Thoại Khanh thời @

17/12/2013 - 20:15

PNO - PN - Chị Hà Thị Diễm Phúc (thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) vốn là con gái cưng của một gia đình công chức ở Mỹ Phước. Ước mơ trở thành cô giáo trường làng, nên tốt nghiệp phổ thông là chị thi ngay vào...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Thoai Khanh thoi @

Cô giáo Hà Thị Diễm Phúc và bố mẹ chồng

Về sống chung nhà chồng, hai em còn đi học, chồng công việc bấp bênh, cha mẹ lương giáo viên eo hẹp, Phúc phải tạm gác giấc mơ làm cô giáo để làm công nhân cho công ty điện tử Yasaki ở thị trấn Mỹ Phước. Vợ chồng Phúc dự tính, một là tích cóp phụ bố mẹ sửa sang lại căn nhà để các em có chỗ riêng tư; hai là Minh sẽ đi học để có bằng đại học, thay đổi công việc cho căn cơ, ổn định; ba là sinh em bé cho bố mẹ có cháu, vui cửa vui nhà…

Trong “chương trình đề ra”, chuyện Phúc đi dạy học trở lại bị phớt lờ nhưng Phúc không thôi nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo, vẫn “ngẩn ngơ” nhìn cha mẹ chồng cặm cụi bên trang giáo án. Những khi ủi áo dài cho mẹ chồng tới lớp, Phúc cứ treo lên rồi đứng ngắm mãi, không biết đến bao giờ mình mới được mặc lại chiếc áo dài. Thấy con dâu yêu nghề, vợ chồng thầy cô Trịnh Văn Trọng - Lê Thị Hồng mừng lắm. Thầy động viên con dâu thu xếp việc nhà, học đại học chuyên ngành sư phạm cho dễ kiếm việc hơn. Nghe bố mẹ nói, Phúc mừng đến rơi nước mắt. Nhưng, chưa kịp đi học thì Phúc lại cấn bầu bé Trịnh Khánh Duy.

Đó là năm 2004, thầy Trọng vừa về hưu được vài tháng. Lên chức ông chiều hôm trước, sáng hôm sau thầy bị tai biến. Do gia đình phát hiện kịp thời, cơn tai biến không cướp mất mạng sống của thầy, nhưng làm thầy bị liệt nửa người. Khi tỉnh lại, biết mình bị liệt, phải bám víu vợ con, thầy Trọng đâm cáu kỉnh, bẳn tính. Thầy hay giận dữ vô cớ. Phúc kể: “Bố thay đổi hẳn, không nói được, bố trở nên cộc cằn và gắt gỏng”. Không một lời than vãn, cô Hồng nhẫn nại chăm sóc chồng. Người đỡ đần cô nhiều nhất trong việc chăm sóc chồng là Phúc. Đang trong thời gian nghỉ thai sản nên Phúc ở nhà vừa chăm con, vừa canh chừng bố chồng. Thấy bố quá bứt rứt vì không tự chăm sóc bản thân, Phúc bàn với chồng và mẹ chồng đưa bố đi chữa trị theo Đông y. Vậy là mỗi sáng, cô Hồng đưa chồng đi châm cứu, làm vật lý trị liệu… Buổi chiều, vợ chồng Phúc thay phiên nhau chở bố đi.

 Thoai Khanh thoi @

Cô giáo Hà Thị Diễm Phúc và bố mẹ chồng

Ban đầu bố ngồi chưa vững, Phúc phải lấy đai cột bố vào người. Dần dần, Phúc quen và tay bố đỡ run hơn, chị chỉ cần dựng xe cẩn thận rồi dìu bố ngồi lên… Cả năm trời, Phúc, Minh và mẹ luân phiên nhau đưa thầy Trọng đi chữa bệnh. Ngồi chờ bố khám bệnh lâu, cơ sở chữa bệnh lại là nơi làm từ thiện, nên Phúc và mẹ cũng xắn tay vào phụ việc, lúc đưa bệnh nhân này lên giường châm cứu, lúc phụ xoa bóp cho bệnh nhân kia… Dần dà, cả hai mẹ con đều thông thạo việc chăm sóc người bệnh. Nhờ sự kiên trì của vợ con, bệnh tình của thầy Trọng thuyên giảm. Khi trò chuyện lại được, thầy khuyên hai con hãy đi học trở lại. Phúc nhường cho chồng: “Anh học trước để làm gương cho mẹ con em!”. Minh đi học, Phúc trở lại công ty tiếp tục “cày”, tích lũy cho ước mơ của mình.

Năm 2008, bệnh tình thầy Trọng đã giảm rất nhiều. Dù quên quên, nhớ nhớ, nhưng thầy vẫn nhớ rõ giấc mơ của con dâu. Một lần trong bữa cơm, thầy lập bập nói: “Phúc dù là dâu con nhưng rất tận tụy, hết lòng. Minh giờ đã thành đạt cũng nhờ công lao của vợ. Bố nghĩ đã đến lúc cả nhà phải thu xếp cho Phúc đi học lại. Phúc không được từ chối”. Nghe bố chồng nói, nước mắt con dâu cứ chảy dài…

Năm 2009, Phúc xin vào dạy ở trường tiểu học Phù Đổng ngay thị trấn Mỹ Phước. Cô giáo Phúc luôn cảm thấy tự tin vì bên cạnh còn có mẹ Hồng đã truyền cho mình tâm huyết lẫn bí quyết của cả một đời đứng trên bục giảng. Phúc ngập trong hạnh phúc khi khoác áo dài, đứng lớp…

Khi biết mình được chọn là gương Người con hiếu thảo tiêu biểu của tỉnh Bình Dương, Phúc gọi ngay cho mẹ chồng: “Mẹ ơi, chắc người ta nhầm sao đó, nhờ có ba mẹ, con mới được ngày hôm nay!”. Cô giáo Hồng cười: “Mẹ đề cử cho con ngay từ khu phố, nhầm sao được mà nhầm!”.

Phúc được bạn bè, đồng nghiệp gọi vui là nàng Thoại Khanh thời @. Đó là nàng dâu không chỉ tận tụy lo cho nhà chồng mà còn phấn đấu học tập vì sự nghiệp, tương lai. Thầy Trọng nói: “Cái được lớn nhất là Phúc biết vun vén hạnh phúc và gìn giữ ước mơ của mình bằng tất cả lòng thành. Điều đó, không phải người phụ nữ hiện đại nào cũng làm được”.

 Nghi Anh

Kỳ tới: Nhịp cầu yêu thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI