Thỏa thuận tiền bạc trước hôn nhân: Kỳ kỳ hay… thường thôi?

03/03/2019 - 18:00

PNO - Người ta đã nói “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”, nên thôi, cứ rạch ròi với nhau từ đầu cho dễ sống. Tôi ủng hộ những bản hợp đồng hôn nhân trên tinh thần văn minh, tôn trọng lẫn nhau.

“Cuộc ly hôn ngàn tỷ” của gia đình ông chủ cà phê Trung Nguyên tốn khá nhiều giấy mực báo giới và tạo làn sóng tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội. Khi khối tài sản quá lớn được mang ra tranh chấp, dư luận lập tức chia hai phe. Người bênh anh Đặng Lê Nguyên Vũ thì cho rằng, chị Lê Hoàng Diệp Thảo quá đáng, người bênh chị Thảo thì cho rằng, anh Vũ... nhỏ mọn khi tính toán với người vợ đầu ấp tay gối với mình 25 năm trời, sinh cho mình đến bốn đứa con...

Cùng lúc trên thế giới cũng đang xôn xao bởi vụ ly hôn của tỷ phú thế giới là ông chủ Amazon - Jeff Bezos. Khối tài sản 137 tỷ USD được chia đôi gọn ghẽ. Thậm chí, luật sư của vụ việc so sánh vui: "Việc ly hôn của họ có thể được xử lý nhanh như tốc độ giao một đơn hàng của Amazon vậy". 

Thoa thuan tien bac truoc hon nhan: Ky ky hay…  thuong thoi?

Hai cuộc ly hôn được đem lên bàn cân, có người khen tỷ phú Mỹ hào phóng hơn tỷ phú Việt, rồi lại khen người ta cư xử văn minh. Thực ra, chưa hẳn ở phương Tây đàn ông hào phóng hơn, mà do họ vốn phân minh chuyện tiền nong và tình ái. Họ sòng phẳng và rạch ròi ngay từ khi chưa bước vào đời sống hôn nhân.

Hôn nhân ở các nước có hai dạng: dạng không hợp đồng và có hợp đồng. Đa phần các cuộc hôn phối không hợp đồng đều từ những người trẻ tuổi, có xuất phát điểm giống nhau là cùng tay trắng hoặc có tài sản thì rất ít. Họ chỉ có tình yêu, gắn bó vì tình yêu, cùng phấn đấu nhờ tình yêu. Họ cùng làm việc, cùng vun đắp tổ ấm. Giả dụ một trong hai người không đi làm mà ở nhà chăm sóc con cái gia đình thì công sức đóng góp cũng được tính như nhau. Rất ít cặp có xuất phát điểm tài chính chênh lệch nhau, người giàu kẻ nghèo mà kết hôn không hợp đồng. 

Trong các cuộc hôn nhân không hợp đồng ở phương Tây, nếu phải ly hôn thì khối tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ được chia hai, ai nuôi con thì người còn lại phải cấp dưỡng cho con theo thỏa thuận, bất kể khi đó họ là tỷ phú hay thường dân. Vụ ly hôn của ông chủ Amazon là một điển hình như vậy, luật không có ngoại lệ vì anh giàu hay anh nghèo, trừ khi anh có thể đạt được thỏa thuận với đối phương thông qua kênh nào đó tùy anh, như vụ chia tay của anh chàng diễn viên Johnny Depp và cô vợ Amber Heard năm 2017 (Amber Heard vui vẻ nhận 7 triệu USD từ chồng cũ cùng hai chiếc xe, hai chú chó cưng và một chú ngựa).

Lập hợp đồng trước khi kết hôn ở nước ngoài là điều hết sức bình thường, nhất là ở các cặp đôi có tài sản hoặc có khả năng tạo ra tài sản. Nhiều người hiểu rằng, hôn nhân không phải điều vĩnh cửu, dù khi kết hôn ai cũng nghĩ đây sẽ là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời mình, sẽ sống bên nhau đến đầu bạc răng long, sẽ nắm tay nhau đi dạo khi mình đã lụ khụ già... 

Cuộc sống vốn không đơn giản như mình mong muốn. Tình yêu lại càng không phải là điều bất biến. Hôm nay yêu nhau nồng nàn là vậy, nhưng một ngày tỉnh giấc, nhìn người bên cạnh mình chợt thảng thốt, đây là người mình đã từng yêu và nhất định cưới sao? Bao yêu thương nồng nàn đã trôi đâu hết, theo năm tháng, theo những vụn vặt của cuộc sống và cả theo những cãi vã tầm thường bởi cơm áo gạo tiền. Không yêu nữa thì đường ai nấy đi, chia tay trong hòa bình để mỗi người đi tìm tình yêu mới, chẳng việc gì phải níu kéo giữ một gia đình không còn nồng đượm lửa yêu. Khi chưa bước vào hôn nhân, các cặp đôi nước ngoài lường trước tình huống chia tay, để chuẩn bị tinh thần bước tiếp. Họ ngồi với nhau bàn thảo từng hạng mục trong bản hợp đồng của cuộc đời mình, rạch ròi, thẳng thắn, đến mức có những cặp chẳng kịp kết hôn đã vội chia tay vì chợt nhận ra đối phương khác mình xa quá. 

