“Tụi con vô cùng thương tiếc báo tin chị Hà - con gái cô chú, đã tử vong vào đêm hôm qua”, câu thoại của nhân vật thiếu úy Nghi (phim Kẻ sát nhân cô độc) báo tin buồn cho người nhà nạn nhân khiến người xem không khỏi… bật cười, dù đây là cảnh phim buồn. Cụm từ “vô cùng thương tiếc” vốn sử dụng trong văn viết chứ ngoài đời ít ai dùng.
Theo dõi phim Cát đỏ, hầu như mỗi khi nhân vật Hùng xuất hiện, khán giả lại nghe những câu bóng bẩy văn chương như: “Khi nước mắt đã chảy cạn hết, chúng ta mới tỉnh táo được”, “Hãy kìm cơn ghen của mình lại và hãy tỏ ra mình là người biết hy sinh đi” hay “Ngay lần đầu gặp em, tôi đã bị cuốn vào đôi mắt đó, đôi mắt như từng đã ru anh biết bao đêm”. Nếu nhân vật này là một nhà văn, nhà thơ thì việc thốt lên những câu đó cũng có thể chấp nhận, đằng này, trong phim Hùng là một “trai bao”, nên câu thoại đó càng xa lạ và thiếu thực tế.
|
Hùng, nhân vật có những câu thoại rất "khó nghe" trong phim Cát đỏ |
Những nhân vật người dân quê trong phim Luật trời thì lại nói chuyện với nhau rất “sách vở”, kiểu như: “Gương mặt của dì tuy xấu xí, nhưng mà tôi nhìn được cái tốt đẹp ẩn sâu bên trong con người dì”, hay “Cậu phải về nhà sắp xếp lại cuộc đời của cậu đi”.
Nhân vật, cốt truyện và lời thoại là ba yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một kịch bản. Hiện nay, tìm phim Việt có cốt truyện hoặc nhân vật ấn tượng dễ hơn nhiều so với tìm phim có thoại hay. “Bệnh” chung thường thấy ở phim Việt, nhất là phim truyền hình, là nói nhiều. Có cảm giác biên kịch sợ khán giả không hiểu, hay sợ diễn viên thể hiện không đạt tâm trạng nhân vật, nên phải cho họ dùng lời nói để diễn tả.
Chuyện dùng văn viết thay cho văn nói trong phim khá phổ biến, thường thấy nhất là khi hai nhân vật nói về người thứ ba. Thay vì gọi “ổng”, “bả”, “cổ”, “ảnh” như đời thường, thì diễn viên lại nói một cách trịnh trọng là “ông ấy”, “bà ta”, “cô ta”, “anh ấy”. Người nghe cũng dị ứng với cách người thân trong gia đình gọi nhau bằng tên có kèm tên lót như trong các tiểu thuyết diễm tình thời xưa; hay ở công sở, người ta gọi tên nhân vật đi kèm chức danh như phim Hàn.
|
Ngoài diễn xuất tài năng của cố NSND Hoàng Dũng thì nhân vật ông trùm Phan Quân trong phim Người phán xử còn được yêu thích nhờ những câu thoại ấn tượng |
Nếu không giáo điều, văn vở, thiếu thực tế, thì thoại trong phim Việt bị lái sang một thái cực khác là quá tự nhiên chủ nghĩa. Điều này thường gặp trong các webdrama về đề tài giang hồ hoặc về đời sống người dân lao động nghèo, bởi dòng phim chiếu mạng vốn không bị buộc phải kiểm duyệt. Người xem ngán ngẩm khi các nhân vật mở miệng là chửi thề, gọi nhau bằng những cụm từ vô văn hóa như “con quỷ cái”, “thằng chó”…
Có vẻ như biên kịch cho rằng việc đưa những câu thoại mang “hơi thở cuộc sống” kiểu vậy vào phim, sẽ khiến phim “đời” hơn? Không thể phủ nhận trong cuộc sống, chuyện văng tục, chửi thề là bình thường của tầng lớp bình dân, giới giang hồ. Tuy nhiên, mỗi bộ phim là một sản phẩm nghệ thuật, ngôn từ sử dụng cần có sự chọn lọc một cách thận trọng, chứ không thể bê nguyên xi ngoài đời vào.
Có nhiều yếu tố cộng hưởng để người xem nhớ lâu về một bộ phim, trong đó có yếu tố thoại. Không gì thích thú bằng việc được thưởng thức một bộ phim có lời thoại súc tích, phản ánh đúng tính cách nhân vật. Càng “sướng” hơn khi phim có những đoạn đối đáp sắc sảo giữa các nhân vật, hoặc những câu nói mang tính triết lý sâu sắc.
Đáng mừng là gần đây có nhiều phim truyền hình được khán giả đánh giá cao vì thoại rất “thấm”. Có thể kể đến những câu nói “chất” như: “Tha thứ cho một kẻ không ra gì không phải là vị tha, mà là tột đỉnh của sự ngu dốt”, (phim Về nhà đi con), “Một con cáo già bao giờ cũng nguy hiểm hơn một lũ sói non”, “Gia đình là cái tồn tại duy nhất, những cái khác có hay không có không quan trọng”, “Cái gì mua được bằng tiền thì vẫn còn là rẻ đấy” (phim Người phán xử).
Phim Hướng dương ngược nắng đang gây sốt hiện nay một phần cũng nhờ thoại ấn tượng, nhất là thoại của nhân vật bà Bạch Cúc. Từng lời nói đanh thép nhân vật này thốt ra đều đúng với tính cách nhân vật và khiến khán giả gật gù tâm đắc: “Nếu có can đảm trở thành kẻ tham lam thì trước tiên đừng ngu dốt”, hoặc “Suy nghĩ kỹ những gì mình nói nhưng đừng nói hết những gì mình nghĩ”.
|
Ngoài cốt truyện kịch tính, phim Hướng dương ngược nắng còn gây sốt nhờ phần thoại “chất”, đặc biệt của nhân vật bà Bạch Cúc |
Phim truyền hình tết Yêu hơn cả bầu trời cũng được yêu thích vì lời thoại được xử lý tốt. Khi thì xúc động như đoạn thoại giữa thầy Phong và Hải: “Cậu có biết nhà nước tốn bao tiền của cho cậu ăn học không hả? Sao cậu không nhảy? Nói đi, tại sao?”/ “Em sợ mất thầy, như em mất bố em vậy”; lúc thì hài hước khi nghe nhân vật Thiên “cưa” một cô gái rằng: “Em đang làm gì đấy?”/ “Em không làm gì cả”/ “Thế để anh giúp một tay nhé”.
Chia sẻ về kinh nghiệm viết thoại, biên kịch Thu Thủy - biên kịch phim Về nhà đi con, Hướng dương ngược nắng cho biết: “Trước đây, khi chưa làm biên kịch, tôi hay nghe mọi người chê thoại của nhiều bộ phim bị kịch, nghe “giả” và giáo điều, cho nên sau này khi viết kịch bản, tôi ý thức để thoại chân thực, gần gũi với đời sống nhất. Vì thế, tôi luôn chú ý lắng nghe và quan sát cuộc sống. Tôi có thói quen ghi chép, đọc được câu gì hay đều ghi lại, nghe điều gì thú vị, tôi cũng lưu giữ. Tôi rất thích những cuộc trò chuyện, vì càng tiếp xúc nhiều, sẽ càng phát hiện được nhiều cá tính hay và những cuộc hội thoại hay để làm “vốn”.
Với công nghệ làm phim như hiện nay, vừa viết kịch bản, vừa quay, vừa phát sóng, biên kịch cũng có cơ hội để cập nhật hơi thở đời sống, những câu nói “bắt trend”, những tình huống mang tính thời sự. Bởi vậy, khi làm việc với các biên kịch, tôi thường nói với các bạn đừng quên nắm bắt khoảnh khắc cuộc sống, update những biến động thời cuộc, thậm chí cập nhật nhanh chóng những câu nói trên mạng xã hội”.
Hương Nhu