Thơ Việt và nửa thế kỷ cất cánh cùng đất nước

10/02/2025 - 07:34

PNO - Ngày thơ Việt Nam 2025 sẽ diễn ra vào ngày 11-12/2 (14 và rằm tháng Giêng) tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngày thơ năm nay hòa vào tinh thần chung của chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Gọi tên những thế hệ thi ca

Câu thơ trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân trở thành cảm hứng chủ đề cho Ngày thơ Việt Nam năm nay, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình (ngày 12/2). Sau 23 lần tổ chức, đây là lần đầu Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại cố đô Hoa Lư với nhiều đổi mới. Các thế hệ nhà thơ thời kháng chiến chống Mỹ, thế hệ cầm bút sau giải phóng, thời đổi mới và người viết trẻ hôm nay sẽ cùng hội tụ về đêm thơ chủ đề Tổ quốc bay lên. Tại TPHCM, Ngày thơ Việt Nam có chủ đề Bài ca thống nhất, hòa cùng nhịp điệu của chuỗi sự kiện Nguyên tiêu và hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hòa bình.

Từ năm 2024, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành hoạt động trong chuỗi sự kiện  kỷ niệm tết Nguyên tiêu của TPHCM - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
Từ năm 2024, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm tết Nguyên tiêu của TPHCM - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM

Ngày thơ tại Ninh Bình và TPHCM đều có không gian Đường thơ, tôn vinh những tên tuổi nổi bật, có đóng góp lớn cho thi đàn suốt nửa thế kỷ qua. Đường thơ tại Hoa Lư tôn vinh những tên tuổi từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật: Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Tế Hanh, Nguyễn Bính… Đường thơ tại TPHCM gọi tên các nhà thơ Hoài Vũ, Chim Trắng, Bảo Định Giang, Chế Lan Viên…

Các thế hệ nhà thơ cũng sẽ cùng xuất hiện trên các sân khấu giao lưu - từ những nhà thơ từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc: Trần Thế Tuyển, Lương Minh Cừ, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Bính Hồng Cầu… đến những cây bút thơ nổi bật của thế hệ sau này: Nguyễn Việt Chiến, Đào Phong Lan, Đinh Thị Như Thúy, Trần Đức Tín… Không gian Sân thơ trẻ qua từng năm đều có sự xuất hiện của những gương mặt mới. Sự tiếp nối thế hệ đã được nhìn thấy với những người trẻ dành tâm hồn cho thi ca và đã gặt hái nhiều thành tựu: Phùng Thị Hương Ly, Minh Anh, Trần Vĩ Hạ…

Trước thềm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23-2025, Hội Nhà văn TPHCM đã ấn hành các tuyển tập Sài Gòn của em (thơ thiếu nhi) và Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya, quy tụ những cây bút thơ từ năm 1975 đến nay: Cao Xuân Sơn, Phan Thị Vàng Anh, Thục Linh, Lê Minh Quốc, Khuê Việt Trường, Đinh Nho Tuấn… Cuộc “điểm danh thế hệ” nhìn từ mùa hội thơ cho thấy lực lượng hùng hậu những người cầm bút đã gắn bó với thi ca. Họ vẫn cần mẫn sáng tác và từng năm tháng để lại cho thi đàn những tác phẩm có giá trị: Nơi khôn thiêng của biển (Lương Hữu Quang), Sài Gòn có mấy con ve (Trung Dũng KQĐ), Yao (Lý Hữu Lương), Phục sinh (Đào Quốc Minh), Ngàn bài thơ khác (Trần Lê Khánh)…

Dòng chảy trầm mạnh mẽ

Nửa thế kỷ thi ca, nhìn lại những thành tựu từ các giải thưởng văn chương, sẽ thấy còn mãi với thời gian là Thời hoa đỏ (Thanh Tùng), Ném câu thơ vào gió (Bằng Việt), Hoa (Lãng Thanh), Giấc mơ hình chiếc thớt (Trần Quang Quý)… Đó là các tập thơ từng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI. Những năm về sau, thi đàn tiếp tục tôn vinh tác phẩm của: Thanh Thảo, Khuất Bình Nguyên, Nguyễn Thụy Kha, Đỗ Doãn Phương…

Thời chiến tranh, thơ có tính xung kích, trở thành “vũ khí” trên mặt trận tư tưởng, là “những bài ca không bao giờ tắt” trên chiến trường, qua mọi ngả đường. Ngày đất nước hòa bình độc lập, thi ca tiếp tục là những bản anh hùng ca về lịch sử dân tộc, đồng thời là tiếng lòng của thi nhân về thời đại sống, về tình yêu và thân phận con người. Trong đại dịch hay trước thiên tai, thảm họa, thơ tiếp tục khẳng định sức sống mạnh mẽ và lan tỏa những giá trị sẻ chia. Thơ cất cánh cùng giai điệu với những tác phẩm phổ nhạc đã ở lại cùng thời gian: Đất nước (thơ: Tạ Hữu Yên, nhạc: Phạm Minh Tuấn), Vàm Cỏ Đông (thơ: Hoài Vũ, nhạc: Trương Quang Lục), Ngày mai anh lên đường (thơ: Lê Giang, nhạc: Thanh Trúc), Mùa chim én bay (thơ: Diệp Minh Tuyền, nhạc: Hoàng Hiệp)…

Một số tác phẩm thi ca  ghi dấu ấn sâu đậm trên văn đàn
Một số tác phẩm thi ca ghi dấu ấn sâu đậm trên văn đàn

Trải qua rất nhiều đổi thay và có lúc bị chìm khuất giữa những dòng chảy của văn chương và sự lấn át của các lĩnh vực/nền tảng giải trí khác, thi ca vẫn lặng lẽ mạch ngầm bền bỉ. Những tập thơ, những trường ca vẫn nối nhau ra đời. Người cầm bút vẫn miệt mài sáng tác và đã có những tên tuổi tỏa sáng trong suốt nửa thế kỷ qua: Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Từ Quốc Hoài, Mai Văn Phấn, Nguyễn Phan Quế Mai, Vi Thùy Linh, Phạm Thị Ngọc Liên… Và thế hệ người cầm bút của thời đại mới đã cùng làm nên những “bước chuyển mình ngoạn mục” cho thơ khi có tác phẩm lan tỏa rộng rãi và được yêu thích trên mạng xã hội: Nguyễn Phong Việt, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Nồng Nàn Phố…

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, sẽ có tọa đàm chủ đề Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ (tại Ninh Bình) và talk show Sức trẻ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt (tại TPHCM) được tổ chức. Một lần nữa, tinh thần thi ca được khơi dậy, lan tỏa và sẻ chia giá trị đến bạn yêu thơ cả nước.

Nửa thế kỷ nhìn lại, thơ Việt dẫu là dòng chảy trầm nhưng vẫn luôn mạnh mẽ, không chỉ tạo dấu ấn trong nước mà đã có những tác phẩm vượt biên giới đến với bạn bè quốc tế: Sông núi trên vai (nhiều tác giả, xuất bản tại Ý), Cõi người (Trần Nhuận Minh, xuất bản tại Hàn Quốc), Thao thức xuân (Hồ Hữu Việt, xuất bản tại Canada), Tiếng chim hót xanh trời (Lê Thanh Bình, được Nhà xuất bản Ukiyoto tại Canada phát hành toàn cầu)…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI