Thơ cho thiếu nhi đang ở đâu?

11/02/2023 - 07:10

PNO - Tại tọa đàm thơ vừa tổ chức mới đây, thơ thiếu nhi được nhìn nhận là thiếu vắng trên văn đàn. Để mở rộng góc nhìn, Báo Phụ nữ TPHCM có cuộc trò chuyện với nhà thơ - nhà báo Hồ Huy Sơn và tác giả Huỳnh Mai Liên.

Nhà thơ - nhà báo Hồ Huy Sơn là tác giả của Những ngọn đèn thơm (một trong những tập thơ nổi bật của năm 2022, đang được Sbooks chuẩn bị tái bản). Anh cũng là người đọc và quan sát rất kỹ sự phát triển, khởi sắc của thơ thiếu nhi thời gian qua.

Tác giả Huỳnh Mai Liên
Tác giả Huỳnh Mai Liên

Tác giả Huỳnh Mai Liên (hiện là biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam, tác giả 2 tập thơ: Ngày xưa của con, Biển là trẻ con đã được tái bản và có bài được chọn vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Ba, năm học 2022-2023).

Phóng viên: Nhiều người nhận định phần lớn thơ thiếu nhi hiện nay là của các tác giả - ba mẹ hoặc làm công việc có gắn bó với trẻ con. Điều này không sai, nhưng theo anh chị, điều quan trọng hơn cả với một người sáng tác thơ thiếu nhi là gì?

Tác giả Huỳnh Mai Liên: Mỗi bài thơ ra đời đều xuất phát từ nhịp đập trái tim mỗi tác giả trước vẻ đẹp của cuộc sống. Thế giới trẻ thơ hôm nay như một chìa khóa mở vào tâm hồn của những tác giả sẵn sàng bước vào thế giới thiếu nhi, tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn. Thực sự họ là những tác giả chứ không thuần túy là ba-mẹ-làm-thơ như trong suy nghĩ của một số người. Nhiều tác giả tôi theo dõi như Bảo Ngọc, Nguyễn Phong Việt, Phạm Anh Xuân, Bùi Minh Huế, Châu An Khôi… là những người có góc nhìn trong trẻo, có sự lao động tìm tòi, khám phá và miệt mài gieo những vần thơ cho trẻ nhỏ.

Nhà thơ Hồ Huy Sơn
Nhà thơ Hồ Huy Sơn

Nhà thơ Hồ Huy Sơn: Theo tôi, viết cho thiếu nhi là một đặc quyền và ai cũng có thể nhận được “món quà” đó. Điều quan trọng là tình yêu dành cho thiếu nhi cũng như tình yêu với những trang viết dành cho thiếu nhi có đủ lớn để đi cùng các em hay không mà thôi.

Nhiều tác phẩm được tái bản, được chọn đưa vào sách giáo khoa, được phụ huynh và các bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích, đón nhận là tín hiệu mừng cho thơ thiếu nhi hiện nay
Nhiều tác phẩm được tái bản, được chọn đưa vào sách giáo khoa, được phụ huynh và các bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích, đón nhận là tín hiệu mừng cho thơ thiếu nhi hiện nay

* Anh chị nói gì về ý kiến cho rằng “thơ thiếu nhi hiện nay vẫn còn khoảng trống”?

- Nhà thơ Hồ Huy Sơn: Ai đó nói thơ thiếu nhi là khoảng trống trên văn đàn là vì người đó đã không đọc thơ thiếu nhi. Bởi, thơ thiếu nhi hiện nay đang có rất nhiều khởi sắc. Mới đây, Nhà xuất bản Trẻ vừa ra mắt bộ Vần điệu cho em (4 tuyển tập): Nếu không có trẻ con (Thục Linh), Cây cầu lấp lánh (Mộc An), Chuyện bốn mùa trời đấtBao giờ mặt trời lên? (Mai Quyên). Nhà xuất bản Kim Đồng có bộ Thơ hay viết cho thiếu nhi với các ấn phẩm của các nhà thơ Phạm Hổ, Võ Quảng, Thy Ngọc, Huy Cận, Vũ Quần Phương...

Trước đây, nhiều tác giả thường bị động hoặc vẫn giữ quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương”. Không ít tác giả vẫn cho chuyện quảng bá tác phẩm là việc của các đơn vị xuất bản. Theo tôi, chủ động quảng bá tác phẩm là việc tác giả nên làm. Đó cũng là cách để hỗ trợ đơn vị xuất bản cũng như kết nối, tương tác trực tiếp với bạn đọc. Lắng nghe bạn đọc chia sẻ, góp ý cũng là một cách để tác giả hoàn thiện trang viết của mình.

Nhà thơ - nhà báo Hồ Huy Sơn

Ngoài ra còn các tập thơ của các tác giả đương đại như: Chiếc bánh trăng (Lâm Ngọc Quỳnh Anh), Tuổi thơ màu giấy kính (Lê Nguyên Khôi), Gửi chú bé hay khóc nhè (Nguyễn Văn Thắng), Gõ cửa nhà trời (Bảo Ngọc)… Linh Lan Books có bộ Thơ hay cho bé học nói (Đoàn Văn Mật - Lữ Mai)…

Tôi thấy hiện nay các đơn vị đã mạnh dạn đầu tư, chăm chút cho thơ thiếu nhi cả về nội dung lẫn hình thức, thậm chí còn ứng dụng thêm công nghệ để tăng tính trải nghiệm cho các em. Thơ thiếu nhi giờ đây được các tác giả sáng tác với tư duy mới mẻ, những ý tưởng mới lạ, bắt kịp đời sống của các em hiện nay.

* Nhưng vẫn còn có câu hỏi “thơ thiếu nhi đang ở đâu?”, nghĩa là vấn đề còn nằm ở chỗ quảng bá tác phẩm, sự tiếp nhận của bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi còn hạn chế…

- Nhà thơ Hồ Huy Sơn: Thơ thiếu nhi vẫn đang hiện diện trong đời sống xuất bản, báo chí. Ngoài những tạp chí văn học địa phương, còn nhiều báo dành đất đăng tải sáng tác dành cho thiếu nhi: Nhi đồng TPHCM, Họa Mi, Khăn Quàng Đỏ… Ở lĩnh vực xuất bản, vẫn có những đơn vị dành sự quan tâm và đầu tư cho thơ thiếu nhi. Ngoài những đơn vị tôi đã kể trên, còn có Nhã Nam, Lionbooks, Đinh Tị Books… Có điều, một tập thơ thiếu nhi hay, được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, ngoại trừ một số cuốn có số lượng phát hành vượt trội thì vẫn chỉ dao động từ 1.000-2.000 bản, tôi nghĩ vẫn còn quá thấp. Nguyên nhân chính là sức đọc vẫn còn thấp.

Thời gian tới, trong Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học dự kiến được bổ sung một số tập thơ có nội dung sát sườn với chương trình giáo dục phổ thông mới, hỗ trợ việc dạy và học của thầy trò tiểu học. Tôi nghĩ đây là tin rất vui và cũng là cách để lan tỏa thơ thiếu nhi.

- Tác giả Huỳnh Mai Liên: Thơ thiếu nhi là một khu vườn chưa có nhiều người khai thác, vì thế nó chỉ tạo ra những mạch nguồn nhỏ mà chưa tạo thành dòng chảy lớn. Rất may mắn là nhiều bậc cha mẹ nhận ra giữa thế giới hiện đại của ti vi, máy tính, điện thoại hôm nay, thơ ca cũng như các bộ môn nghệ thuật rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Chính cha mẹ chứ không phải ai khác đã tìm đến thơ thiếu nhi và góp phần thúc đẩy những tập thơ đều đặn ra đời. Còn để lan tỏa rộng hơn, có lẽ cần một chiến lược dài hơi để tổng hòa những mạch nguồn nhỏ. Điều đó không hẳn chỉ là trách nhiệm của tác giả, của cha mẹ hay thầy cô giáo mà cần sự chung tay của rất nhiều người.

* Cảm ơn anh, chị đã chia sẻ.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI