PNO - Những tên “yêu râu xanh” dường như có phép yêu ma thực sự. Đó là liều thuốc gây tê để các nạn nhân tê liệt khả năng phản kháng, hoặc đơn giản nhất chỉ là không lên tiếng thể hiện thái độ bất bình. Sự ấm ức bị giam nhốt trong im lặng, nguy thay, dần biến thành một chuyện bình thường kiểu “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”.
Ở tuổi 25, trước câu hỏi “bạn đã bị sàm sỡ, quấy rối tình dục (QRTD) bao nhiêu lần?”, Hồng L. (nhân viên tiếp thị bia ở Q.5, TP.HCM) đáp tỉnh bơ: “Bị sàm sỡ như cơm bữa, làm sao nhớ hết? Mà cũng không hẳn là “bị”, vì khách nam đụng chạm nhiều thì mình càng khui bia nhiều, mới có hoa hồng đủ sống. Coi như mình và khách ngầm hiểu với nhau - chọc ghẹo, đụng chạm như một khuyến mãi tặng kèm”.
Ảnh minh họa
Nói thì nói vậy, chứ khơi lại những lần bị quấy rối, mặt L. nóng ran. Thời sinh viên, ở trong khu nhà trọ lớn, nhiều lần L. đứng nấu ăn thì có một chú phòng trọ đối diện lò dò sang mượn hộp quẹt châm thuốc lá. L. né kiểu gì cũng bị tay chú sượt ngang ngực, eo cùng một nụ cười khoái trá. Hôm sau, lại thấy chú lù lù đứng ở cửa bếp và giả đò xin tí lửa. L. bực nhưng chẳng biết nói gì hay tỏ thái độ thế nào, chỉ biết phớt lờ và coi như chú vô tình lỡ tay… L. giấu cái hộp quẹt thì chú xộc vào bật bếp gas, rồi loạng choạng vờ té để cố tình chạm vào chỗ nhạy cảm. L. đổi giờ nấu bếp để né, nhưng vẫn không thoát.
Kể chuyện này với chị phòng bên, chị thẳng thừng: “Mày hiền đó, chứ gặp tao là tao tát cho chừa”. Nhưng bà chị đó rốt cuộc cũng là nạn nhân. Có lần thấy chú mở toang cửa phòng, nằm tơ hơ khoe cái của nổi của chìm, chị chỉ kịp kêu oai oái rồi vụt chạy về phòng cố thủ. Chú mở những phim có hành động nhạy cảm, âm thanh gợi dục, nội y chú treo ở vị trí đập vào mắt những ai xui rủi nhìn vào. Sợ nhất là những khi chú gọi điện thoại cho vợ hoặc cô nào đó, cứ oang oang nói chuyện giường chiếu tởm lợm. Chú là người gốc Bắc, nhưng chỉ thích rời gia đình, lập nghiệp xa. Chú có khả năng mua nhà nhưng lại thích ở trọ, nhất là trà trộn với nữ sinh viên cho đời thêm “thi vị”. Có mách với chủ nhà trọ thì cũng không thể đuổi chú đi, vì chú đóng tiền đầy đủ, không trộm cắp, rượu chè. Vậy nếu không muốn ở cùng, thì người dọn đi phải là mình. Tính tới tính lui, mấy cô gái thôi kệ đành chịu cảnh vừa sống cạnh phòng vừa… ói vậy.
Chủ thể QRTD có nhận hậu quả gì với hành động của mình? Có chăng chỉ là bị trừ điểm về nhân cách, đạo đức và không lựa chọn để gắn bó lâu dài, chứ ít khi được nhìn nhận xác đáng đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Vài chiêu xé lưới
Nhận diện QRTD để có thái độ và phản ứng cần thiết, đúng mực. Sợ nhất là khi chính mình cũng thỏa hiệp, tò mò, cứ để làm tiếp xem sao. Hoặc sự dễ dãi, cả nể khiến bản thân cũng đùa nhây, tạo một đường mòn cho hành động sàm sỡ leo thang quá lố. Hành vi tiếp theo sẽ là gì nếu hôm nay bạn chấp nhận vỗ mông như là một hình thức chào hỏi từ người đối diện?
Ảnh minh họa
Mối quan hệ “chiếm hữu” vô hình như sếp với nhân viên, thầy với trò, bác sĩ với bệnh nhân, người ơn với người chịu ơn, cũng dễ khiến nạn nhân nín lặng. Tố cáo sẽ mất việc, tố cáo sẽ mang tiếng phản phúc, thậm chí còn bị lên án là vu khống, là ảo tưởng về bản thân, kiểu như: “Người mày gầy gò, khô quéo thế kia, có gì để ông giám đốc thèm mà sờ soạng?”. Thật ra, những kẻ bề trên ấy, những kẻ “chiếm hữu” ấy mới thực sự có nhiều thứ để mất, và nạn nhân dù vị trí thấp kém đến mấy cũng có quyền bảo vệ thân thể và nhân phẩm của mình.
Ngay từ bé, ta cần được hướng dẫn phân biệt hành vi QRTD và cử chỉ yêu thương, vì động tác có thể giông giống nhau, nhưng động cơ tích cực - tiêu cực khác xa nhau. Cũng là gọi điện thoại cho người yêu cũ, nhưng đã có chiều hướng quấy rối khi đối phương úp mở ỡm ờ, bâng quơ, tranh thủ khơi lại chuyện từng muốn đào sâu chôn chặt, gây xấu hổ, phiền toái, khó chịu cho mình. Ngay cả vợ, chồng/người yêu cứ vồ vập đòi hỏi chuyện ân ái khi người còn lại chưa sẵn sàng, không đồng thuận cũng là QRTD. Thực ra, QRTD từ người lạ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, đa phần thủ phạm là người thân quen, đòi hỏi ở nạn nhân một sự cương quyết, rõ ràng để tránh lặp lại những hành động không đẹp và vi phạm.
“Anh nói vậy là có ý gì? Tôi đề nghị anh không được tiếp tục nói như thế”, chị Hoàng Thủy gằn giọng, cắt cơn đùa dai của đồng nghiệp nam, khi anh này mải mê bình phẩm hạ thấp chị. Chán vợ, anh đồng nghiệp muốn “cải thiện sinh lý” với người phụ nữ độc thân như chị Thủy, nhưng khi nghe các nhân viên khác chọc ghẹo, ghép đôi, anh lại làm cao: “Còn lâu. Gái mười tám tôi còn chả thèm nữa là…”. Một thái độ nghiêm túc, lời nói cảnh báo từ nạn nhân - chị Thủy như đặt một thanh chắn, không cho anh ta lấn tới.
Để thỏa mãn động cơ thấp hèn, “yêu râu xanh” có nhiều cao kiến, bài binh bố trận, dựng đầy bẫy rập để con mồi chỉ còn đường độc đạo, và cuối đường là cái rọ chờ sẵn. Đi công tác qua đêm, cô cậu đồng nghiệp có ý gian sẽ dựng đủ trò để đến “giờ âm” gõ cửa phòng khách sạn, khi thì nhờ cạo gió, khi thì xin thuốc tiêu chảy, nhức đầu, khi thì mượn tài liệu… Một cử chỉ quan tâm đáp lại có thể đưa mình vào tròng.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải nói chuyện chuyên đề “Quấy rối tình dục nơi công sở và cách ứng phó”
Bạn có thể khiến nhân vật thứ ba xuất hiện để cắt ngang “cảnh phim” này. Không ngồi ở chỗ bí, vào một căn phòng, một ngôi nhà… ngay giây phút đầu phải luôn để ý lối thoát hiểm. Sở hữu hai cái điện thoại và để sẵn chế độ gọi khẩn cấp, tự mình bấm gọi cho mình cũng phát huy tác dụng “giải cứu chủ nhân”.
Lại có một nữ doanh nhân đến nhà gặp đối tác để bàn thảo hợp đồng, nhưng bất ngờ bị đối tác đòi “ký vào người” khi vật cô xuống ghế sofa. Hết cách, cô chỉ còn biết giả ngất, sùi bọt mép. Đối tác hoảng hồn buông ra, một chốc cô tự tỉnh dậy, ra về. Cô nói rằng mình có bệnh động kinh, khi có gì bất ngờ thường sốc và ngất. Ông đối tác đã xin lỗi vì hành động nông nổi của mình, hứa không tái phạm. Và cũng không còn cơ hội để tái phạm vì cô đã hô biến từ dạo ấy.
Một chị tiến sĩ lâm vào tình huống dở khóc dở cười: đón vị giáo sư từ sân bay và chở thầy đi công việc. Tuy nhiên, trên đường đi, thầy cứ tung hứng sờ soạng khắp người chị. Không thể chịu nổi, chị dừng xe, nhìn thẳng vào mắt thầy, nói một câu với âm lượng đủ nghe, âm sắc đủ lạnh: “Em sực nhớ có một việc cần giải quyết gấp, thầy vui lòng bắt xe ôm đi công việc của thầy nhé!”.
Mày râu vai u thịt bắp cũng không dễ thoát hiểm trước một phái yếu trong cơn si mê. Một anh thiết kế xây dựng cho một biệt thự ở Q.2, TP.HCM, khi biệt thự đã hoàn công, bà chủ nhà nhân lúc ông chủ đi vắng, đã nhắn anh đến để cảm ơn và thưởng thêm. Nhưng không ngờ, đó chỉ là cái bẫy mà bà dựng sẵn. “Tôi nói với bà chủ rằng tôi hiểu tình cảm của bà, nhưng chúng ta nên dành cho nhau sự tôn trọng. Tôi đã ôm bà chủ trong tích tắc, để bà không bị đánh mất thể diện, và không để lại cơn hận tình” - anh kỹ sư chia sẻ.
Nhờ đến pháp luật là một giải pháp, nhưng những kỹ năng tại chỗ, ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng sẽ giải vây cho bạn, mà kẻ QRTD cũng giật mình nhìn lại và điều chỉnh.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải, QRTD không chỉ là dụ dỗ, cưỡng ép quan hệ tình dục mà gồm cả những hành vi dâm ô (đụng chạm, sờ mó)/các cử chỉ, lời nói ẩn ý/các hình ảnh, mô tả việc quan hệ thân xác, chat sex, phone sex… Phiên bản cuối của các loại QRTD là tấn công tình dục.
Có bốn loại QRTD: quấy rối bằng lời nói, hình ảnh, hành vi, và quấy rối tâm lý. QRTD bằng lời nói bao gồm các bình luận dung tục về cơ thể, đưa ra ý kiến dâm ô, gợi ý tình dục, hay các cuộc trò chuyện tình dục không phù hợp... Đùa cợt, bình phẩm thô thiển, châm biếm, miệt thị hình hài, cố tật của người khác (vú lép, mông xệ…) làm họ khó xử, xấu hổ, mặc cảm và chán ghét cơ thể mình.
QRTD bằng hình ảnh: bắt tiếp xúc với tài liệu khiêu dâm, cảnh khỏa thân và dâm ô... QRTD về thể xác: chạm vào những điểm nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân hoặc trên cơ thể của chính kẻ quấy rối (bắt ép nạn nhân chứng kiến); xâm hại tình dục...
QRTD về mặt tâm lý là ít rõ ràng nhất và khó phân biệt. Thường liên quan đến việc một người vi phạm quyền riêng tư của người khác trong khi họ đi lại, sinh hoạt, làm việc, ngay cả khi làm việc riêng (vệ sinh, tắm rửa, thay đồ...).
Vậy mức án của tất cả những hình thức quấy rối tình dục này là gì? Chỉ đưa ra hình thức phân biệt nhưng lại chẳng có chỉ dẫn để người bị hại tố cáo hay luật cùng hình phạt để kẻ xấu phải bị trừng trị thì chúng có gì phải sợ? Hay cần phải tìm thấy tinh dịch trong cơ thể mới đủ để truy tố hình sự???
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.