Thổ Nhĩ Kỳ tự tạo ra "món quà từ thượng đế" dành cho mình?

17/07/2016 - 19:52

PNO - Có nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, vụ đảo chính hôm 15/7 thực chất là một cuộc dàn dựng của tổng thống Erdogan nhằm thâu tóm quyền lực và triệt hạ những 'cái gai trong mắt' mình.

Hai ngày hôm nay, mạng xã hội đang tràn ngập những lời đồn rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dàn dựng một cuộc đảo chính giả, sau khi ông gọi sự việc này là “món quà do thánh Allah ban tặng”.

Nhiều người đã dùng dòng hashtag #TheaterNotCoup (tạm dịch "Là phim chứ chẳng phải sự thật") để thể hiện sư nghi ngờ của mình, rằng liệu vụ việc có phải là một trong những nước cờ của ông Erdogan nhằm giành kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Tho Nhi Ky tu tao ra
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ leo lên xe tăng phản đối cuộc đảo chính đêm 15/7

Một phóng viên tạp chí Politico (Mỹ) Ryan Heath tiết lộ rằng, nguồn tin từ một người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng toàn bộ cuộc đảo chính thực tế là được dàn dựng.

Chính quyền có thể liên lạc với bất kỳ ai ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng tin nhắn và ông Erdogan có thể “dọn dẹp” quân đội nổi dậy và áp đặt những chính sách cứng rắn đối với tòa án tối cao và quân đội mà quốc hội không có quyền can thiệp.

Theo đó, ông Erdogan sẽ lợi dụng cuộc đảo chính bất thành khiến 265 người chết và hơn 2.000 người bị thương này giống như vụ trùm phát xít Adolf Hitler dùng vụ hỏa hoạn tòa nhà quốc hội Đức vào năm 1933. Hitler đã dùng sự kiện này để có cơ xóa bỏ quyền lợi của công dân và tổ chức bắt bớ hàng loạt.

Giả thuyết này là hoàn toàn có cơ sở. Những tháng gần đây, lãnh đạo các nước phương Tây đã tỏ ra không hài lòng khi ông Erdogan thực hiện hàng loạt những vụ bắt giữ nhà báo, thay đổi luật để kết tội những người chống đối để thâu tóm gần như toàn bộ quyền kiểm soát trong hệ thống nhà nước trung ương với sự giúp đỡ của Thủ tướng Binali Yildirim.

Cựu Thủ tướng David Cameron từng nói rằng ông không muốn để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU khi đất nước đang dần được vận hành bởi một nhà nước chuyên quyền.

Tho Nhi Ky tu tao ra
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, vị trí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã được củng cố sau vụ đảo chính này, trong khi châu Âu thì đang lo ngại cho tương lai của chính mình.

Mỹ sẽ gặp khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ là bệ phóng chủ lực để máy bay Mỹ hoạt động ở Syria và Iraq. Nếu chính quyền Ankara sụp đổ, Mỹ sẽ không thể sử dụng căn cứ không quân Incirlik và chiến dịch chống IS sẽ rơi vào bế tắc.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 2.800 binh sĩ và 2.745 thẩm phán được cho là đã tham gia đảo chính lật đổ chính quyền của ông Erdogan. Hiện vẫn chưa rõ những người này có thuộc đảng đối lập hay không, nhưng có thể nói rằng nhiều đối thủ của ông Erdogan giờ đây không còn có thể theo đuổi sự nghiệp chính trị nữa.

Một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Cuộc đảo chính bất thành này sẽ là ngòi nổ để Erdogan có thể thực hiện một cuộc thanh trừng thực sự, và những gì còn sót lại của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ”.

Giáo sĩ lưu vong tố ngược chính phủ

Ông Fethullah Gulen, người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính cũng cho rằng vụ việc này thực chất là do chính quyền ông Erdogan dàn dựng.

"Tôi không tin thế giới tin vào cáo buộc của Tổng thống Erdogan", Guardian dẫn lời ông Gulen nói, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi hôm qua với một nhóm nhỏ phóng viên tại nhà ở làng Saylorsburg, bang Pennsylvania. "Có khả năng đó có thể là một cuộc đảo chính dàn dựng và nó có thể nhằm tiếp tục cáo buộc những người theo phong trào Gulen".

Tho Nhi Ky tu tao ra
Ông Gulen bác bỏ lời tố cáo của Tổng thống Erdogan. Ảnh: Reuters

Phong trào Gulen là một phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia hình thành và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980, dưới sự dẫn dắt của giáo sĩ Gulen. Bắt đầu từ năm 2013, 'tình bạn' của Tổng thống Erdogan và giáo sĩ này đã xuất hiện những vết rạn nứt nghiêm trọng bởi những bất an về quyền lực. Và kể từ đó ông Erdogan luôn tìm mọi cách để tiêu diệt 'tay chân ' của giáo sĩ Gulen thuộc phong trào này.

Sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, ông Gulen bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp quân sự, cho rằng bản thân ông đã phải chịu đựng sau các cuộc đảo chính những năm 1990. "Sau các cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã chịu áp lực và bị bỏ tù. Tôi đã bị xét xử và đối mặt với nhiều hình thức quấy rối", ông nói. "Giờ thì Thổ Nhĩ Kỳ đang trên con đường dân chủ, nước này không thể quay đầu lại".

Khi được hỏi liệu ông có quay lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu cuộc đảo chính thành công hay không, Gulen nói: "Thực sự tôi rất nhớ quê hương. Nhưng có một yếu tố quan trọng khác, đó là tự do. Tôi ở đây, tránh xa những rắc rối chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và tôi sống với tự do của mình".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua phát biểu tại Istanbul, kêu gọi người đồng cấp Mỹ Barack Obama bắt ông Gulen và trục xuất về quê hương. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết phía Washington chưa nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức nào, đồng thời cho biết Mỹ sẽ chỉ hành động nếu có bằng chứng chống lại ông Gulen.

Minh Đức (TH)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI