Thỏa hiệp với con thế nào?

03/10/2015 - 08:22

PNO - Trẻ đang trong độ tuổi dậy thì thường muốn tự khẳng định mình nên mọi sự can thiệp, cấm đoán của cha mẹ đều khiến chúng bức xúc và phản kháng.

Cộng với sự khủng hoảng về tâm lý của lứa tuổi, các em hay cáu bẳn, bực mình thậm chí này sinh tâm lý chống đối, dễ có những hành động làm tổn thương người khác.Để con tự giác, vui vẻ tuân thủ những nguyên tắc và giữ được hòa khí với con, đôi khi bạn cần phải thỏa hiệp. Song, thỏa hiệp như thế nào để tránh chuyện "được voi, đòi tiên", để không phải nhượng bộ hoàn toàn không dễ.

Thoa hiep voi con the nao?
Ảnh minh họa - Shutterstock

Chị Hà Anh (Q.2): Con tôi năm nay 15 tuổi, vừa rồi cháu bày tỏ mong muốn có một chiếc điện thoại di động để liên lạc với mọi người. Yêu cầu này theo tôi là chưa cần thiết. Tôi trả lời “Mẹ nghĩ sắm điện thoại cho con bây giờ là chưa phù hợp. Việc quan trọng của con là tập trung vào học tập cho tốt đã”.

Cháu tức giận, phản ứng ngay: “Mấy bạn con đều có điện thoại cả. Đâu phải dùng điện thoại để tán tỉnh gì đâu, con còn lên mạng, còn học tập, giải quyết các tình huống xấu…”.

Cuối cùng cháu đưa ra tối hậu thư “Nếu ba mẹ không cho con, thì con không đi học nữa”. Tôi đành phải xuống nước, chấp nhận mua điện thoại với điều kiện con phải đạt danh hiệu học sinh giỏi trong học kỳ I năm học này.

Mặc dù chuyện có vẻ êm xuôi, nhưng tôi không chắc mình làm đúng hay sai. Không biết mình đang thương lượng hay thỏa hiệp với con.

Chị P.T.Hoài (Q.1): Hôm rồi tôi có trao đổi với con, năm nay, ngoài việc đi học thêm các môn văn hó a, con phải đi học thêm bơi lội và âm nhạc vào chiều thứ Bảy. Tôi chưa nói hết câu, cháu nhà tôi (14 tuổi) đã gào lên “Con không đi học đâu!”.

Tôi yêu cầu cho biết lý do, con gái hậm hực: “Sao việc quan trọng như thế mà mẹ không thèm bàn bạc với con một lời”. Tôi đành phải hứa hẹn nếu cháu chịu đi học đàn thì đầu năm mới tôi sẽ mua cho con đàn ghi ta mới, đồ bơi mới. Vậy mà cháu vẫn ậm ừ rất miễn cưỡng. Không biết con có đồng ý hay còn kiếm thêm vài điều kiện nữa...

Chị Hoàng L. (Q.Tân Bình): Dạo này con gái tôi có vẻ lạ lạ, lúc nào cũng mặc quần dài, áo dài đi ngủ. Trời nóng như thiêu, mà cứ khư khư ôm cái mền. Sinh nghi, tôi điều tra thử. Và rồi tôi phát hiện ra chuyện động trời: nó có một cái khuyên nhỏ ở rốn. Cả nhà xúm vào chép miệng, mắng nhiếc và dọa lột đi.

Tôi chưa hết sốc vì đứa em, lại sốc tiếp với thằng anh vì bênh em gái mà hét lên với mẹ: “Con chán cái nhà này lắm rồi. Ba với mẹ chỉ có biết việc của mình. Tụi con làm gì cũng bị cấm đoán.

Ba mẹ chỉ muốn tụi con sống giống y như bạn N. trong lớp, thằng M. trong hẻm. Con không thích học giỏi. Con muốn học làm DJ thì đã sao? Em con nó thích làm đẹp thì bị dán nhãn ăn chơi, lông bông, đua đòi. Ba mẹ có bao giờ hỏi coi tụi con muốn gì không? Hay chỉ có quát tháo với mắng chửi, rồi lại đổ tại công việc!”.

Tôi đã làm gì sai sao?

Bạn Thành Đ. (ĐH KT): Trước đây tôi mê hình xăm, nhìn những người xăm mình thật mạnh mẽ, cá tính. Tôi định đi xăm, nhưng chưa biết xăm gì nên mon men kể cho mẹ nghe. Tưởng bị mắng mỏ và ngăn cấm, không dè mẹ kể rằng hồi bằng tuổi tôi mẹ cũng từng mê có hình xăm nhưng chần chừ mãi vì lý do này, lý do kia.

Rồi thì phải tìm được hình xăm vừa ý, nếu không mai mốt xóa rất khó… Từ những cuộc trò chuyện với mẹ, tôi bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật xăm. Càng biết nhiều, càng không dám làm liều, tôi chờ khi nào tìm được hình xăm thật ý nghĩa và đẹp, để mình có thể tự hào về nó, để không phải tìm cách xóa đi.

Năm - sáu năm rồi, tôi vẫn chưa xăm. Nếu hồi đó mẹ không thương lượng mà la mắng, cấm đoán, chắc là tôi đã xăm… liều, hoặc ấm ức hoài vì không được sống như mình muốn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI