Từ bán lẻ, nguyên thùng đến tẩm ướp sẵn
Trên các trang mạng, facebook, zalo... rầm rộ chào bán sỉ, lẻ các mặt hàng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Đức, Brazil, Ba Lan... dưới dạng pha lóc phân loại chân giò, cốt lết, sườn, nạc dăm, sụn heo... hoặc bán nguyên thùng 10kg, 20kg.
Trên trang facebook thịt heo nhập khẩu, giò heo, sườn que được quảng cáo nhập khẩu từ Canada, giá chỉ 60.000 đồng/kg. Liên hệ số điện thoại 094884... hỏi mua hàng, chúng tôi được người bán giới thiệu có đủ mặt hàng thịt heo nhập khẩu từ các nước, giá cạnh tranh, miễn phí ship khi mua nguyên thùng.
“Chị mua nguyên thùng 10kg giò heo, sườn que giá chỉ 450.000 đồng/thùng, rẻ hơn 150.000 đồng so với giá tôi đang bán lẻ. Nếu lấy thùng 20kg, tôi chỉ tính giá 800.000 đồng/thùng. Tôi chuyên cung cấp sỉ cho các quán ăn, bếp ăn công nghiệp nên bao giá, bao ngon; thịt ngọt, thơm không thua thịt heo nóng”, người bán giới thiệu.
Trên trang bán hàng của đơn vị này khẳng định “chất lượng uy tín, đảm bảo an toàn; thịt heo do công ty phân phối có nguồn gốc rõ ràng, giấy an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), giấy kiểm dịch, hạn sử dụng còn mới...”. Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề “giao hàng có hạn sử dụng mới nhất và kèm giấy tờ chứng minh nguồn gốc thịt heo, giấy kiểm nghiệm, chứng nhận ATVSTP được không?” thì đầu dây bên kia hẹn liên lạc lại.
Tương tự, trên trang facebook Chợ lạc xoong, cũng quảng cáo sườn sụn heo (sườn non) nhập khẩu từ Canada nhưng người bán rao giá 170.000 đồng/kg và so sánh rẻ hơn nhiều so với giá 280.000 đồng/kg bán ở chợ. Để tiện cho người mua chế biến, bên bán cắt sẵn miếng vừa, thậm chí ướp sẵn gia vị và giao tận nơi, miễn phí ship để thu hút khách hàng.
|
|
Để khách yên tâm, nhiều cá nhân vừa chụp hình, vừa quay lại các công đoạn chặt, rửa, tẩm ướp thịt đăng trên facebook, zalo. Tuy nhiên, theo dõi các bình luận bên dưới, chúng tôi nhận thấy khách hàng mua lẻ rất ít, phần lớn là quán cơm, quán bún đặt mua số lượng nhiều. Việc mua - bán diễn ra công khai, rầm rộ, ai có nhu cầu mua hay bán đều đăng thông tin lên và các bên tự kết nối, giao dịch với nhau. Như trên trang Hội bán buôn bán lẻ thực phẩm nhập khẩu, trang thực phẩm nhà hàng vừa đăng dòng tin “em cần 50kg ba chỉ heo nhập khẩu Ba Lan, bác nào có giá tốt em xin với ạ”, chỉ trong giây lát đã có hàng chục comment nhảy vào chào hàng, báo giá rất cạnh tranh.
Phát hoảng vì thịt... xám xì, mùi ôi
Để khuyến khích người tiêu dùng mua thịt heo đông lạnh nhập khẩu, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM thường xuyên khuyến mãi, giảm giá từ 10 - 30% đối với mặt hàng này. Phần lớn các siêu thị, cửa hàng rã đông thịt heo nhập khẩu, phân loại, cắt lát, đóng vỉ sẵn và bảo quản trong tủ mát để khách dễ chọn mua. Mặc dù thịt heo đông lạnh nhập khẩu có hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày sản xuất, nhưng sau khi rã đông, hầu hết siêu thị chỉ bảo quản mát, bán
trong ngày.
Chúng tôi đặt mua sườn non, chân giò heo nhập khẩu của một số đơn vị rao bán trên mạng, kể cả thịt heo nhập khẩu tại một số cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM. So sánh với thịt heo nóng cùng loại, giá thịt heo nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều. Trong khi sườn heo nội hiện có giá trên 200.000 đồng/kg, giá sườn non nhập khẩu chưa tới 150.000 đồng/kg; chân giò heo nhập khẩu 85.000 đồng/kg, rẻ hơn chân giò heo trong nước đến 50.000 - 60.000 đồng/kg; sườn cốt lết nội 145.000 đồng/kg thì cốt lết nhập khẩu chỉ 80.000 đồng/kg... Các hàng quán mua số lượng nhiều thì giá thịt nhập khẩu còn rẻ hơn từ 20 - 30% so với mức giá bán lẻ trên.
Nhìn cảm quan, thịt đông lạnh có màu tái nhợt, lõi xương chuyển màu xám đen, kết cấu thịt lỏng lẻo chứ không hồng hào, chắc thớ như thịt heo nóng. Chị Liên (ngụ Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, thịt heo nhập khẩu khi nấu nổi bọt, không có mùi thơm; kho thì bị ra nước, vị không ngon ngọt.
Ngoài ra, một số điểm bán thịt heo qua mạng khi giao hàng cho khách không bảo quản mát trong thùng xốp, nhiều trường hợp khi nhận thịt có mùi lạ. Một số cửa hàng tiện lợi thường chuyển thịt heo đông lạnh qua ngày sang kệ trưng rau củ, bán giảm giá 25 - 30%. Khi không được bảo quản mát đúng, cả vỉ thịt bị chuyển màu bất thường, ngửi có mùi ôi.
Dễ nhầm thịt heo rã đông với thịt heo mát
Nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thịt heo nóng bày bán ngoài chợ. Tuy nhiên, nếu quy trình giết mổ, bảo quản, vận chuyển thịt heo không đảm bảo theo các quy định thú y, ATVSTP thì rất đáng lo ngại.
Thịt heo mát và thịt heo đông lạnh rã đông có các quy định bảo quản khác nhau. Nếu không phân biệt được, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm. Một số điểm bán nhập nhằng, không thông tin rõ ràng trên nhãn hàng dẫn đến không ít người tiêu dùng mua thịt heo đông lạnh rã đông có giá đắt ngang giá thịt heo mát mà không biết.
Theo quy định, cách bảo quản thịt mát, thịt đông lạnh khác nhau. Cụ thể, đối với thịt mát, theo TCVN 12429-1:2018 về sản xuất và kinh doanh thịt mát, thịt sau khi làm mát, pha lóc, đóng gói phải luôn được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 40C và có hạn sử dụng không quá 7 ngày. Còn theo TCVN 7047:2009: thịt đông lạnh thì thịt tươi được cấp đông và bảo quản ở nhiệt độ tâm sản phẩm không cao hơn -1200C. Thời gian bảo quản thịt đông lạnh không được quá 18 tháng tính từ ngày sản xuất; thịt đông lạnh phải bảo quản trong kho chuyên dùng, nhiệt độ tâm sản phẩm phải không cao
hơn -1200C.
Theo bà Nguyễn Thị Nhã Trúc - Trưởng phòng Quản lý chất lượng thực phẩm, Ban Quản lý ATVSTP TP.HCM - thịt heo nhập khẩu đông lạnh khi được rã đông bán, trên thông tin nhãn sản phẩm phải có hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Về nguyên tắc, khi thịt ở trạng thái đông, nếu thay đổi điều kiện bảo quản thì chất lượng thịt sẽ không được như ban đầu và phải sử
dụng ngay.
Thế nhưng, thực tế nhiều người tiêu dùng không biết, mua thịt heo đông lạnh đã rã đông về lại bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để dùng dần. Tiến sĩ Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen - lưu ý người tiêu dùng khi mua thịt heo đông lạnh rã đông về nên chế biến, sử dụng ngay trong ngày chứ không nên đông lạnh thịt trở lại vì sẽ làm giảm chất lượng thịt.
“Khi tiếp tục bảo quản thịt heo đã rã đông trong ngăn đá tủ lạnh là làm đông chậm sẽ hình thành đá trong miếng thịt, sau khi rã đông lại lần nữa, thịt sẽ bị mất nước, ăn không ngon. Điều này khác với cấp đông trong công nghiệp tức là làm lạnh nhanh miếng thịt, không hình thành đá trong miếng thịt nên khi rã đông trong tủ mát, thịt không bị rỉ nước”, tiến sĩ Đồng phân tích.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi có phân rõ thịt heo nhập khẩu và thịt heo Việt Nam để người tiêu dùng lựa chọn nhưng nhiều điểm bán nhỏ lẻ hay cá nhân bán hàng trên mạng thường mập mờ. Người tiêu dùng nên quan sát màu sắc và mùi của thịt. Thịt tươi có lớp màng khô, màu đỏ tươi, bề mặt hơi se lại, sạch, không dính lông và các tạp chất lạ; mặt cắt miếng thịt có màu hồng sáng, mềm mại; phần mỡ có màu sáng, chắc, mùi vị bình thường; khớp xương láng, trong; tủy xương bám chặt vào thành ống và trong suốt.
Ngược lại, thịt heo kém tươi, ôi có màu xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng, sờ vào miếng thịt thấy nhớt (nhớt ít hoặc nhiều tùy mức độ kém tươi của thịt). Phần mỡ tối màu, độ rắn giảm sút và mùi ôi; khớp xương có nhiều nhớt, xuất hiện dịch đục; phần tủy bị tróc ra khỏi thành ống hoặc có dấu hiệu tróc ra, màu sắc tối hoặc nâu.
Rã đông thịt đúng cách
Thịt heo đông lạnh nhập khẩu phải được rã đông đúng cách thì mới đảm bảo chất lượng. Khi rã đông thịt phải theo phương thức đưa thịt ra tủ mát có nhiệt độ khoảng 4-50C để rã đông từ từ chứ không để thịt ra môi trường ngoài hay đặt thịt trong nước. Vì khi để thịt ra ngoài, nhiệt độ cao sẽ làm cho vi khuẩn dễ nhiễm vào thịt và phát triển, không đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.
Nguyễn Cẩm