Thời tiết giao mùa, 'bệnh chồng bệnh'

26/08/2017 - 18:10

PNO - Trong khi sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang hoành hành tại nhiều nơi, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, nhiều căn bệnh khác như tay chân miệng, đau mắt đỏ, cúm A lại bắt đầu vào mùa, khiến nhiều người vật vờ “chịu trận”.

Kiệt sức vì cả nhà thay nhau ốm

7g ngày 24/8, khoa khám bệnh tự nguyện Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đã chật kín người xếp hàng chờ khám. Tất tả bế cô con gái 20 tháng tuổi, chị Thanh Phương (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) không giấu được sự mệt mỏi: “Mới tuần trước, tôi đưa con gái lớn vào đây khám và bị xác định nhiễm cúm A, đến tuần này con gái thứ hai lại ho sốt và sổ mũi”. Chị Phương và chồng cũng vừa khỏi SXH cách đây khoảng 10 ngày.

Bệnh tật triền miên khiến cuộc sống gia đình chị bị đảo lộn và ảnh hưởng không nhỏ tới công việc. Vợ chồng chị liên tục phải ở nhà nghỉ ốm rồi lại xin nghỉ phép để thay phiên nhau đưa con đến BV. Lo ngại bị công ty sa thải vì nghỉ việc quá nhiều, chị Phương cho hay: “Cực chẳng đã phải gửi con tới trường khi con chưa khỏe hẳn, vì điều này vừa ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ cũng như có nguy cơ lây lan bệnh”.

Bên cạnh SXH và cảm cúm gia tăng khi thời tiết giao mùa, bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội cũng bắt đầu “rục rịch” vào mùa với số lượng ca mắc gia tăng. Theo thống kê của BV Mắt Trung ương, chỉ trong 10 ngày gần đây, BV ghi nhận gần 2.000 ca đau mắt đỏ, chiếm khoảng 13% so với tổng số người khám. Có ngày số bệnh nhân khám bệnh này gần 300 ca. Tại BV Mắt Hà Nội, mỗi ngày có gần 50 trường hợp đau mắt đỏ, trong đó có hơn chục ca bị viêm kết mạc nặng.

Thòi tiét giao mùa, 'benh chong benh'
Tăng vọt lượng người đến bệnh viện khám dễ lây nhiễm chéo - ảnh: Phùng Huy


Gia đình chị Nguyễn Thị Hương (Đông Anh, Hà Nội) “liêu xiêu” vì 3/4 thành viên đều bị đau mắt đỏ. Sau khi chị Hương mắc bệnh, cả hai con của chị đều nhiễm theo. Mỗi buổi sáng, chị phải khổ sở vệ sinh mắt cho mình rồi lại tới lượt các con, bởi lượng dịch tiết ra nhiều khiến đôi mắt hai con đều sưng vù, không thể mở mí. Chị Hương chia sẻ, dù có phần may mắn hơn nhà hàng xóm - có hai con đều mắc SXH, gia đình chị vẫn luôn phập phồng khi SXH chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bác sĩ  Nguyễn Văn Thường - Phó giám đốc BV Đa khoa Xanh-pôn (Hà Nội) cho hay, những ngày qua, BV vẫn tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc SXH cùng một số ca bệnh cúm A, tay chân miệng - những căn bệnh điển hình khi thời tiết chuyển mùa, từ nắng nóng sang mưa.

Lo bệnh chân tay miệng bùng phát

Tại TP.HCM, số ca bệnh tay chân miệng gia tăng ngay trước thềm năm học mới. Tại BV Nhi Đồng 2, tính từ đầu tháng 8 tới nay đã có hơn 2.000 trẻ tới khám bệnh, hơn 150 ca nhập viện. Mỗi ngày, khoa Nhiễm của BV tiếp nhận khoảng 30 ca bệnh tay chân miệng nội trú, trong đó có một số ca nặng.

Thòi tiét giao mùa, 'benh chong benh'
 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đến giữa tháng 8/2017, trên địa bàn TP đã ghi nhận gần 3.000 ca bệnh tay chân miệng. “Tháng 8 là thời điểm bắt đầu mùa dịch SXH hàng năm và cũng là thời điểm khả năng gia tăng bệnh tay chân miệng. Theo giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hai căn bệnh này đang diễn tiến phức tạp và ghi nhận tại tất cả 24 quận, huyện của thành phố”, ThS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo.

Còn theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện giảm nhẹ. Tuy nhiên, số mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và sẽ tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch và học sinh vào năm học mới.

Thòi tiét giao mùa, 'benh chong benh'
 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, ông Trần Đắc Phu cho hay, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị, trong đó chỉ đạo kỹ việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, cần lưu ý thực hiện phòng chống lây nhiễm chéo tại các BV và cơ sở điều trị. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo sở GD-ĐT các tỉnh phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong trường trẻ mắc tay chân miệng, cần vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng và cách ly trẻ ở nhà. Đặc biệt, gia đình và trường học cần khử khuẩn các dụng cụ, đồ dùng của trẻ bằng javel với nồng độ pha theo hướng dẫn. 

26 người tử vong, gần 100.000 ca mắc SXH 

Thống kê mới nhất về dịch SXH được công bố ngày 24/8 cho thấy, hiện cả nước đã ghi nhận 99.647 trường hợp mắc SXH, tăng gần 48% so với cùng kỳ. Số ca tử vong hiện là 26 người. Tại Hà Nội, số ca mắc SXH đã lên tới 19.962 ca, tập trung ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông… 

Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại BV là hơn 2.300 ca. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện lượng bệnh nhân điều trị nội trú trung bình 2.499 ca/ngày, giảm khoảng 400 ca so với tuần trước. Trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 400 ca mắc mới.   


Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI