Thơ thời… thị phi

04/05/2018 - 07:41

PNO - Cực hiếm có tác phẩm tạo được dấu ấn trên văn đàn, nhưng làng thơ ngày càng nhiều chuyện thị phi: đạo thơ, lùm xùm giải thưởng, phát ngôn gây sốc…

Trong khi “lớp già” thi nhau khẩu chiến trên mạng, thì an ủi thay, những cây bút thơ trẻ vẫn đang cố định vị thơ mình trong lòng độc giả.

Chỉ toàn chuyện mệt mỏi? 

Làng thơ vừa một phen dậy sóng với phát ngôn được cho là của Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: “Thơ trên Facebook là thơ rác”. Từ dòng status của nhà thơ Phan Hoàng, một cuộc ném đá “biên độ rộng” diễn ra trong phạm vi cả nước. 

Sự thật, status của Phan Hoàng không có ý khẳng định như trên. Nhưng sự xuyên tạc đã truyền đi bằng sức lan tỏa khủng khiếp của cộng đồng mạng, tạo nên thị phi mệt mỏi về vụ “ngộ độc thơ”. 

Cuối cùng, Hội Nhà văn TP.HCM phải đứng ra xử lý, buộc Phan Hoàng giải trình và xin lỗi. Hiện tại, nhà thơ Phan Hoàng cũng đã xin từ chức Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội Nhà văn TP.HCM. Sự việc tạm lắng.

Tho thoi… thi phi

Vụ lùm xùm giải thưởng của La Mai Thi Gia cũng khiến làng thơ “rung chuyển”, mà đó không phải là vụ duy nhất. Những “phi vụ đạo thơ” như vụ Phan Huyền Thư, vụ Nguyễn Phan Quế Mai và nghi án , vụ Trần Thị Thanh Long... và vô số những phát hiện đạo thơ trên các báo địa phương, những bài thơ đạo lại được trao giải thưởng… Sự việc nào cũng chìm xuồng theo cách riêng và đều khiến người yêu thơ chán ngán.

Bà Kim Dung (Đại diện Phương Nam Books): Thơ chất lượng sẽ có độc giả

Phương Nam Books đã bắt đầu in thơ kế hoạch A từ năm 2016, khởi đầu là cuốn Ngồi thấy xa xăm của Nguyễn Công Thắng. Gần đây có tập Cúc họa mi của Liêu Hà Trinh. Tác giả là MC nên cũng dễ dàng hơn trong việc phát hành. Chúng tôi vẫn đang thử nghiệm và kỳ vọng tín hiệu lạc quan với thơ trẻ. Tôi tin rằng, thơ chất lượng thì sẽ luôn có độc giả

Thơ không bị độc giả quay lưng. Khi cần, thơ vẫn là “vũ khí trên mặt trận văn hóa”. Vậy thì, lý giải thế nào cho việc làng thơ im ắng mà đầy scandal, nếu không phải vì vấn đề con người, vì những hiềm khích cá nhân, những tranh quyền đoạt lợi… mà bỏ quên sáng tạo?

Rất nhiều tên tuổi thơ buông bút, hoặc chỉ làm thơ giễu nhại, đăng Facebook cho vui. Còn lại, thật khó tìm thấy những “tiếng lòng” khiến người đọc rung cảm. Mặt khác, việc thiếu lực lượng phê bình thơ thực thụ càng khiến tác phẩm hay, dở cũng đều trôi nổi chung theo kiểu đánh giá thương thì ca tận mây xanh, ghét thì chê không thương tiếc.

Thơ trẻ "trỗi dậy"

Lần đầu tiên, nhà xuất bản (NXB) Trẻ quyết định mời các cây bút trẻ để in thơ theo kế hoạch A (NXB trả tiền cho tác giả). Gương mặt được chọn đầu tiên là Nồng Nàn Phố (tên thật là Phạm Thiên Ý).

“Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn biên tập, dự kiến sẽ ra mắt tập thơ này vào khoảng tháng 8/2018. Vì là ấn bản thơ đầu tiên được in theo kế hoạch A, chúng tôi rất muốn chăm chút để tác phẩm được trình bày đẹp, bắt mắt” - biên tập viên Tịnh Thủy của NXB Trẻ cho biết.

Tho thoi… thi phi
 

Kể từ sau tập thơ Anh ngủ thêm đi anh em phải dậy lấy chồng và Yêu lần nào cũng đau, đến nay Nồng Nàn Phố mới xuất hiện trở lại. Một thời gian dài cô lui về Đà Lạt, làm du lịch homestay vì sợ những bình luận không hay dành cho bản thân và các tập thơ trước đó. Dù vậy, Phố vẫn có lượng bạn đọc hâm mộ rất đông. Những bài thơ cô chia sẻ trên trang cá nhân luôn thu hút nhiều lượt yêu thích, chia sẻ và bình luận tích cực.

Nếu so sự im ắng của “thế hệ thơ già”, thơ trẻ vài năm qua mang đầy lạc quan. Ngoài NXB Trẻ, SaiGon Books cũng đã mạnh dạn in thơ cho Huyền Thư - cây bút đang sống và học tập tại New Zealand. Huyền Thư gây chú ý từ khi được trao giải thơ trẻ New Zealand (National Schools Poetry Award 2016) do Trung tâm Viết văn - Trường đại học Victoria tổ chức. 

Tháng 1/2018, Huyền Thư cũng đã có buổi ra mắt tập thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu? tại Đường sách TP.HCM. Thơ của Huyền Thư được đánh giá là nữ tính, giàu cảm xúc; những tâm tình của tác giả rất gần với tâm tư thế hệ trẻ, nhờ vậy dễ đi vào lòng người.

Không riêng nhà thơ Nguyễn Phong Việt, đã có những tác phẩm thơ được phát hành với con số hơn chục ngàn bản, như: Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời, Mình phải sống như mùa hè năm ấy của Nguyễn Thiên Ngân. Gần đây nhất là Du Phong. Tác phẩm in chung với Hamlet Trương của Du Phong - Có một ai đó đã đổi thay - nằm trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất Hội sách TP.HCM 2018. Lựa chọn in thơ, hoặc in kết hợp thơ - văn xuôi ngày một nhiều. Tác phẩm nào cũng được in rất đẹp, làm postcard, được các tác giả khéo léo truyền thông trên trang cá nhân.

Một số tựa sách vừa ra mắt có Em cứ sống cuộc đời của cỏ (Thúy Nhân, NXB Kim Đồng), Dưới bầu trời ngày hạ (Xuân Huy - Kỳ Muông, NXB Tổng hợp TP.HCM)… Ngày 6/5 tới, Phương Nam Books sẽ tổ chức buổi giới thiệu tập thơ Người con gái ta thương (in kế hoạch A, của tác giả sinh năm 1985 - Ngô Võ Giang Trung).

Tho thoi… thi phi

Người trẻ gần như đứng ngoài chuyện hội hè, thị phi. Họ cần mẫn sáng tác, viết bằng sự thấu hiểu những cảm xúc của lứa độc giả trẻ như họ. Đó cũng là một phần lý do khiến thơ trẻ bị đánh giá là “thơ thị trường”, “thơ thương mại”. Nhưng phải nhìn nhận rõ ràng rằng, thơ chỉ sống được khi có độc giả. Thơ được số đông đón nhận hẳn phải có riêng một giá trị.

Thơ thời thị phi rất dễ bị phán xét. Nhưng nói không quá lời, chính người trẻ mới đang cùng nhau vực dậy sức sống - dù mới ở giai đoạn khởi sắc trở lại - cho thơ, chứ không phải những tên tuổi luôn cho mình quyền chê bai người khác. 

Nhà thơ trẻ Nồng Nàn Phố (Phạm Thiên Ý): Tôi Từng sợ thơ

* Phóng viên: Nếu NXB Trẻ không chủ động mời, Nồng Nàn Phố có định tiếp tục in thơ?

- Nhà thơ Nồng Nàn Phố: Xuất bản thơ lần nữa thật sự là quyết định rất khó khăn với tôi. Trước đó, cũng có nhiều công ty mời hợp tác, nhưng chỉ cần nghĩ tới những gương mặt đang cười nhạo là tôi sợ. Tôi sợ thị phi. Những ngày mới tập tành làm thơ, tôi nhạy cảm vô cùng. Chỉ cần ai đó chê bai là tổn thương. 

Rồi thơ in ra, bao người bàn tán, mỉa mai thơ Nồng Nàn Phố chỉ viết về sex. Nghe vài nhà thơ lớn cười chê, tôi đã khóc nguyên tuần, khóa Facebook, điện thoại, bấn loạn tới mức sợ tất cả mọi thứ. Bây giờ, làm việc với NXB Trẻ, tôi vẫn thường hỏi chị biên tập viên, “thơ em có thực sự ổn không?”. Như một con chim vừa ra đời đã gãy cánh, tôi rất thận trọng cho cuốn thơ lần này. Vạn sự nhờ độc giả thôi.

* Chị đã phải cân nhắc gì cho tập thơ mới này?

- Tôi cân nhắc nhiều lắm, ngồi lựa từng bài, tự đánh giá xem bài nào hay, nên đưa vào hoặc không nên. Nhưng rồi nghĩ lại, tự hỏi, sao mình không nhờ những người hằng ngày vẫn theo dõi, đồng cảm với thơ mình chọn giùm? Chỉ sau một ngày đăng câu hỏi ý kiến, tôi nhận được gần 500 bài thơ bạn đọc yêu thích, gợi ý. Điều đó khiến tôi… đau đầu lần nữa khi chọn lọc lại, nhưng cũng làm tôi thấy vui. Bạn đọc cũng gợi ý hàng trăm tiêu đề cho tập thơ, nhưng đến giờ tôi cũng chưa dám quyết.

* Theo chị, thơ trẻ hiện nay có đủ sức tạo nên một “nền thơ mới”?

- Tôi nghĩ, thơ ca vẫn được nhiều người đón nhận, chỉ khác là cách đón nhận đã nhẹ nhàng hơn mà thôi. Còn vực dậy nền thơ ca thì không chỉ người cầm viết mà còn phải trông cậy vào độc giả, những người đủ khả năng đón nhận thơ.

* Cảm ơn Nồng Nàn Phố!

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI