Thổ Nhĩ Kỳ đổi chiều quan hệ với Nga, EU?

30/05/2016 - 07:57

PNO - Tân Thủ tướng Ankara đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, điều này hứa hẹn chính sách đối ngoại của Ankara sẽ có nhiều biến chuyển mới với Nga, EU.

Trong một động thái nhằm tăng quyền lực của Tổng thống tayyip Erdogan, Reuters dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Kahraman ngày 29/5 tuyên bố với 315 phiếu thuận và 138 phiếu chống, Chính phủ của Thủ tướng Binali Yildirim cùng ngày đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Ông Binali Yildirim là một trong những đồng minh thân cận của của ông Erdogan và là nhà đồng sáng lập Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.

Ngoài ra, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thông qua chương trình lập pháp của ông Yildirim.

Tho Nhi Ky doi chieu quan he voi Nga, EU?
Thủ tướng Binali Yildirim.

Ông trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ông được bầu làm Chủ tịch AKP tại đại hội bất thường của đảng này diễn ra ngày 22/5 vừa qua.

Trước việc ông Yildirim lên nắm quyền thay thế cựu Thủ tướng Ahmet Davutoglu khiến cho Ankara sẽ có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại với châu Âu, Nga, Syria hiện nay. Ngay từ trước khi chính thức nhậm chức ông đã thể hiện rất rõ quan điểm về đường lối này.

Tại Đại hội đảng Công lý và Phát triển cầm quyền diễn ra hôm 22/5, ông Binali Yildirim đã một lần nữa khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cần một Hiến pháp mới: “Điều quan trọng nhất mà tôi phải làm lúc này đó là hợp thức hóa tình hình chính trị hiện nay và chấm dứt những quan niệm mơ hồ. Một hiến pháp mới và một thể chế Tổng thống cầm quyền là con đường để làm được điều này”.

Ông Yildirim cũng cho biết sẽ tiếp tục chính sách của Tổng thống Erdogan, đặc biệt là trong việc hối thúc Liên minh châu Âu chấm dứt "cách tiếp cận mơ hồ" về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về khả năng này.

“Liên quan tới chính sách đối ngoại, dù có trở thành thành viên của Liên minh châu Âu hay không, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tiếp tục tiến hành những thay đổi cần thiết để thúc đẩy nền dân chủ, nhân quyền và tự do, đây cũng chính là những gì mà chúng ta đã và vẫn đang làm”, ông Yildirim nói.

Vấn đề gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những khúc mắc chính giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu sau khi hai bên đạt được thỏa thuận về vấn đề nhập cư hồi tháng 3 vừa qua và cũng là một trong những bất đồng chính trị lớn giữa Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Davutoglu. Hiện nay, văn kiện đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Tân Thủ tướng Yildirim còn gợi ý về một sự thay đổi toàn diện trong chính sách đối ngoại của nước này bằng cách khôi phục lại quan hệ với các quốc gia như Nga, Israel và Ai Cập trong tương lai gần.

Tho Nhi Ky doi chieu quan he voi Nga, EU?
Tân Thủ tướng Yildirim mong muốn mối quan hệ Nga - Thổ sẽ được khôi phục.

Mới đây, trong bài phát biểu về chương trình hoạt động của Nội các mới tại Quốc hội, Thủ tướng Yildirim cam kết sẽ có những nỗ lực để "bình thường hóa quan hệ và phát triển quan hệ với Nga dựa trên những lợi ích chung" bằng cách duy trì việc mở các kênh đối thoại song phương.

Đồng thời ông cũng có kế hoạch củng cố quá trình hợp tác kinh tế và chính trị với khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách thiết lập quan hệ đối tác công nghiệp đặc biệt với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thủ tướng Yildirim cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ của ông sẽ tăng cường quan hệ kinh tế với Iran sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran được dỡ bỏ trong thời gian qua.

Như vậy, việc đưa người đồng minh chính trị của mình lên nắm quyền sẽ khiến cho vây cánh của Tổng thống Ankara cũng như AKP thêm nhiều sức mạnh. Đường lối đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn sẽ mềm mỏng với với Nga, và cứng rắn hơn với Liên minh châu Âu trong vấn đề người tị nạn hiện nay.

Minh Khánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI