn. Bà tâm sự: “Từ ngày lấy chồng là ngược xuôi buôn bán, chắt bóp từng đồng lo cho 3 đứa con. Những tưởng mình chăm chỉ làm lụng sẽ sống được, nhưng cuộc đời lắm bất trắc. Chồng tôi bị ung thư phổi, đến giữa năm 2021 thì mất. Chưa nguôi ngoai nỗi đau thì con trai lớn lại nằm liệt giường vì bị té xe”.
Bà Lê Thị Thu Thủy (bìa phải) chia sẻ niềm vui bán buôn thuận lợi với cán bộ Hội Phụ nữ phường An Khánh
Là trụ cột trong gia đình, nhưng nhiều năm nay bà Thủy thường xuyên vào bệnh viện chăm chồng, chăm con nên không thể đi làm kiếm tiền. Cảnh nhà vốn khó lại càng thêm khó. Khi con trai có thể đi lại, Hội LHPN phường An Khánh đã gợi ý bà chuyện làm ăn lâu dài. “Được lời như cởi tấm lòng” - bà bộc bạch. Có nồi, có xe, mỗi ngày bà bán 4kg nếp và vài chục ổ bánh mì. Thu nhập chỉ ở mức lấy công làm lời, song cũng đủ để bà lo chợ búa, tập sách cho con gái út đang học lớp Mười hai. Hai con trai nay cũng đã tìm được việc làm.
Bà Nguyễn Thị Phụng chăm chút hàng trong tiệm tạp hóa của gia đình
Cũng như bà Thủy, bà Nguyễn Thị Phụng, 58 tuổi, ở khu phố 5, phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, nay đã bớt đi nhiều phiền lo kinh tế. Bà rủ tôi qua phía đối diện để nhìn về căn nhà và tiệm tạp hóa của gia đình mình trên đường số 8. Đó là một không gian rộng rãi, được bài trí ngăn nắp. Cửa tiệm đã có từ thời bà chưa về làm dâu. Hồi ấy, tiệm chỉ bán gạo và mấy món đồ lặt vặt. Sau này, nhờ được vay vốn tín dụng tiết kiệm không lãi của Hội, được kết nối vay 30 triệu đồng ngân hàng để đầu tư, nên hàng hóa trong tiệm giờ có đủ các loại. Hiện tại, chồng bà Phụng trực tiếp trông coi tiệm, còn bà nhận nấu nướng cho một bếp ăn tập thể. Bà tâm sự: “Tuy vẫn còn vất vả, nhưng tinh thần vợ chồng tôi đã thoải mái. Hội đã giúp tôi trong những tháng ngày khổ nhất rồi. Không có hội tiếp sức kịp thời, tôi chẳng biết phải xoay xở cách nào”.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.