Thịt trâu, heo nái bị hô biến thành thịt bò

12/03/2018 - 08:02

PNO - Bỏ ra khỏi thùng, rã đông thì khó biết được đó là thịt trâu hay thịt bò. Bởi vậy, ở chợ bán đầy thịt bò mà đâu có thấy xương bò - nhân viên bán thịt tại một cửa hàng trên Quốc lộ 50 nói.

Nhập về thịt trâu, bán ra thịt bò

Tại các quận trung tâm TP.HCM, thịt trâu đông lạnh thương hiệu Allana nhập khẩu được bán sỉ tại một đầu mối trên đường Bình Lợi, P.13, Q. Bình Thạnh hiện vẫn quanh mức 100.000 đồng/kg.

Trong đó, nhiều loại thịt có mức giá khá rẻ, như nạm 86.000 đồng/kg, gầu và đầu thăn chung mức giá 95.000 đồng/kg, thịt vụn chỉ 65.000-70.000đồng/kg; các loại cao nhất (bắp hoa, gân) cũng không quá 140.000 đồng/kg. Hầu hết thịt trâu được đóng trong các thùng các-tông có trọng lượng trung bình 18-20kg.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ấn Độ không xuất khẩu thịt bò do liên quan đến tôn giáo, nhưng rất nhiều điểm ở TP.HCM lại bán sỉ thịt bò nhập theo thùng (18-20kg). Tại một số cửa hàng nằm trên Quốc lộ 50, người bán gọi đó là “thịt bò Ấn Độ”, nhưng khi xem những thùng các-tông, chúng tôi nhận ra đó là thịt trâu thương hiệu Allana, là mặt hàng được nhập ồ ạt về Việt Nam trong nhiều năm nay.

Tại khu vực này, hết đội xe máy này tới đội xe máy khác chở các thùng thịt đông lạnh nhập khẩu tỏa đi khắp mọi hướng. “Bỏ ra khỏi thùng, rã đông thì khó biết được đó là thịt trâu hay thịt bò. Quán ăn, nhà hàng, tiểu thương…  đều chuộng thịt này vì giá thấp” - một nhân viên bán hàng tại cửa hàng N.H. cho hay. 

Thit trau, heo nai bi ho bien thanh thit bo
Thịt trâu quá hạn sử dụng được phát hiện tại một cơ sở sản xuất bò viên tại huyện Bình Chánh (ảnh tư liệu).

Thịt bò nhập khẩu quá date

Mới đây, khi thông tin về thịt bò siêu rẻ tràn lan, ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - khẳng định, thịt bò Úc, Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ, về đến cửa khẩu phải lưu trữ, lấy mẫu kiểm tra 100%, chứ không kiểm tra theo kiểu hậu kiểm; tên hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng đều phải được thể hiện, nếu không đạt sẽ bị xử phạt, bắt tái xuất, không tái xuất được thì phải tiêu hủy.

Theo ông Thành, đến nay, chưa phát hiện có lô hàng nào cận date (hạn sử dụng) hay hết date được nhập vào Việt Nam.  

Cơ quan thú y tại các tỉnh, thành cũng khẳng định như trên. Tuy nhiên thực tế, ý kiến này chỉ đúng đối với thịt nhập chính ngạch, còn với những lô thịt nhập về theo dạng tạm nhập - tái xuất hay đi theo các ngả tiểu ngạch thì chưa được cơ quan thú y đề cập.

Thêm vào đó, có thể thịt về đến các cửa khẩu đều kiểm soát tốt, nhưng khi vào trong nước thì hiện vẫn có quá nhiều khoảng trống trong việc kiểm soát nguồn gốc, hạn sử dụng những sản phẩm này. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM - cho rằng, nếu quản lý chặt chẽ hơn, tiểu thương mua bán phải có hóa đơn bán lẻ. Hóa đơn đó sẽ hiển thị thông tin mua sản phẩm từ đâu để làm căn cứ truy nguyên khi kiểm tra phát hiện những sản phẩm “có vấn đề”. 

Đặc biệt, khi quy định kiểm dịch nội tỉnh bị xóa bỏ từ hơn một năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt quả tang nhiều cơ sở chế biến thịt heo nái thành thịt bò. 

Cụ thể, vụ Công ty TNHH Bính Hạnh (trụ sở trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) lưu trữ hơn 2 tấn thịt heo nái đang được ngâm trong dung dịch có chất metabisulfite cùng huyết bò để giúp thịt heo giống với thịt bò.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng từng bắt quả tang hàng loạt cơ sở chế biến thịt tại huyện Hóc Môn, quận 12, quận Tân Phú… rã đông thịt trâu Ấn Độ rồi dùng loại hóa chất màu trắng để “biến” thành thịt bò tươi. 

Một cán bộ thú y từng chia sẻ, thịt gia súc, gia cầm và cá đông lạnh nhập khẩu tồn trữ tại các kho lạnh là những mặt hàng khó kiểm soát nhất.

Mặc dù những mặt hàng này khi nhập về Việt Nam đều còn thời hạn sử dụng khá dài, đủ tiêu chuẩn mới được thông quan, nhưng nhiều mối hàng nhập với số lượng lớn, không phải tiêu thụ trong thời gian ngắn là hết ngay mà tiêu thụ trong nửa năm, thậm chí một vài năm.

Do đó, nhiều hàng, từ hàng còn date dài đã thành hàng cận date hoặc hết date được trà trộn, bán trên thị trường.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM - cho rằng, nếu quản lý chặt chẽ hơn, tiểu thương mua bán phải có hóa đơn bán lẻ. Hóa đơn đó sẽ hiển thị thông tin mua sản phẩm từ đâu để làm căn cứ truy nguyên khi kiểm tra phát hiện những sản phẩm “có vấn đề”. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI