|
Bác sĩ Trần Hòa đang khám tầm soát cho bệnh nhân 38 tuổi bị tăng huyết áp - Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Trẻ khỏe nên… bỏ qua
Bộ Y tế ước tính hiện có khoảng 12 triệu người trưởng thành đang mắc bệnh tăng huyết áp. Đáng lo ngại, hầu hết họ còn thờ ơ với căn bệnh này, khiến bản thân rơi vào nguy hiểm. Thống kê từ Hiệp hội Tim mạch Việt Nam cho thấy, tỉ lệ người trẻ tăng huyết áp đã tăng gấp đôi so với những năm trước.
“Nếu như trước đây, tăng huyết áp chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, thì hiện tại người trưởng thành đã có nguy cơ mắc các vấn đề về tăng huyết áp. Đặc biệt từ 30-40 tuổi đã bắt đầu có bệnh lý nhưng còn chủ quan không hoặc bỏ ngang điều trị, chỉ uống thuốc khi thấy có triệu chứng. Bệnh viện đã nhiều lần cấp cứu cho bệnh nhân còn rất trẻ chủ quan với tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, trụy tim mạch…” - bác sĩ Trần Hòa chia sẻ.
Anh T.Q.H. (36 tuổi) là giảng viên một trường đại học ở TPHCM, đã suýt tử vong bởi nhồi máu cơ tim. Tuy may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, anh H. vẫn đang phải tập vật lý trị liệu bởi yếu liệt tay chân. Gần 10 năm trước, anh H. cũng phải vào bệnh viện cấp cứu vì huyết áp tăng đột ngột. Sau khi hồi phục, bác sĩ đã tư vấn điều trị, cách theo dõi bệnh nhưng anh không tuân thủ.
Bác sĩ Trần Hòa nói thêm: “Người bệnh cho rằng mình có sức khỏe tốt, không thường xuyên đau đầu, chóng mặt, nên không cần uống thuốc duy trì, chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống nếu cảm thấy mệt mỏi, đau nhức. Điều này rất nguy hiểm, bởi tăng huyết áp diễn tiến âm thầm, làm ảnh hưởng lên hệ tim mạch, mạch máu của anh H. cho đến khi biến chứng thành nhồi máu như bây giờ”.
Chị N.T.T. (28 tuổi, ở quận Bình Thạnh) cũng không ngờ bệnh tăng huyết áp có thể khiến mình phải cấp cứu ngay trong đêm. Chị được chẩn đoán tăng huyết áp từ khi 20 tuổi, bác sĩ có dặn đo huyết áp thường xuyên, nếu chỉ số bất thường thì phải ghi lại, thông báo cho bác sĩ ở những lần tái khám định kỳ. Năm đầu, chị rất tuân thủ nhưng do bận đi học, đi làm, chị không theo dõi huyết áp thường xuyên. Chị kể: “Lâu dần, tôi cảm thấy bình thường rồi quên luôn. Ở nhà, tôi vẫn thủ sẵn một vỉ thuốc huyết áp, nếu mệt, thở không nổi thì uống. Hôm cấp cứu là do chồng tôi đi tiệc về trễ. Tôi rất giận, rồi chóng mặt, mệt tim và ngất xỉu”.
Hiện tại, sức khỏe chị T. đã dần bình phục. Tuy nhiên, bác sĩ cần thực hiện các chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ tổn thương về tim mạch, thận...
Diễn tiến âm thầm và “bùng nổ”
Bệnh tăng huyết áp diễn tiến âm thầm cùng với sự chủ quan không đi khám bệnh ở người trẻ là nguyên nhân khiến bệnh ngày càng phổ biến, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Theo bác sĩ Trần Hòa, 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không có triệu chứng gợi ý, bệnh diễn ra thầm lặng, gây ra các biến chứng mạn tính làm bệnh nhân liệt, yếu, mất khả năng lao động, hoặc mù lòa nếu bị tổn thương võng mạc do tăng áp lực máu. Có bệnh nhân bị suy thận, suy tim ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Một khi huyết áp lên cao, không kiểm soát kịp, người bệnh sẽ rơi vào các biến chứng cấp tính có thể xảy ra như đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim… dẫn đến tử vong nhanh chóng. Càng đáng tiếc hơn khi người bệnh không biết bản thân mình mắc bệnh, cho đến khi bị đột quỵ. Đây là tình trạng đáng báo động trong việc kiểm soát huyết áp của bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Hòa cho hay: “Với bệnh tăng huyết áp, ai cũng có thể làm bác sĩ, phát hiện được bệnh cho bản thân mình và gia đình. Chỉ đơn giản trang bị một máy đo huyết áp và biết cách sử dụng nó. Chính vì vậy, đừng bỏ qua việc tự tầm soát khi bạn đã ở độ tuổi trưởng thành (18 tuổi trở lên)”. Đặc biệt, với những người có cha mẹ, hoặc người thân mắc cao huyết áp, người thừa cân, béo phì, người mắc các bệnh lý như tim mạch, bệnh thận, tiểu đường... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Các bác sĩ cũng lưu ý người thích ăn mặn, nhiều dầu mỡ, thiếu rau xanh, trái cây, ít vận động, có thói quen uống rượu bia; người luôn trong trạng thái căng thẳng, stress, làm việc quá sức, chịu nhiều áp lực... nên đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ tư vấn theo dõi, kiểm soát huyết áp.
“Một khi bị tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Tránh các sai lầm như ngưng thuốc khi thấy huyết áp ổn định, tự ý tăng, giảm liều thuốc khi thấy các triệu chứng bệnh đang giảm, bỏ tái khám, hay uống kết hợp với những thuốc huyết áp khác ngoài toa thuốc của bác sĩ điều trị chính... vì càng làm cho huyết áp tăng bộc phát và “bùng nổ”. Lúc này việc cấp cứu, điều trị sẽ rất khó khăn” - bác sĩ Trần Hòa nói.
Chỉ số huyết áp cho người trưởng thành Trẻ từ 15-19 tuổi: trung bình là 117/77 mmHg và mức tối đa là 120/81 mmHg. Người từ 20-24 tuổi: huyết áp bình thường từ 108/75 - 120/79 mmHg, không quá 132/83 mmHg. Người từ 25-29 tuổi: mức an toàn từ 109/76 - 121/80 mmHg, không quá 133/84 mmHg. Người từ 30-34 tuổi: mức an toàn từ 110/77 - 134/85 mmHg. Người từ 35-39 tuổi: mức bình thường từ 111/78 - 135/86 mmHg. Người từ 40-44 tuổi: mức bình thường là 125/83 mmHg. Thay đổi lối sống để tránh cao huyết áp Theo bác sĩ Trần Hòa, tỉ lệ người trẻ tuổi mắc cao huyết áp tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Ước tính, có tới 10 - 15% người trẻ trong độ tuổi 20-35 gặp vấn đề về huyết áp. Con số này thậm chí còn cao hơn ở những thành phố lớn, nơi có cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực. Hầu hết người trẻ mắc cao huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số người cảm thấy nhức đầu thường xuyên, nhất là vào buổi sáng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp... Họ thường chịu đựng và chỉ uống thuốc điều trị triệu chứng, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, người trẻ cần thay đổi lối sống như chế độ ăn lành mạnh, nhiều dinh dưỡng, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, khám sức khỏe định kỳ. Trong cuộc sống nhanh, năng động và nhiều thử thách như hiện nay, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách sau giờ làm nghe một bản nhạc, tập yoga, đi cà phê với bạn bè... tránh để căng thẳng, áp lực kéo dài, hạn chế rượu bia, thuốc lá. |
Phạm An