Thơ mộng Đam Rông

10/11/2024 - 08:43

PNO - Chúng tôi bắt đầu chuyến thăm Đam Rông từ thành phố Đà Lạt. Xem trên bản đồ thì 2 địa điểm cách nhau hơn 100km, qua 2 ngọn đèo quanh co lắt léo. Chúng tôi đi về hướng đèo Tà Nung, ngang qua chùa Linh Ẩn, thác Voi ở thị trấn Nam Ban, vào Phi Tô rồi rẽ ra Quốc lộ 27 tại ngã ba Đạ Đờn, băng qua sông Đạ Dâng lên đèo Phú Sơn, tiến về Đam Rông.

Một góc Đam Rông
Một góc Đam Rông

Núi giang tay núi, mây chập chùng mây

Cùng một ngọn đèo nhưng phía bên này có tên Phú Sơn thuộc huyện Lâm Hà dân cư đông đúc, vừa qua đỉnh đèo lại là Phú Mỹ thuộc huyện Đam Rông, chỉ lác đác vài mái nhà thấp thoáng giữa điệp trùng rừng thẳm. Những cung đèo ngoằn ngoèo gối đầu lên nhau, miên man một màu xanh hun hút. Vài dải mây trắng vắt vẻo lưng chừng như dải lụa mềm điểm tô dáng núi, đôi lúc lại ôm ấp đỉnh non xanh, xóa mờ ranh giới giữa trời và đất.

Từ trên đèo Phú Mỹ nhìn xuống, hồ nước Phi Liêng tĩnh lặng in bóng mây trời. Đây là hồ nước tưới tiêu của cả vùng, được ví là hồ Tuyền Lâm 2. Xung quanh hồ, những triền cà phê, vườn cây trái xanh mướt thoai thoải vây quanh. Làng xóm quây quần, quang cảnh nhộn nhịp. Cạnh hồ có vài chòi cà phê câu cá.

Qua hết khu dân cư, đến đèo Chuối khúc khuỷu những đoạn cua tay áo, một bên vực một bên đồi, bạt ngàn thông xanh. Dưới chân đèo là một cụm dân cư khác. Những ngày rong ruổi trên các nẻo đường Đam Rông, tôi thấy cảnh sắc ấy cứ lặp đi lặp lại, qua núi đến làng, nơi này cách nơi kia một vài dãy núi. Anh bạn dẫn đường cho biết, do địa hình đồi núi, người dân nơi đây sống thành từng cụm cách nhau từ 30 đến 60km núi đồi.

Một chú cá tầm trong trại Việt Đức
Một chú cá tầm trong trại Việt Đức

Trung tâm huyện bắt đầu từ khu rừng bằng lăng vài trăm năm tuổi, thân gỗ trắng ngần vươn lên cao vút như muốn chạm vào mây. Chính vì khu rừng này mà nơi đây còn có tên Bằng Lăng, nghe hết sức thơ mộng. Trước khi đến đã nghe sầu riêng Đam Rông ngon nổi tiếng, nên lúc đi dạo, chúng tôi tranh thủ thưởng thức những trái sầu riêng chín rụng thơm lừng, béo ngậy, giá chỉ bằng 2/3 giá tại Đà Lạt.

Đam Rông nuôi cá tầm khá nhiều bởi điều kiện khí hậu phù hợp, lại là vùng đầu nguồn, các dòng sông con suối trong vắt quanh năm cuồn cuộn chảy. Một người dân địa phương đưa chúng tôi vào xã Liêng Srônh cách trung tâm huyện 7km để tham quan trại cá tầm Việt Đức. Tại đây, chúng tôi nhìn thấy nhiều hồ phân loại theo trọng lượng cá, từ vài ký đến năm bảy chục ký. Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn bể cá tầm to “khủng”, ông chủ giải thích, chúng là cá giống vừa nhập về, rồi cho người xuống bắt lên cho chúng tôi xem. Một cú quẫy của những con cá to lớn ấy có thể đẩy ngã một người đàn ông lực lưỡng.

Đây còn là khu du lịch sinh thái, quán cà phê, homestay nghỉ dưỡng. Khu đất hơn 10ha men theo con suối, bao quanh bởi dải đồi. Ông chủ cho biết nơi đây khai thác du lịch theo hướng bền vững, giữ cảnh quan thiên nhiên và màu xanh cho đất, cho rừng.

Rời trang trại cá tầm, chúng tôi đến vườn ớt chuông, cà chua trong nhà kính. Những chùm trái lúc lỉu đỏ lựng dưới tán lá xanh um, phía trên là hệ thống tưới tiêu tự động.

Thưởng lãm lễ cưới của người M’nông

Nhà thờ đá Đạ Tông
Nhà thờ đá Đạ Tông

Trong dịp đến đây, chúng tôi may mắn được thưởng lãm chương trình tái hiện lễ cưới của người M’nông - một dân tộc sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên. Từ trung tâm huyện, vượt qua 30km đèo dốc, chúng tôi đến xã Đạ Tông để xem lễ cưới. Khác với phong tục của đa số người đồng bào là vợ đi bắt chồng, tục thách cưới, mở tiệc gây tốn kém, với người M’nông, chồng đi hỏi vợ, sính lễ được 2 bên gia đình bàn bạc và thống nhất sao cho phù hợp, đặc biệt là không ăn uống linh đình. Nghi thức gồm có lễ Kep môi (lễ dạm ngõ), lễ Hwoang bau (lễ ăn hỏi), lễ Lèh tàm bau (lễ cưới), bày tỏ sự tôn kính đối với thần linh, lòng biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ 2 bên. Cô dâu chú rể nhận lời chúc phúc của họ hàng, cùng nghi thức thể hiện sự gắn kết trọn đời.

Chúng tôi còn được xem tiết mục cồng chiêng, múa xoang của người M’nông. Các chàng trai, cô gái, bô lão biểu diễn hết sức nhịp nhàng. Tiếng chiêng trầm vọng đưa người xem về với buôn làng, về với nếp văn hóa lưu truyền từ ngàn năm của người đồng bào.

Nghi thức uống rượu chúc mừng cô dâu chú rể trong lễ cưới M’nông
Nghi thức uống rượu chúc mừng cô dâu chú rể trong lễ cưới M’nông

Trưa đó, chúng tôi ăn món địa phương. Chén cơm thơm lừng bên dĩa rau xào, thêm đặc sản cà đắng cá suối và măng Đam Rông. Những mụt măng lấy từ rừng giòn ngọt không sao tả được.

Ăn uống no nê, cô gái người M’nông tên K Dim đưa chúng tôi đi thăm thủy điện Krông Nô 3. Con đường nhỏ băng qua những ngọn đồi xanh ngát, rừng hào phóng ban tặng những đợt gió mát rượi, xua tan cái nắng chói chang. Hồ Krông Nô yên bình soi bóng mây ngàn, xa xa là cửa đập và nhà máy phát điện nổi bật giữa màu xanh non nước.

Trên đường về, K Dim dẫn chúng tôi ghé vào giếng nước nóng của làng - một tặng phẩm diệu kỳ mà thiên nhiên ban tặng. Thanh niên, phụ nữ đứng xung quanh giếng múc nước tắm; các ông bố bà mẹ dẫn con ra đùa nghịch; vài cô bé cậu bé mang bình ra múc nước về tắm cho em nhỏ ở nhà. Một cảnh tượng mộc mạc mà lâu lắm rồi tôi mới được chiêm ngưỡng. K Dim nói giếng này dành cho dân làng, chỗ gần thủy điện Krông Nô mới là khu du lịch có tên suối khoáng nóng Daana, dự kiến khi con đường Đông Trường Sơn hoàn tất sẽ chính thức hoạt động.

Ông NTơr Ha Bang thổi kèn bầu
Ông NTơr Ha Bang thổi kèn bầu

Những ngày sau đó, chúng tôi lang thang trên những đèo dốc luồn lách giữa bát ngát rừng, len lỏi vào các buôn làng tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào bản địa (người M’nông, K’ho, Mạ…), khám phá những công trình tôn giáo. Một công trình đặc sắc mà chúng tôi ghé thăm là nhà thờ đá Đạ Tông với kiến trúc thật độc đáo.

Chúng tôi gặp ông N’Tơr Ha Bang - một trong những nghệ nhân lão niên, tài hoa bậc nhất trong nghề đan lát của vùng. Nhà ông trưng bày khá nhiều sản phẩm túi xách, nia, rá, rổ, gùi, bình đựng rượu cần, nơm, rọ bắt cá… với những hoa văn vừa sinh động vừa tinh tế. Ông nói những vật liệu này phải vào tận rừng sâu để lấy; sản phẩm làm ra, ngoài dùng trong sinh hoạt hằng ngày và lao động sản xuất còn dùng để trang trí, trưng bày, biếu/tặng và làm quà hồi môn trong lễ cưới. Chúng có độ bền từ 10-20 năm.

Những ngày ở đây, tôi thích đi bộ trên các con đường xanh ngát, ngước nhìn dãy núi ẩn hiện dưới làn sương bảng lảng, lắng nghe giai điệu rộn ràng của đàn chim ríu rít gọi bầy, mục kích vài con bướm to hơn bàn tay thong thả đậu trên triền cỏ dại để cảm nhận một miền đại ngàn trong trẻo, yên bình.

Tuyến xe buýt Đà Lạt - Đam Rông đi từ Quốc lộ 20 qua ngã ba Liên Khương, đến Quốc lộ 27, vào tận xã Rô Men, trung tâm huyện.

Hoàng Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI