edf40wrjww2tblPage:Content
Thịt bò nhập khẩu được bày bán ở siêu thị
Thị trường béo bở
Sau 16 năm đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ Pháp do bò nuôi tại nước này và một số nước châu Âu mắc phải dịch bò điên, cách đây hơn một tuần, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền việc bãi bỏ quy định tạm đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ Pháp.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) và những nhà sản xuất thịt Ba Lan (UPEMI) đánh giá Việt Nam và Hàn Quốc là hai thị trường chính mà các nhà sản xuất thịt ở Ba Lan muốn hướng tới, để mở rộng thị phần sang khu vực châu Á. Thịt heo, bò, gà là những sản phẩm họ muốn đưa vào Việt Nam. UPEMI bày tỏ họ không lo ngại phải cạnh tranh về giá cả tại thị trường Việt Nam. Thực tế, từ hơn một tháng nay họ đã tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư với DN Việt Nam.
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc về nhập khẩu bò thịt từ Úc. Chỉ nửa đầu năm nay, hơn 72.000 con bò Úc đã được nhập khẩu Việt Nam, trong khi đó, cả năm 2013, tổng lượng bò Úc nhập về chỉ khoảng 66.000 con. Hiệp hội Chăn nuôi dự báo, tổng cộng cả năm sẽ có khoảng 150.000 con bò Úc sẽ được nhập về. Trong năm 2014, Việt Nam sẽ chi khoảng 400 triệu USD để nhập thịt gia súc, gia cầm, nhiều nhất là bò, trâu từ Úc và một số nước, riêng thịt gia cầm và phụ phẩm gia cầm khoảng 120 triệu USD.
Không những thịt nhập về ồ ạt, các DN chăn nuôi nước ngoài như CP, Japfa, Emives… đã vào Việt Nam từ nhiều năm trước, đến nay đều không ngừng mở rộng sản xuất và chiếm phần lớn thị phần thịt tại thị trường Việt Nam. CP Việt Nam (thuộc tập đoàn CP Thái Lan) đưa ra số liệu, họ chiếm khoảng 16% thị phần cả nước về trứng gà công nghiệp, 22% thịt gà công nghiệp và khoảng 7% thịt heo.
Riêng sản phẩm thịt tươi sống của họ đã chiếm tới 70% thị phần tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại thị trường Hà Nội. Ông Chamnan Wangakkarangkul - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, lý do công ty này có được thị phần lớn trong các kênh bán lẻ ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc là do quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi rất cao và nghiêm ngặt, các công ty trong nước không đáp ứng được yêu cầu này nên chỉ có thể bán được ở các chợ, kênh phân phối truyền thống.
Doanh nghiệp trong nước “tiêu” dần
Nhiều DN kinh doanh, chế biến thịt trong nước dần vắng bóng trên thị trường. Một số DN như Huỳnh Gia Huynh Đệ, Vissan, Sagri… mấy năm trước rầm rộ tiến hành xây dựng nhà máy giết mổ ở Đồng Tháp, Long An… tuy nhiên, trong lúc chưa nhà máy nào thông báo đi vào hoạt động thì từ hơn một năm nay không ít người tiêu dùng tại TP.HCM thắc mắc vì không thấy sản phẩm thịt gia cầm của Huỳnh Gia Huynh Đệ bán phổ biến trên thị trường như trước. Ông Châu Nhật Trung, giám đốc công ty này chỉ giải thích ngắn gọn rằng do khó khăn về vốn, vốn vay giải ngân chậm nên công ty sắp xếp lại sản xuất, hiện mỗi ngày chỉ đưa ra thị trường từ 5-10 tấn sản phẩm (?). Trừ Phú An Sinh đã “mất dấu” từ vài năm trước, gần đây, thương hiệu Thanh Bình cũng không còn xuất hiện phổ biến.
Trong lúc nguồn thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày một tăng, nhiều hộ nuôi trong nước hoặc ngừng nuôi hoặc chuyển sang nuôi gia công cho DN nước ngoài thì các DN trong nước vẫn chưa thể tự chủ động nguồn nguyên liệu. Ngay cả những DN chế biến lớn như Công ty TNHH MTV kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng chuyển qua sử dụng nguồn bò Úc để giết mổ. Đối với nguồn heo gà, Vissan vẫn thu mua từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở một số vùng miền chứ không có nguồn gia công như các DN ngoại. Dù khẳng định có nguồn nguyên liệu mới ổn định và kiểm soát được về an toàn thực phẩm, nhưng ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cũng cho biết, hình thức Vissan hợp tác với người nuôi chủ yếu là ở việc giám sát quy trình nuôi. Về nhà máy giết mổ, ông Mười cho biết: “Vẫn đang trong quá trình xây dựng (từ năm 2011 đến nay - PV), dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành”.
Thịt nhập khẩu tràn ngập trị trường đã ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi trong nước
Như vậy, có thể thấy rõ: trong khi thịt ngoại nhanh chóng vào Việt Nam, DN chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam không ngừng mở rộng thị phần thì các DN trong nước lại “co cụm”. Rất nhiều DN cho rằng do không có vốn nên không thể đầu tư cho nông dân nuôi như các DN ngoại, vì vậy họ lựa chọn hình thức thu mua qua các đầu mối. Trong khi đó, người nuôi luôn trong tình trạng thấy lãi thì nuôi, lỗ thì “treo” chuồng. Để bù đắp nguồn cung, nhiều DN đã nhập khẩu thịt về để hưởng chênh lệch. Người nuôi do vậy càng khó khăn, lại tiếp tục “treo” chuồng trại… như một vòng luẩn quẩn.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cảnh báo: “Dù chưa tham gia hiệp định TPP nhưng lượng thịt nhập khẩu từ các nước đã tràn ngập. Người nuôi trong nước đã chấp nhận nuôi gia công cho DN nước ngoài. Với thịt nhập, nếu không có được hàng rào kỹ thuật cần thiết để ngăn những sản phẩm thịt giá rẻ, đặc biệt là thịt cận date thì mặt hàng này sẽ tha hồ vào và chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh với những sản phẩm như vậy”.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi phân tích, một trong những lý do chính yếu khiến sản phẩm chăn nuôi trong nước thua trên sân nhà là vì giá thành chăn nuôi nước ta cao hơn các nước 15-25%, các DN trong nước quá phụ thuộc vào nguồn thức ăn và nguyên liệu nhập khẩu. “Nhập khẩu thức ăn lại chịu các loại thuế nhập khẩu, VAT và thuế thu nhập DN. Hiệp hội nhiều lần kiến nghị giảm VAT nhưng chưa được. Chỉ khi chúng ta chủ động hơn các nguồn nguyên liệu trong nước bằng cách chuyển đổi diện tích các loại cây trồng như lúa ở những vùng năng suất kém sang trồng bắp, bằng các giống bắp cho sản lượng cao và gia tăng nguồn bột xương cá từ trong nước thì mới hy vọng giảm được giá thành ngành chăn nuôi xuống”, ông Lịch cho hay.
THƯ HÙNG