Đi qua quốc lộ 46B (đoạn qua xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) những ngày này dễ nhận ra các cơ sở làm trống bởi không khí náo nhiệt, âm vang của những tiếng trống đủ chủng loại được chủ và khách thử trước lúc mua bán vang vọng lại từ xa. Dọc quốc lộ, trống được chủ các cơ sở chất thành từng đống lớn hai bên đường.
“Âm này chưa ổn lắm, con căng da thêm chút nữa” - ông Phan Văn Cư nói với cậu con trai. Người đàn ông 59 tuổi này cho hay đây là nghề cha truyền con nối. Nhà có 3 người con, trừ cô con gái thứ thì cả 2 người con trai đều kế nghiệp của bố, nay đã là đời thứ 11 làm nghề trống gia truyền này.
|
Ông Cư tất bật hoàn thiện những chiếc trống cuối cùng để kịp giao cho khách dịp tết |
Dù cuộc sống trải qua bao thăng trầm, biến đổi, gia đình ông Cư vẫn trung thành giữ gìn những kỹ thuật làm trống độc đáo của cha ông để lại. Với tâm huyết và tình yêu nghề, mỗi năm 3 xưởng làm trống của gia đình ông Cư cho xuất xưởng gần 500 chiếc trống có vẻ ngoài tinh xảo, âm thanh độc đáo.
“Giá từ vài trăm ngàn đến cả trăm triệu đồng mỗi loại tùy kích cỡ. Phần lớn trống đều được làm theo đơn đặt hàng phục vụ ngày rằm, dịp lễ tết” - ông Cư nói và cho hay nhờ có các loại máy móc hỗ trợ nên nay làm nghề trống đỡ vất vả hơn. Song nếu không có đủ tình yêu và đam mê thì rất khó để theo đuổi.
Đứng trên chiếc trống đại nhịp nhàng nhún đôi chân để làm giãn da bò lúc căng mặt trống, ông Phan Văn Ngụ (50 tuổi) nói: “Giờ máy móc hỗ trợ nhiều nhưng chúng tôi vẫn chủ yếu làm theo thủ công. Có lẽ cũng vì vậy mà trống nơi đây có tiếng, được nhiều người khắp nơi đặt hàng mỗi năm”. Mấy hôm nay, hai vợ chồng ông Ngụ phải tranh thủ làm ngày, làm đêm để kịp hoàn thành đơn hàng hơn 100 chiếc trống giao trước Tết cho khách.
|
Không có nắng, người làm trống gia truyền phải nhóm lửa để hong khô những tấm da trâu, da bò |
|
Sau khi hong khô, da trâu, da bò được làm sạch lông |
Người đàn ông có hơn 30 năm theo nghề này cho biết, dịp tết, gia đình không dám nhận quá nhiều đơn hàng vì sợ làm không kịp. Việc nhiều nhưng lại khó để thuê người làm. “Có phải ai cũng làm trống được đâu. Thuê người ít nhất cũng phải mất vài tháng đào tạo họ. Khi họ biết làm sợ lại không bám trụ nữa” - ông Ngụ nói.
Kiểm tra những miếng da bò đặt xung quanh bếp lửa, ông Ngụ cho biết, trống chủ yếu được làm từ da bò, bởi da bò có âm thanh tốt hơn. Chỉ những loại trống đại cỡ lớn mới phải sử dụng đến da trâu. Da bò sau khi phơi khô sẽ được đem đi ngâm nước rồi chuyển qua công đoạn bào da.
|
Thợ làm trống "nhún nhảy" để làm căng lớp da |
|
Anh Văn cùng vợ tỉ mỉ hoàn tất công đoạn cuối cùng của một chiếc trống truyền thống |
Đây là công đoạn khó nhất của nghề trống mà không phải ai cũng làm được, chỉ những đôi tay nghệ nhân kinh nghiệm mới cảm nhận được độ mỏng, dày. Chính độ mỏng, dày này quyết định âm thanh phù hợp cho từng loại trống.
Muốn trở thành thợ làm trống giỏi, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ còn đòi hỏi trình độ thẩm âm tốt để xác định độ vang, vọng của trống. “Âm thanh của trống cũng sẽ được điều chỉnh để làm sao phù hợp với mỗi loại. Trống phục vụ lễ hội, trống trong các nhà thờ họ, trống đám ma... mỗi loại lại có một âm thanh khác nhau” - ông Cư nói.
Tỉ mỉ kiểm tra từng thanh gỗ đã được tạo hình, anh Phan Tuấn Văn (32 tuổi, con trai ông Cư) nói “gỗ mít đánh ít kêu nhiều”. Gần chục năm nối nghiệp bố, chàng trai trẻ này cho biết gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít - loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ.
|
Ngoài 80 tuổi, ông Long vẫn nhận làm trống cho một vài người quen để thỏa nối nhớ nghề |
|
Ông Long vẫn gìn giữ cẩn thận bộ đồ nghề làm trống thủ công do bố truyền lại |
Bước qua tuổi 80, ông Nguyễn Doãn Long (trú tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn giữ đam mê với nghề làm trống kế nghiệp của bố. “Tiếc là mấy đứa con của mình không đam mê nên không theo nghề làm trống” - ông Long nói và cho hay bản thân không còn đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Song mỗi dịp Tết, ông vẫn thường nhận làm vài chiếc trống cho người quen vì quá nhớ nghề.
Lễ hội đền, chùa Gám (huyện Yên Thành) diễn ra trong 3 ngày (13-15/2 âm lịch) hàng năm diễn ra nhiều trò chơi dân gian. Đặc biệt trong số đó là cuộc thi đánh trống tế (còn gọi là trống họ) thu hút hàng ngàn du khách thập phương.
Theo quy định, mỗi đội đại diện cho một dòng họ tham gia có 3 đến 6 người. Trong đó 1 người phụ trách trống to, 1 đến 2 người đánh trống nhỏ, xập xẻng. Mỗi đội sẽ được đánh 3 hồi trống, thời gian không quá 10 phút. Đây là loại trống thường được đánh trong dịp tế lễ ở họ tộc đại tôn, hoặc lễ hội làng; gồm có 3 hồi, trong hồi có nhịp, trong nhịp có biến tấu, tất cả các âm thanh tạo thành một bản nhạc rộn ràng, làm hứng khởi người nghe.
|
Phan Ngọc