Thịt trâu có tác dụng gì?

28/01/2021 - 06:00

PNO - Thịt trâu ngày càng được ưa chuộng và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, bổ dưỡng cho sức khỏe như: thịt trâu xào khoai sọ, cà-ri trâu, trâu xào sả ớt, trâu luộc chấm mắm nêm…

 


Theo y học cổ truyền, thịt trâu có vị ngọt, tính hàn, mát, không độc, ích khí, mạnh gân xương… Nhờ đó, thịt trâu có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, bổ máu, chữa các chứng huyết hư nóng trong xương, ra mồ hôi trộm, mồ hôi tay chân nhiều. Dưới đây là các vị thuốc làm từ trâu.

Thịt trâu nấu khoai sọ

Thịt trâu 200g, khoai sọ 200g. Thịt trâu thái mỏng, đem ướp với bột mì, đường cát trắng, mỡ, nước mắm. Khoai sọ thái vừa và hơi dày chiên giòn, múc ra dĩa. Xào thịt trâu đổ lên trên khoai sọ. Ăn với cơm hay bánh mì trong ngày giúp tăng khí lực. 

Cao từ da trâu

Loại cao này có công dụng bổ máu, cầm máu, thanh nhiệt nhuận phế, an thai, chữa các chứng bỏng lửa, bỏng nước; nhuận tràng, chữa ho; nôn, đại tiện ra máu… Mỗi ngày có thể dùng 20g cao da trâu. Có thể kết hợp với da bò nấu thành cao.

Chọn loại da trâu già, dày, lông đen, lấy da trâu ngâm vào nước 2-5 ngày cho mềm rồi cạo lông, cắt thành từng miếng mỏng (để nấu cho dễ tan). Nấu ba ngày ba đêm, lấy nước cũ ra, thay nước mới, làm như vậy 5-6 lần để lấy hết chất keo của da. Lọc qua rây bằng đồng có lỗ nhỏ rồi khuấy với nước lọc có ít phèn chua, chờ vài giờ sau cho các tạp chất lắng xuống, gạn lấy một lớp nước trong ở trên và cô đặc lại. 

Trước khi lấy ra chừng 2 giờ thì thêm đường và rượu (cứ 600g da thêm 4 lít rượu và 9kg đường), nửa giờ trước khi lấy ra lại thêm dầu đậu nành cho đỡ dính (600g thêm 1kg dầu). Đổ ra, để nguội, cắt thành miếng keo hình chữ nhật, mỗi miếng nặng khoảng 20g, dài 6cm, rộng 4cm, dày 0,5cm, màu nâu đen, bóng, nhẵn và cứng.

Cao xương trâu 

Tác dụng bổ gan, xương, bổ canxi, chất keo… cho người già yếu, trẻ em chậm biết đi. 

Dùng nồi áp suất nấu da trâu và sau mỗi hai tiếng chiết lấy nước, làm liên tục ba lần và đem tất cả nước này cô đặc thành cao da trâu. Còn nếu dùng nồi thường thì nấu sau mỗi sáu tiếng chiết lấy nước ra, làm liên tục năm lần và đem tất cả nước này nấu cô đặc thành cao.

Chú ý: Trong lúc nấu, thường xuyên thêm nước cho không bị khô. Ngoài ra, có thể dùng xương tươi mới chặt đoạn nhỏ (cả tủy) ninh với bí đỏ, cà rốt… để ăn.

 Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga

Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Quận 2, TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI