Ngày 31/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm thời đóng cửa căn cứ không quân Incirlik ở khu vực Đông Nam nước này do lo ngại xảy ra một cuộc đảo chính mới.
Theo nhật báo Hurriyet ngày 1/8, việc đóng cửa căn cứ quân sự Incirlik đã được giao cho lực lượng cảnh sát chống khủng bố thực thi và chiến dịch đã được hoàn tất trong 2 giờ 30 phút. Khoảng 7.000 cảnh sát có vũ trang, cùng nhiều xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa căn cứ này, đồng thời tiến hành các hoạt động kiểm tra.
|
Căn cứ quân sự Incirlik hiện do NATO sử dụng để cùng lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Ankara bắt đầu cho không quân các nước trong liên quân với Mỹ sử dụng căn cứ này từ hồi đầu tháng 7 năm 2015. |
Ngay sau cuộc đảo chính quân sự vào đêm 15/7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tạm thời đóng cửa và ngừng cung cấp điện cho căn cứ này với lý do lo ngại các máy bay chiến đấu tại đây có thể bị lực lượng đảo chính chiếm giữ.
Tuy nhiên, sau đó một ngày, căn cứ này đã hoạt động trở lại để phục vụ cho các cuộc không kích của Mỹ chống IS, nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiểm soát chặt chẽ mọi động thái bên trong cơ sở quân sự này.
Hiện căn cứ Incirlik đang ở trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Chiều 31/7, Reuters cho hay Căn cứ Không quân Incirlik của NATO bị lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra ngay trong đêm.
Khoảng 7.000 cảnh sát có vũ trang cùng nhiều xe bọc thép hạng nặng TOMA đã bao vây và chặn lối vào của căn cứ không quân Incirlik ở thành phố Adana của Thổ Nhĩ Kỳ.
Căn cứ không quân Incirlik được sử dụng bởi cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ-NATO. Nó đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Syria.
Đây cũng là một trong 6 khu vực lưu trữ các loại vũ khí hạt nhân chiến lược của NATO của Mỹ ở châu Âu. Mỹ đang giữ khoảng 50-90 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại đây. Lực lượng an ninh được vũ trang với súng trường cùng nhiều xe bọc thép xuất hiện xung quanh căn cứ này.
|
Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng. |
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ ông Omer Celik khẳng định, đây chỉ là một thao tác "kiểm tra an ninh" thông thường. 5h55 sáng, theo giờ địa phương, ông Celik đã đăng 1 dòng tweet, sau khi mạng xã hội rộ tin về vụ phong tỏa: "Chúng tôi chỉ kiểm tra an ninh nói chung. Không có vấn đề gì cả"
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang trong giai đoạn nhạy cảm. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ dẫn độ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh Giáo sĩ Gulen liên quan đến cuộc chính biến vừa qua. Mỹ cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng giới chính quân sự và tình báo của nước này liên quan đến cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Dẫn đường cho Nga?
Cuối tháng 6 vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỷ đã 2 lần viết thư cho Tổng thống Vladimir Putin để xin lỗi chính quyền và nhân dân Nga mong cải thiện quan hệ hai nước, phá tan chiến tranh lạnh giữa hai nước sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/11/2015 bắn rơi máy bay tiêm kích Su-24 của Nga trên không phận Syria.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với mọi nước cùng có mục tiêu chống lại IS, Ankara đã thực hiện việc này và mở căn cứ Incirlik cho những nước muốn tham gia chiến dịch này.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù chung của các nước yêu hòa bình trên thế giới và tất cả mọi người phải có nghĩa vụ chiến đấu chống lại nó. Đây cũng là điều mà nước này đã làm ngay từ khi chúng xâm nhập Iraq và Syria.
|
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ quan điểm về việc mời Nga tham gia căn cứ Incirlik |
“Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với tất cả những ai chống IS. Chúng tôi tiến hành cuộc đấu tranh này từ đầu và đã mở căn cứ Incirlik cho những người muốn tích cực tham gia cuộc chiến đó. Tại sao chúng tôi lại không thể hợp tác như vậy với Nga?” - ông Cavusoglu tuyên bố với TRT.
Tuy nhiên, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ đã đính chính lại thông tin. Ông Cavusoglu giải thích rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với Nga để chống IS, nhưng ông không nói đến chuyện sử dụng căn cứ Incirlik vào công việc này, mà chỉ lấy nó “làm ví dụ” cho việc Ankara sẵn sàng cho bất kỳ hình thức hợp tác nào, bất kể là đối với Nga hay Mỹ.
Lúc đó, một số chuyên gia quân sự lại cho rằng, đây là “lời nhắc nhở cuối cùng” của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ rằng, nếu Washington còn tiếp tục lạnh nhạt với nước này và phớt lờ những đòi hỏi của chính quyền Erdogan về vấn đề người Kurd thì Ankara sẽ ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với Nga.
Lời nhắc nhở ấy phải chăng đã đến lúc được thực thi trong khi vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa xảy ra cách đây không lâu và Mỹ đang là người bị Thổ Nhĩ Kỳ gán mác đứng sau vụ này?
Hơn nữa, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang ngày càng đi lên sau vụ đảo chính ấy. Nga lại chính là người có công trong việc cảnh báo ông Erdogan về vụ đảo chính chỉ vài giờ trước khi nó diễn ra, theo một số nhận định.
Thêm vào đó, Nga còn là một trong những chính phủ nước ngoài đầu tiên đề nghị hỗ trợ ông Erdogan trong quá trình đảo chính diễn ra khi các bên chưa biết chắc kết quả của sự việc này.
Điều này khác hoàn toàn so với thái độ của các đồng minh NATO, và đặc biệt là Mỹ.
Minh Đức