Đoạn nhạc chế lấy ý từ bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu đã xuất hiện từ cách đây 1 năm. Bản chế này do DJ FWIN và 2see thực hiện, với nhiều từ ngữ được đưa vào mang tính bông đùa, nhảm nhí.
Đoạn nhạc chế có nội dung: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi/ Gió đưa cành trúc thật Prada/ Trên mạng đang hot trend gì vậy ta/ Họa hổ họa bì gian nan họa cốt/ Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương/ Cười người hôm trước hôm sau người cười/ Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10/ Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”.
|
Bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu gắn bó với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam |
Mặc dù vô nghĩa nhưng thời gian gần đây, phần nhạc này được nhiều TikToker dùng làm nhạc nền cho clip. Không ít clip trong số đó được chú ý, lan tỏa mạnh trên mạng xã hội. Cho đến nay, hashtag “chubeloatchoat” (Chú bé loắt choắt) trên TikTok đã nhận về hơn 18 triệu lượt nhắc. Hiện trào lưu sử dụng đoạn nhạc chế này vẫn chưa dừng lại, dù DJ FWIN và 2see cho biết vô cùng hối hận về hành vi chế lời của mình.
Thời gian qua, trên TikTok và một số nền tảng mạng xuất hiện nhiều đoạn nhạc chế khác nhau. Trong đó, bản nhạc chế của diễn viên Lê Dương Bảo Lâm về các nhân vật trên phim hoạt hình Doraemon là đáng chú ý.
Những bản nhạc chế này nhận về phản ứng mạnh từ dư luận. Nhưng như “nấm mọc sau mưa”, hết nội dung này bị chế đến nội dung khác bị biến tấu vô tội vạ. Điều đáng nói hơn cả là nhiều đoạn nhạc chế nhận về lượt xem cao, tồn tại như một hiện tượng giải trí trên mạng.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, việc một cá nhân nào đó chế nhạc theo hướng phản cảm đã từng nhiều lần xảy ra.
“Tôi từng đưa ý kiến rằng nếu các cơ quan chức năng vẫn cứ thờ ơ với việc nhạc chế, nhạc bẩn tồn tại khắp nơi, thì lâu dần, trào lưu này xuất hiện càng mạnh. Thậm chí, bây giờ là các tác phẩm thơ, văn bị chế, nhưng trong tương lai, rất có thể nội dung bị chế liên quan đến danh nhân văn hóa, lịch sử, anh hùng dân tộc...
Có lẽ, vì các cơ quan nhà nước còn xem nhẹ việc quản lý, nên việc nhạc chế tràn lan cũng là chuyện sớm muộn. Một ý kiến nhỏ từ nghệ sĩ như tôi cũng không thay đổi được thực trạng này, nếu cơ quan quản lý cứ ngó lơ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lên tiếng.
Theo anh, để giải quyết dứt điểm tình trạng chế lời vô tội vạ, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng, khó yêu cầu ý thức của người dùng, vì “nếu ý thức được đoạn nhạc đó là xàm xí, vô bổ thì các bạn trẻ đã không sử dụng”.
|
Màn hình hiển thị một số nội dung khi người dùng gõ hashtag "chubeloatchoat" trên nền tảng TikTok |
“Mạng xã hội như TikTok là nền tảng mà đối tượng trẻ tuổi sử dụng. Nhận thức về đời sống, xã hội của họ chưa hoàn thiện, trong khi bản tính tò mò, hiếu thắng, thích được chú ý lại cao, nên dễ dàng chạy theo xu hướng một cách mất kiểm soát. Ở thời đại bây giờ, đôi khi tác phẩm nghệ thuật chỉn chu lại không được chú ý bằng một đoạn nhạc chế phản cảm, nên lâu dần, người trẻ cho rằng họ đâu cần tốn công sức, chất xám, tiền bạc làm gì, khi chỉ cần hát những nội dung vô bổ cũng đủ tạo nên hiện tượng. Đó là điều rất đáng lo ngại”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói thêm.
Dù luôn lên tiếng trước những vấn đề, thực trạng gây bức xúc có liên quan âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cảm thấy nản lòng vì “tiếng nói nhỏ nhoi không làm thay đổi được điều gì”. Thậm chí, khi có ý kiến, nam nhạc sĩ còn nhận về nhiều “gạch đá”, cho rằng anh nâng quan điểm, khó tính, bởi với nhóm đối tượng này, “chế nhạc là sáng tạo, hát cho vui”, không phải “làm mất giá trị âm nhạc” như anh nói.
Trước việc nhạc chế xuất hiện tràn lan, nhận về lượt xem “khủng”, nếu không lên tiếng mạnh mẽ, kiểm soát bằng cách biện pháp khác nhau, trong tương lai, xu hướng chế nhạc vô bổ sẽ tiếp diễn.
Vào đầu tháng 4/2023, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang ra soát 6 sai phạm của TikTok, bao gồm: Thứ nhất, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em. Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view, mặc cho chúng phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ. Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục… Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng), dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ nững nội dung này. Thứ năm, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh. Thứ sáu, TikTok không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, xúc phạm, bôi nhọ. |
Diễm Mi