Thoát hiểm cùng nhau

15/05/2023 - 12:00

PNO - Một đám cháy ở chung cư cao tầng, cư dân nháo nhào xuống thang thoát hiểm. Nhanh chân nhất là những ông chồng, có anh bỏ lại người vợ trẻ, có anh bỏ cả vợ trẻ lẫn cha già...

Hàng xóm mới là một cặp vợ chồng son. Họ cười nói suốt ngày, chẳng bao giờ thấy to tiếng hay cãi cọ. Mỗi lần nghe tiếng cười lớn vọng sang khi họ xem phim, khi nấu ăn, khi tranh luận công việc… các thành viên bên nhà tôi cũng vui lây.

Từng nhiều lần đi chung thang máy, nhưng chúng tôi chưa có cuộc làm quen thật sự nào. Hôm rồi, khi chuông báo cháy reo, tôi vội theo các con xuống thang thoát hiểm, đi ngang, thấy cô vợ còn mặc đồ bộ, ngơ ngác đứng, tôi hối: “Xuống lẹ em, khói mù mịt khắp nơi rồi, có thể sắp cúp điện, còn đứng đây chi?”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thế là cô gái theo chúng tôi. Thang thoát hiểm chưa được sử dụng lần nào từ ngày ban quản lý dự án giao nhà cho cư dân. Không có điện, bóng tối mịt mùng, chúng tôi phải dùng đèn pin từ những chiếc điện thoại. Trên đường đi, nhóm chúng tôi hòa vào luồng người từ các lầu khác, đa số là người già, phụ nữ, trẻ em… Mọi người bàn ồn ào về đám cháy, ai đó nói, là do nổ cục nóng ở ban công lầu thấp, chủ hộ vắng nhà, người dập lửa không cách nào tiếp cận căn hộ.

Lặng lẽ không nói gì là ông già bước ngay trước mẹ con tôi. Khớp sưng, ông phải đi chân đất, bám tay vịn xuống từng bước khó khăn. Cô con dâu trẻ mặc đồ bộ, cầm điện thoại chiếu sáng cho ông, nhưng sốt ruột nên đi nhanh phía trước, khiến vây quanh ông già là bóng tối, chúng tôi phải đi chậm lại, soi từng bậc thang cho ông.

Tôi chợt nhớ ra và hỏi cô hàng xóm: “Thế chồng em đâu? Chồng em đi làm chưa về à?”. “Ảnh xuống trước rồi chị” - cô đáp. “Ủa, sao không chờ em mà xuống trước vậy?”. “Vì lúc ấy em tắm nên ảnh hối xuống, em nói cứ xuống trước đi, em xuống sau”.

Khi xuống tới sân chung cư, cô hàng xóm gặp chồng, họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Cô trách nhẹ: “Bỏ người ta mà chạy trước vậy đó”. Cậu chàng nhe răng cười: “Thì em bảo anh xuống trước còn gì. Với anh xuống xem tình hình cháy thế nào, ở trển đâu biết gì”. Tôi, sau khi “bàn giao” cô gái trẻ cho anh chồng, góp vào 1 câu: “Không được thế nha, phải thoát hiểm cùng nhau chứ!”.

Liền đó, tôi cũng thấy gia đình có cô con dâu và ông ba chồng. Hóa ra, anh chồng trẻ đã nhanh chân xuống dưới, đứng cầm điện thoại quay chụp. Có lẽ anh chủ quan với mức độ nguy hiểm của vụ hỏa hoạn, tin rằng với hệ thống báo cháy, phun nước hiện đại của tòa nhà, lửa sẽ được dập, ba và vợ sẽ xuống đất an toàn.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Quả thực, đám cháy được dập nhanh chóng, không có thiệt hại về người. Khi tình hình được kiểm soát, một số hộ có trẻ sơ sinh và người già còn được khuyến cáo ở yên trong nhà, không mất bình tĩnh khi cúp điện. Vài tiếng sau, lực lượng chức năng hướng dẫn chúng tôi trật tự lên lầu bằng thang máy. Tuy vậy, đêm đó hầu như không nhà nào có thể ngủ. Trong nhà tôi, cuộc luận bàn về nhà bên và “những người đàn ông nhanh chân” cũng rộn ràng.

Cậu trai 17 tuổi nói: “Chỉ là lỗi giao tiếp, ứng xử thôi mà, mẹ trách chú làm chi!”. Con gái 16 tuổi của tôi thì dứt khoát: “Không chấp nhận được! Chú đã bỏ rơi cô”. Dân phòng và lính cứu hỏa còn lao lên đưa người xuống, vậy mà chồng không tìm cách lên, cho vợ đỡ sợ. Nếu không có mẹ con mình, chắc gì cô dám xuống một mình. Tôi thì nghĩ đơn giản đó là một anh chồng quen nghe lời vợ như một cậu bé. Vợ hối xuống trước thì anh răm rắp thực hiện. Cũng như anh chồng để người cha già cùng cô vợ trẻ ở lại, có thể các anh chủ quan nghĩ chung cư cao cấp có hệ thống dập lửa tự động, đám cháy sẽ không ảnh hưởng gì lầu khác.

Sau hôm ấy, tiếng cười nói của cặp vợ chồng nhà bên vẫn rổn rảng hạnh phúc. Tôi mong sao chuyện thoát hiểm nhà họ chỉ là một lỗi giao tiếp ứng xử, như con trai tôi nói. Cuộc đời còn dài, còn quá nhiều biến cố, hoạn nạn có thể xảy đến, nếu các anh chồng cứ luôn nhanh chân chạy trước thì dù không thiệt hại vật chất, những tổn thất về tinh thần của người vợ khó mà lường được. 

Hoàng Hương
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Trâm Nguyễn 21-05-2023 00:31:28

    Chồng tôi thì dịch bị hạn chế ra chơi thể thao ở khu công cộng nên than buồn chán, trốn về quê trước khi phong toả. Bỏ mặc 3 me con tôi tự lo trong 6 tháng vào đợt cao điểm dịch ở TpHCM. Nghĩ đến là tức và tủi thân biết bao.

  • lan hai 15-05-2023 15:32:21

    Còn chồng tôi sau khi gây nợ thì trốn vế quê một mình, bỏ vợ con, cha mẹ già lại cho chủ nợ xâu xé

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI