Quay đầu sau lần vào rừng không có súng
|
Ông Lê Văn Hiên trong một chuyến đi rừng |
Phía tây nam huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là núi rừng, thung nọ nối khe kia sang đến huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nhà ông Lê Văn Hiên - 62 tuổi - nằm hút trong con ngõ nhỏ ở xóm 15, thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Ở góc khuất trong nhà, ông Hiên vẫn treo xương đầu con sơn dương. Ông bảo đó là “hiện vật” nhắc ông và gia đình rất nhiều điều.
Khi ông Hiên còn nhỏ, quanh nhà đều là rừng, cây cối ken dày, muông thú đông đàn dài lũ. Tiếng sơn dương, hoẵng, cầy, nhím, don, tê tê… náo động cả một góc rừng. Thỉnh thoảng, chúng còn đi kiếm ăn sát nhà dân. Trong trí nhớ của ông, hơn nửa thế kỷ trước, rừng Kim Bảng, rừng Chi Nê đã nuôi sống rất nhiều gia đình, trong đó có gia đình 8 nhân khẩu của ông.
Học lớp Bảy, ông đã 1 buổi đến trường, 1 buổi theo cha mẹ đi rừng kiếm củi, hái măng và săn bắt thú. Trong thôn, trong xã, có nhiều người làm thợ săn nên ông bỏ học để theo “nghề” này. Ông nhớ lại: “20 tuổi, tôi đã là thợ săn thực thụ. Năm 1980, tôi đi vay nặng lãi để mua 1 khẩu súng kíp, một mình xách súng đi rừng”.
Giữa thập niên 1980, giá 1 con sơn dương bằng 5 tạ thóc. Hôm nào có voọc, khỉ mang về nấu cao thì tiền bán cao còn mua được mấy tấn thóc. Ông Hiên lại là thợ săn “sát thú” nên chưa khi nào ông vào rừng mà trở về tay không. Những hôm lái buôn không đến thu mua, ông xẻ thịt rừng để bà Vũ Thị Liên - vợ ông - mang ra chợ bán. Đang săn được, ông đột ngột bỏ nghề. Quyết định đó của ông xuất phát từ những lần vào rừng mà không mang theo súng.
Năm 1994, ông Hiên nhận lời dẫn đường cho một cán bộ của vườn quốc gia Cúc Phương đi điều tra về voọc mông trắng, có chuyến vài ngày, có chuyến nửa tháng. Một lần, gặp gia đình nhà voọc, do không mang theo súng, ông Hiên thấy được cảnh voọc con quấn quýt bên mẹ, voọc cha dạy từng đứa kiếm ăn. Ông Hiên giật mình, ký ức những lần săn bắn voọc dội về.
Ông đã từng chứng kiến cảnh cả đàn voọc bỏ ăn, ủ rũ bên xác 1 con voọc bị dính bẫy. Ông cũng từng thấy mấy voọc con bé xíu kêu khóc, dụi đầu vào xác voọc mẹ, rồi cả mẹ lẫn con cùng lạnh ngắt… Ông lại nghe cán bộ vườn quốc gia trẻ măng nói chuyện thế giới từng xếp voọc mông trắng vào danh sách các loài đã tuyệt chủng, thế mà ở nước mình, người ta vẫn đem nó đi nấu giả cầy.
Chấp nhận cuộc sống vất vả
Sau chuyến đi với những đêm mất ngủ giữa rừng ấy, ông về nói với bà Liên: “Hay tôi bỏ nghề, không săn thú nữa”. Chẳng ngờ, bà Liên ủng hộ ngay: “Mình tìm việc khác đi, vất vả hơn cũng được ông ạ. Ông nói tôi mới dám kể, chứ mỗi lần phải nấu cao khỉ, voọc, tôi cũng sợ lắm. Nhìn nó, có khác gì người đâu. Lần nào nhìn ông làm thịt chúng, tôi cũng nghĩ đến trẻ con”. Ông Hiên nghe vậy, rơm rớm nước mắt.
Vợ chồng ông Hiên mướn thêm ruộng, quần quật từ mờ sáng đến tối mịt mà vẫn không đủ chi tiêu. Vài người bảo quay lại “nghề” rừng. Ông Hiên thú nhận, nhìn cảnh vợ con thiếu thốn, kham khổ, có lúc ông cũng muốn quay lại nghề cũ, nhưng bà Liên và các con chấp nhận sống thiếu thốn, không muốn ông giết thú rừng. Nghe vợ con can ngăn, ông Hiên thấy vững tâm. Ông xin đi làm phu đá, đục núi, nổ mìn trong 2 năm.
Đến một ngày, ông Nadler Tilo - người Đức, chuyên bảo vệ loài voọc mông trắng và cứu hộ linh trưởng tại Việt Nam - đã tìm gặp ông Lê Văn Hiên và đề nghị ông tham gia giữ rừng, bảo vệ linh trưởng cùng các loài hoang dã. Ông Hiên nhận lời ngay. “Lương tháng chỉ bằng nửa lương làm đá, nhưng tôi nhận lời ngay, bởi tôi biết đó là cơ hội để mình chuộc tội với rừng già, với tự nhiên”.
|
Theo ông Lê Văn Hiên, chính sự sinh sôi của loài voọc mông trắng, sự sum suê trở lại của núi rừng mới thực sự cứu rỗi cuộc đời ông, làm ông vơi đi day dứt |
Và tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng ra đời với 6 thành viên, ông Hiên làm tổ trưởng. Nhắc lại ngày quyết định tham gia bảo vệ rừng, ông Hiên nói: “Khoác lên người bộ quần áo xanh, tôi hiểu mình phải nỗ lực vượt qua khó khăn, nỗ lực giữ rừng, bảo vệ động vật hoang dã gấp nhiều lần để bù cả quãng mười mấy năm sát hại rừng”.
Chân còn vững là còn đi rừng
Những ngày đầu, gia đình lo ông trượt chân rơi xuống vực, lo ông phải đối mặt với cánh thợ săn. Bước chân lạ rồi sẽ quen, những thung Ba Bậc, Thần Chết, Cơm Tám… ông đều thuộc như lòng bàn tay. Chỉ mối nguy hiểm từ thợ săn là còn lay lắt mãi.
4 năm trước, tổ bảo vệ phát hiện nhóm thợ săn; họ có súng, các ông thì không. Anh em trong tổ bàn nhau hô thật lớn: “Có kiểm lâm”. Nhóm thợ săn vứt súng kíp bỏ chạy. Mấy hôm sau, ông Hiên nhận được tin nhắn đe dọa: “Để xem mày làm cái nghề này được đến bao giờ”. Năm 2020, ông lại nhận lời đe dọa: “Nồi cơm của bọn tao bị chúng mày đập mất. Giờ mày tính thế nào?”. Ông Hiên bảo: “Lúc đầu cũng lo lo, vì tôi từng là thợ săn nên hiểu trường hợp nào nguy hiểm, trường hợp nào không. Nhưng sau tôi nghĩ, mình làm đúng quy định, đúng luật pháp thì không có gì phải sợ. Dần dần vợ con cũng quen”.
Số người của tổ bảo vệ rừng không đổi, nhưng thành viên đến rồi đi thì nhiều. Riêng ông Hiên, gần 30 năm qua, chưa khi nào ngơi bước chân khắp núi rừng Kim Bảng. Ông cùng anh em đi gỡ bẫy thú, theo dõi voọc mông trắng cùng các loài thú rừng, phát hiện mối nguy hại nào là báo ngay cho kiểm lâm để xử lý.
Dạn dày kinh nghiệm, nhiều năm qua, ông Hiên biết ngồi trên vách núi nào là quan sát được động vật ở nhiều núi khác. Chỗ nào không có vách núi thì ông leo lên ngọn cây cao. Cung đường gần 30 năm của ông không có lối mòn. Đi tới đâu, ông phát những dây leo ven núi đá tai mèo tới đó. Có khi, thấy cây búp chua là ông chừa lại, vì “cây này khỉ, voọc hay ăn”. Ông giải thích: “Chỗ nào đá chồng nhiều, bước lên là có khi đá sụt cả tòa, nguy hiểm lắm. Nắng đi mệt hơn, nhưng lại đỡ mất sức hơn trời mưa vì khi mưa, phải gồng hết sức mình để bám vào vách đá”.
Ông khoe, khi ngắm được 1 gia đình voọc qua ống nhòm, thích lắm. Khi dẫn con đi ăn, voọc mẹ gọi voọc voọc. Khi bị đánh động, nó kêu khoẹc khoẹc. Sáng ra, con đầu đàn đu văng khỏi hang khoảng 15m, thấy an toàn là nó kêu bzịt bzịt để cả đàn theo sau. Con đầu đàn sẽ ngồi trên mỏm đá hoặc ngọn cây để canh cho cả đàn ăn…
Ông hồ hởi khoe, từ năm 2016 đến nay, voọc mông trắng sinh sôi nhiều, có đàn 12-13 cá thể: “Chúng tôi quay được hình ảnh voọc ở nhiều lứa tuổi. Voọc con lông vàng, lớn lên mới chuyển sang màu đen và trắng. Cầy, cáo cũng xuất hiện trở lại. Nhiều khi đi mệt nhưng quay được đàn voọc hay chỉ quay được con chim quý là tối về, mấy anh em tập trung xem lại hình ảnh. Núi rừng sum suê trở lại, tôi cũng phần nào tự hào chứ, vì mình đã đóng góp được ít nhiều cho sự sinh sôi đó”.
Nghe hỏi về tuổi hưu, ông Hiên cười: “Giờ mỗi tháng, tôi vẫn đi đủ 20 ngày. Có khi 1 ngày đi 2 lần. Tôi chưa nghĩ đến chuyện nghỉ đâu. Chân còn bước được ngày nào là ngày đó tôi còn tham gia bảo vệ rừng”.
Những thông tin, hình ảnh do ông Lê Văn Hiên thu thập được là những tư liệu quý giúp các nhà khoa học, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) xác định quần thể voọc mông trắng lớn thứ hai thế giới tại rừng Kim Bảng (sau quần thể lớn nhất tại tỉnh Ninh Bình). Nhờ sự đóng góp của tổ bảo vệ rừng do ông Lê Văn Hiên làm tổ trưởng, số lượng voọc được ghi nhận ở huyện Kim Bảng đã phát triển từ 40 cá thể đến hơn 100 cá thể. Năm 2021, FFI đã trao quyết định của Quỹ bảo tồn Disney (Mỹ) vinh danh ông Lê Văn Hiên là “anh hùng bảo tồn”. Trước ông Hiên, năm 2017, ông Hoàng Văn Tuệ (cán bộ kiểm lâm tỉnh Hà Giang) là người Việt Nam đầu tiên được FFI đề cử và được Quỹ bảo tồn Disney trao danh hiệu này. |
Minh Tuệ