Hợp đồng hôn nhân là cụm từ khá xa lạ với các cặp vợ chồng Việt Nam, bởi văn hóa Việt dường như chưa quen với việc “tiền bạc phân minh - ái tình dứt khoát”. Bạn bè với nhau rạch ròi tiền bạc có khi còn ngại, còn cả nể, đến khi thiệt thòi thì ấm ức, nên mấy ai từ đầu có thể đặt vấn đề rạch ròi với người mình sẽ cưới. Sợ bị hiểu lầm, sợ bị đánh giá “coi đồng tiền to hơn tình cảm” nên có người dù muốn cũng chẳng dám đặt vấn đề. Kết cục là, khi đã cạn tình, đáng ra có thể chia tay trong bình yên, nhưng lại đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì tiền chia không đều, đến mức chẳng còn muốn nhìn thấy mặt nhau. 

Với các cuộc hôn nhân của người Việt có yếu tố nước ngoài thì việc lập hợp đồng hôn nhân vốn không xa lạ. Đa số các cuộc hôn nhân với người nước ngoài của người Việt Nam đều được yêu cầu ký hợp đồng, với nhiều quốc gia, đó còn là yêu cầu bắt buộc. Điều khoản trong đó thế nào tùy vào tình hình tài chính của mỗi cá nhân, nhưng đa phần đều được quy định rất chặt chẽ, tình huống giả định được đặt ra cụ thể để giải quyết, sau này khi “có chuyện” cứ thế mà làm, khỏi tranh cãi. 

Tôi có nhiều bạn lấy chồng người nước ngoài, ban đầu sốc khi được đề nghị ký hợp đồng hôn nhân. Nhưng khi đọc kỹ những điều khoản thì đa phần đều ưng thuận, vì luật nước ngoài không cho phép hợp đồng bất lợi cho một phía. Mọi quyền và lợi ích các bên phải có sự cân bằng. Người vợ hoặc chồng không có tài sản, không có việc làm khi kết hôn vẫn được đảm bảo quyền lợi, đảm bảo cuộc sống trong các điều khoản của hợp đồng hôn nhân. Sau nhiều năm kết hôn, đa phần những cặp có hợp đồng lại sống với nhau thoải mái và hạnh phúc, bởi lẽ, những gì có thể phát sinh mâu thuẫn đều đã được lường trước và đề ra hướng giải quyết rồi. 

Người ta đã nói “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”, nên thôi, cứ rạch ròi với nhau từ đầu cho dễ sống. Tôi ủng hộ những bản hợp đồng hôn nhân trên tinh thần văn minh, tôn trọng lẫn nhau.

 Đan Hà

Luật sư Đinh Quỳnh Như: 

Điều 28 Luật Hôn nhân - Gia đình 2014 quy định: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”. Nếu lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận một trong các nội dung sau:

Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng.
- Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung.

-  Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có tài sản đó.

-  Theo thỏa thuận khác của vợ chồng. 

Mặc dù luật đã quy định về chế định “thỏa thuận tiền hôn nhân” như trên, nhưng trên thực tế rất ít cặp đôi mạnh dạn áp dụng. Trong quá trình hành nghề, thỉnh thoảng tôi mới nhận được yêu cầu tư vấn và giúp soạn thảo “thỏa thuận tiền hôn nhân” trong sự rụt rè và kém cởi mở từ người trong cuộc. Nếu có chăng chỉ đến từ những người được học tập, làm việc hoặc có thời gian sinh sống ở nước ngoài, đã quen thuộc và không bỡ ngỡ với khái niệm này. Cho dù đây là một quy định thiết thực và văn minh nhưng vẫn còn xa lạ với truyền thống và cách nghĩ của người Việt. 

Chúng ta thường e ngại khi đề nghị người bạn đời tương lai về việc “minh bạch tài sản”, chúng ta sợ đối phương nghĩ mình là người toan tính, nghĩ đến tài sản quá nhiều khi kết hôn. Đó là lý do dẫn đến chế định này không được áp dụng phổ biến tại Việt Nam dù đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Thúy Trâm (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI