Thịt heo đắt ngang thịt bò, nhiều người lo mất tết

19/11/2019 - 06:46

PNO - Giá heo liên tục tăng phi mã ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng dịp Tết Nguyên đán. Một số nơi, giá heo được so sánh đắt hơn thịt bò Mỹ.

Giá tăng là do thương lái?

Chiều 18/11, Bộ trưởng (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt heo quy mô. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, một số địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hưng Yên…

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ tháng 9, khi cơn sốt dịch tả heo châu Phi hạ nhiệt, giá heo hơi tăng dần, hiện giá heo hơi ở các tỉnh phía Bắc đang ở mức 66.500 đồng/kg; giá ở các tỉnh phía Nam là 63.500 đồng/kg.

Cục Chăn nuôi nhận định, nếu so sánh với các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc thì về cơ bản giá heo trong nước thấp và ít biến động trong suốt 10 tháng qua. Nhận định của ngành nông nghiệp, giá heo hơi trong nước phải vượt mức 50.000 đồng/kg từ thời điểm cuối tháng 9/2019, tuy nhiên, điều này đã diễn ra chậm hơn dự tính gần 1 tháng (Hiện giá heo hơi Trung Quốc đã lên đến 137.238 đồng/kg).

Cục chăn nuôi cho hay, phần lớn không phải thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin không rõ ràng khiến tình hình trở nên phức tạp, có biểu hiện găm hàng, thổi giá.

Cục chăn nuôi dẫn chứng, tại khu vực Hà Nội, giá heo của Công ty CP Việt Nam ngày 14/11 là 66.000 đồng/kg, nhưng thông tin thì đưa giá heo hơi Hà Nội là 73.000 đồng/kg (?).

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM có sự bất thường khi giá thịt ba chỉ đã lên mức 200.000 đồng/kg, theo ông, việc có yếu tố trung gian tác động đến giá sẽ rất lớn khi người bán lẻ ít hơn. Nếu như trước đây, một ngày TP.HCM tiêu thụ 9.500 - 10.000 con, hiện chỉ 8.000 - 8.500 con.

“Người bán lẻ phải bán tăng giá để bù đắp chi phí. Riêng những doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết nếu có được hệ thống cung cấp bán trực tiếp từ giết mổ đến bán lẻ thì điều tiết được giá" - ông Trung nói. Đồng thời, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cũng thừa nhận, giá heo hơi tại thành phố và các tỉnh lân cận hiện đã lên 70.000-72.000 đồng/kg.

Thit heo dat ngang thit bo,  nhieu nguoi lo mat tet
Heo được giết mổ trước khi lên xe đến chợ đầu mối chờ pha lốc tại một lò mổ trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Quốc Thái

Giữ nguồn thịt heo tết, 1 biện pháp không đủ

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P) cho rằng, nếu giá heo tăng quá cao, người chăn nuôi sẽ gia tăng tái đàn và nguy cơ bùng phát dịch hay có thể dẫn đến việc nhập khẩu thịt lợn số lượng lớn. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành chăn nuôi.

Nguồn cung của C.P hiện ổn định, tăng khoảng 10% đầu con so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện công ty đang cung cấp cho thị trường khoảng 16.000–17.000 con/ngày, giá 68.000 đồng/kg, nhưng ngoài thị trường giá trên 70.000 đồng/kg.

Ông Tuấn cho rằng, nếu tình hình này kéo dài thị trường sẽ có nhiều bất ổn nên C.P mong muốn cùng đồng hành với Bộ NN&PTNT trong việc ổn định thị trường, nhưng sẽ phải có các doanh nghiệp khác tham gia.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cho biết, Bộ NNPTNT nên báo cáo Chính phủ có chính sách bình ổn giá để người dân có thể chấp nhận được. Hiện cả Dabaco và CP đều đang thừa heo giống vì nông dân lo lắng không tái đàn.

Ngoài ra, ông Vũ Anh Tuấn kiến nghị, các bộ ngành cần quyết liệt và thường xuyên trong kiểm soát lợn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngành nên khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất. Khi trước đây, heo nuôi 25-26 tuần thì xuất bán, nếu nuôi trên 30 tuần sẽ tăng 20-30% sản lượng thịt. Đây là giải pháp vừa có lãi cho người chăn nuôi, vừa tăng nguồn cung.

Trước tình hình giá cả mỗi nơi một giá, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cho rằng, giải pháp đầu tiên cần thực hiện ngay là tháo gỡ khó khăn trong lưu thông. Đề nghị Cục Thú y phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển lưu thông các vùng miền. Nếu giải quyết được vấn đề lưu thông và ổn định tâm lý thì sẽ giá heo trong Tết này sẽ không bị tăng đột biến vì chính doanh nghiệp cũng mong muốn làm thế nào có thể bình ổn giá.

Đồng thời, ông Lương cũng đề nghị ngành khuyến khích tái đàn bằng các chính sách như khuyến khích, hỗ trợ tín dụng đối các với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện tái đàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, chúng ta đã “thủng” mất 8,8% sản lượng thịt heo do dịch tả heo châu Phi, mùa này lại là mùa tiêu dùng lớn nhất trong năm, nên trong 2 tháng còn lại của năm 2019 và quý đầu năm 2020, nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt heo cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Đây cũng là thời điểm có nhu cầu thực phẩm cao nhất. Nếu không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.

Theo Bộ trưởng trước mắt, cần phải tăng nguồn cung, đó là các loại thực phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng. Bên cạnh đó,  về thương mại, cần kiểm soát cả nhập và xuất để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi, cũng như an toàn dịch bệnh.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI