Chăm hổ như chăm con mọn
Hơn 4 tháng sau khi được đưa đến Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, Nghệ An), 7 cá thể hổ Đông Dương đã nặng gấp 6 lần, khỏe mạnh nhờ được chăm sóc chu đáo. Anh Đặng Thanh Tuấn - nhân viên chăm sóc động vật hoang dã, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cho biết, do bị nhốt nhiều ngày nên lúc mới về, những chú hổ này đều có vấn đề về sức khỏe, bị bệnh đường ruột, có biểu hiện tiêu chảy.
Sau khoảng 10 ngày được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, những chú hổ con này hồi phục sức khỏe rất nhanh, dần thích nghi môi trường. Thời điểm này, chúng được cho uống sữa hoàn toàn. Mỗi ngày bình quân một con hổ uống sữa 6 lần, chia đều 4 giờ một lần. Sữa dùng cho hổ uống phải là sữa ngoại, sữa đặc biệt dành riêng cho động vật họ thú mèo chứ không dùng được loại sữa khác.
|
Những chú hổ được cho uống sữa ngoại khi còn nhỏ |
Sau chừng 1 tháng, hổ bắt đầu được chuyển sang giai đoạn ăn dặm. Đầu tiên là bằng nước sữa thịt bò, thịt bò luộc lên lấy nước pha với sữa cho hổ uống để hổ tập làm quen với dinh dưỡng từ thịt bò. Khi chúng đã thích nghi mới bắt đầu chuyển sang cho ăn thịt bò tái, xen kẽ với uống sữa.
“Đến nay, hổ đã ăn thịt hoàn toàn. Thức ăn của hổ chủ yếu là thịt bò, thịt gà và thịt thỏ được cho ăn xen kẽ với nhau. Thịt cho hổ ăn phải hoàn toàn là thịt tươi sống, được giết mổ trong ngày, nếu cho thịt đông lạnh chúng sẽ bỏ ăn ngay” - anh Tuấn nói và cho hay hiện mỗi ngày một con hổ ăn hết 2kg thịt bò, 3kg thịt gà. Số lượng thức ăn sẽ ngày một tăng lên theo cân nặng của hổ.
Ngoài anh Tuấn, hiện Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã này còn có một nhân viên khác và một bác sĩ thay phiên nhau chăm sóc đàn hổ. Hàng ngày, họ luân phiên chia thịt, theo dõi sức khoẻ cho đàn hổ. Sau mỗi giờ ăn, chuồng nuôi hổ cũng được vệ sinh sạch sẽ.
|
Mỗi ngày hổ được cho ăn 2 lần |
“Vì hổ nuôi nhốt trong chuồng, ít vận động nên chúng tôi phải cho thêm can xi vào thức ăn để xương hổ thêm cứng cáp. Anh em cũng gắng thiết kế một số đồ vật nhỏ trong chuồng để hổ chơi, vận động” - anh Tuấn nói.
Ông Trần Văn Hải - Phó giám đốc phụ trách lâm nghiệp, động vật Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, sau một thời gian được chăm sóc đặc biệt, 9/17 con hổ được giải cứu khỏi các “chuồng lợn” trong hầm nhà dân đã phục hồi hoàn toàn. Đây là những con hổ Đông Dương, có trọng lượng trên 200kg mỗi con. Lúc được giải cứu, 8/17 con đã chết ngay sau đó do sức khỏe kém.
Hàng ngày, những con hổ này được nhân viên tiếp cận làm quen nhằm giảm stress cho chúng sau khi chuyển đến môi trường mới, khác hẳn với những lồng sắt chật hẹp trong tầng hầm nhà dân trước đó. Để đảm bảo sức khỏe cho các con hổ, mỗi 2 giờ một lần, bác sĩ thú y tại đây sẽ kiểm tra để nắm bắt kịp thời chuyển biến của chúng. Trung bình, mỗi ngày một con hổ ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, ăn hết 6kg thịt gà, thịt heo và thịt bò.
|
Hổ ngày càng lớn, nhu cầu về phòng nuôi nhốt cao hơn |
Tốn kém, khó quay lại rừng xanh
Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát được thành lập từ năm 2002, được bao bọc thành một khu vực riêng biệt ngay trong khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát. Tuy nhiên, nơi đây thực sự thành bệnh viện thú rừng từ năm 2018, khi được Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tài trợ kinh phí để mua sắm thêm thiết bị và bổ sung thêm 3 nhân sự, trong đó có 2 bác sĩ thú y.
Đây là nơi tiếp nhận các loài động vật hoang dã do các lực lượng chức năng giải cứu. Sau khi được điều trị, chăm sóc, thú rừng khỏe mạnh trở lại, các nhân viên ở trung tâm cứu hộ này phải truy xuất nguồn gốc con thú để quyết định có thể thả về rừng hay không.
|
Vườn quốc gia Pù Mát đang nuôi nhốt hàng trăm loài động vật hoang dã nhưng hiện vẫn chưa có chuồng nuôi hổ |
Trung tâm này hiện đang điều trị, nuôi hàng chục cá thể gồm các loài: vượn, tê tê, cầy vòi, gấu, khỉ, rái cá... song không có chuồng nuôi hổ. Bởi thế, khi tiếp nhận hổ, trung tâm đã phải cải tạo lại các chuồng nuôi tê tê để làm nơi nuôi hổ tạm thời. Với diện tích chuồng nuôi và quy mô chuồng trại như hiện tại thì không thể đáp ứng được để nuôi nhốt các con hổ đang lớn dần lên.
“Do không có không gian để nuôi thả hổ nên rất khó để luyện cho chúng lấy lại bản năng săn mồi tự nhiên. Bởi thế, ngoài việc truy xuất nguồn gốc hổ, thì nếu không có khả năng sinh tồn trong tự nhiên, những con hổ này cũng sẽ rất khó sống sót nếu được thả về rừng” - một cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát nói.
|
Nhân viên cứu hộ động vật hoang dã thăm, kiểm tra đàn hổ mỗi ngày |
Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho hay, kinh phí để nuôi hổ rất tốn kém. Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát Nguyễn Xuân Cường cho biết, ban đầu, đơn vị rất ngại vì cảm nhận được cơ sở vật chất tại trung tâm không đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi hổ.
Ngoài kinh phí chăm sóc, hiện cơ sở vật chất cũng đang là vấn đề nan giản bởi chuồng nuôi nhốt hổ tạm bợ. “Hổ ngày càng lớn thì bản năng và sinh hoạt cũng khác trước, đòi hỏi diện tích chuồng nuôi phải rộng hơn rất nhiều” - ông Cường nói và cho hay đơn vị đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An chuyển các con hổ tới các trung tâm cứu hộ ngoại tỉnh để phù hợp việc chăm sóc trong thời gian tới.
Phan Ngọc