Thoát nạn khi ngã từ nhà cao tầng: Trẻ mới có 50% cơ hội phục hồi

05/03/2021 - 07:26

PNO - Các bệnh viện cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ ngã từ tầng cao, trong đó có những bệnh nhân may mắn sống sót. Tuy nhiên, các bác sĩ lưu ý nếu sơ cứu ban đầu sai cách có thể gây nguy hiểm khó lường.

 

bé gái Nguyễn Phương H., khoảng ba tuổi, rơi từ tầng 12A
Bé gái Nguyễn Phương H. rơi từ tầng 12A

Trẻ gặp nạn phần lớn do ba mẹ sơ ý 

Dự kiến 9 giờ sáng nay (5/3), Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội sẽ cho bé gái Nguyễn Phương H., khoảng ba tuổi, rơi từ tầng 12A (tầng thứ 13) của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng ở Q.Thanh Xuân xuống dưới, được xuất viện. Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: sức khỏe bé ổn định, kết quả chụp X-quang khớp háng bên phải đã trở lại vị trí bình thường.

Những trường hợp trẻ ngã từ lan can, lầu cao… xuống đất không phải hiếm. Bác sĩ Đỗ Văn Cẩn, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: sáng 3/3, bệnh viện này cũng đưa bé trai H.V.H. (5 tuổi, nhà ở Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) vào phòng mổ do rơi ở tầng ba xuống đất. Bé H. té lầu cùng ngày với bé gái ba tuổi ở Q.Thanh Xuân nhưng diễn biến nặng hơn. Bé được đưa vào cấp cứu trong tình trạng gãy xương hàm dưới và xương gò má, mặt sưng nề, chảy nhiều máu, may mắn không tổn thương sọ não. 

Vẫn chưa hết bàng hoàng, mẹ của bé H.V.H. nhớ lại: các tầng nhà chỉ có cửa khóa ra vào ban công chứ không có lưới bảo vệ. Tuy nhiên, lan can cũng cao trên 1 mét nên không nghĩ con có thể leo trèo và ngã từ lầu ba xuống. Trước khi rơi xuống đất, áo bé mắc vào cục nóng điều hòa ở ngoài ban công tầng một. Khi phát hiện ra, bé đã nằm bất động, mặt úp xuống đất, chảy nhiều máu. 

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận một em bé sống sót ngoạn mục sau khi rơi từ tầng 11 của khách sạn. Em cùng mẹ du lịch ở tỉnh Thanh Hóa. Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trung tâm Cấp cứu và Chống độc nhi khoa Bệnh viện Nhi Trung ương, nhớ lại: khi trở về phòng, người mẹ vô tình bỏ quên con trong thang máy nên bé đi lạc tới tầng 11 và ngã từ lan can, rơi xuống thủng mái tôn, lọt xuống đất. Khi đưa tới bệnh viện, cả mẹ và bé đều hoảng loạn nhưng may mắn chỉ chấn thương phần mềm chứ không ảnh hưởng tới xương, sọ não.
Các bệnh viện tại TP.HCM, Đồng Nai cũng tiếp nhận rất nhiều trẻ té lầu, ban công, cầu thang, nhất là ở khu nhà trọ tạm bợ… Hoặc nhiều tai nạn đến từ các trường hợp nhà đang được xây dựng, chưa hoàn thiện nhưng đã đưa vào sử dụng. Trong đó, có trường hợp trẻ lao xuống từ tầng hai do chưa có tay vịn cầu thang. Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, cho hay từng cấp cứu một em bé rơi từ tầng hai xuống và nguy kịch, các bộ phận trong cơ thể từ gan, phổi đến chân, tay đều bị thương nặng. Bệnh viện đã huy động các bác sĩ ở nhiều chuyên khoa khác nhau để cùng cứu chữa và cuối cùng bé hồi phục.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xem phim chụp của bé H. trước khi thăm khám
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xem phim chụp của bé H. trước khi thăm khám

Sơ cứu sai, có khi chấm dứt cuộc đời trẻ

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), thống kê độ tuổi trẻ bị chấn thương nặng do té ngã thường từ năm tháng đến bảy tuổi. Những trường hợp trẻ rớt từ ban công thường gặp ở trẻ lớn khi nghịch ngợm, leo trèo. Đa phần những chấn thương khi té ngã từ độ cao từ 8-10m sẽ rất nặng, khó hồi phục. Tốt nhất là với các nhà cao tầng, có cầu thang phải làm rào chắn ở các tầng và lan can kín, không để kẽ hở lớn. Một trường hợp khác cũng cần lưu ý là các nhà trọ, phòng trọ có cầu thang sắt nối với gác lửng. Vì bệnh viện thường tiếp nhận các bệnh nhi bị chấn thương sọ não, gãy tay, chân... do leo trèo.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), dù không phải tất cả trường hợp té ngã từ trên cao đều bị chấn thương cột sống cổ nhưng nguyên tắc sơ cứu ban đầu là phải cố định ngay cột sống cổ vì đây là phần dễ bị chấn thương nhất. Sau đó, người xung quanh hiện trường xem nạn nhân có bị tím tái, suy hô hấp, ngưng tuần hoàn hay không để lập tức hồi sức tim phổi. Nhưng việc hồi sức tim phổi chỉ diễn ra khi đã cố định cột sống cổ. Nếu không, nạn nhân sẽ ngưng tim và tử vong. Mặt khác, khi di chuyển nạn nhân cũng phải biết cách tránh gây tổn thương tủy ở cột sống cổ, nếu không nạn nhân sẽ tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết với trường hợp rơi từ độ cao, những tổn thương cột sống cổ sẽ dẫn đến di chứng liệt toàn thân hoặc tử vong; nếu tổn thương cột sống ở thắt lưng dẫn đến liệt hai chân. Có trường hợp chính người nhà của bác sĩ này ở Lâm Đồng bị té xuống suối và được hai người đi đường tìm cách kéo lên bờ. Tuy nhiên, do không biết nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ nên quá trình kéo, vận chuyển lên bờ đã khiến nạn nhân bị liệt suốt đời. 

Các bác sĩ khuyên: cách sơ cứu tốt nhất là vừa hồi sức tim phổi vừa tìm cách liên lạc với đội ngũ cấp cứu ngoại viện 115. Những nhân viên y tế được đào tạo cấp cứu ngoại viện có đủ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để xác định tổn thương ban đầu trên cơ thể nạn nhân trước khi thực hiện vận chuyển lên xe cấp cứu đến bệnh viện. Nếu nhân viên cấp cứu xác định có tổn thương, nạn nhân sẽ được cố định cột sống cổ, cột sống thắt lưng. Riêng TP.HCM có 24 trạm cấp cứu vệ tinh nên xe cấp cứu 115 sẽ đến rất nhanh. 

Ba mẹ làm gì khi con té ngã?

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Bệnh viện Nhi Đồng 2, khi trẻ bị té ngã, nếu còn tỉnh phải trấn an trẻ và cố gắng giữ bình tĩnh, khuyến khích trẻ giảm thiểu mọi cử động ở đầu hoặc cổ. Vết thương trên đầu có thể chảy máu nhiều, trong trường hợp đó cần cầm máu vết thương bằng cách ấn trực tiếp và băng. 

Nếu trẻ bất tỉnh, không di chuyển nạn nhân trừ khi trẻ đang trong tình trạng nguy cấp. Mọi sự di chuyển không cần thiết đều có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho chính vết thương sọ não, cột sống hay những vết thương liên quan khác. Vai trò của ba mẹ lúc này là bảo vệ nạn nhân khỏi mọi nguy hiểm tiềm ẩn tại hiện trường. Ba mẹ cũng nên theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân cho đến khi xe cứu thương tới.

Nếu trẻ thở yếu đi do có vấn đề với đường hô hấp, có thể để ngửa đầu trẻ ra sau nhẹ nhàng và nâng đỡ cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu trẻ ngừng thở hoặc không bắt được mạch, có thể cần hồi sức tim phổi.

 Huyền Anh - Hiếu Nguyễn - Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI