Thịt heo bơm nước 'vô phương' kiểm tra, quản lý

19/02/2019 - 14:01

PNO - "Đối với thịt heo việc bơm nước bẩn, chúng ta kiểm nghiệm vi sinh thì phát hiện khi không đạt, chứ còn chứ bơm nước sạch thì vô phương, kiểm tra bằng cách nào?", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM tại cuộc họp tổng kết công tác quản lý an toàn thực phẩm ngày 19/2, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết về một số khó khăn trong công tác quản lý vệ sinh ATTP trên địa bàn TP.HCM, cũng như những bất cập trong việc thi hành luật pháp ở lĩnh vực này.

Thit heo bom nuoc 'vo phuong' kiem tra, quan ly
Bà Phạm Khánh Phong Lan dẫn đoàn kiểm tra thực phẩm tết 2019 tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Bà Lan đánh giá khó khăn lớn nhất của ban là vấn đề thủ tục hành chính còn nhiêu khê, vất vả trong vấn đề xử phạt.

Cụ thể, việc xử phạt đối với vi phạm liên quan tới các mặt hàng nông nghiệp như thịt, rau củ quả, hiện tại ban quản lý chọn hình thức test nhanh. Tuy nhiên, một lô hàng, khi phát hiện vi phạm bằng mắt thường nhưng không thể lập biên bản, xử phạt, tiêu hủy ngay nếu không được sự hợp tác của chủ hàng. Phải lưu kho, chờ kết quả kiểm nghiệm, nhưng nếu kết quả cho ra an toàn thì phải đền bù. Còn không ngăn chặn, cho ra thị trường thì đi ngược lại với định hướng hoạt động của ban.

Theo bà Lan, đối với mặt hàng thịt, từ khâu chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, giết mổ thuộc về thú y, ra chợ lại thuộc về ban quản lý ATTP, nên cũng không tránh khỏi việc giẫm chân nhau. 

Tình trạng bơm nước cho heo, bà Lan xác nhận là có, do giá thịt heo thời gian gần đây đang tăng nên một số đối tượng đưa hàng kém chất lượng trà trộn vào chợ.

Thit heo bom nuoc 'vo phuong' kiem tra, quan ly
Thịt heo khi vào chợ đầu mối tại TP.HCM phải qua khâu kiểm tra bằng công nghệ quét mã QR truy xuất nguồn gốc.

TP.HCM đã thực hiện việc giết mổ tập trung, nên việc kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, heo từ các tỉnh vận chuyển đến TP.HCM tiêu thụ, điển hình như Long An, khi làm việc với TP.HCM, tỉnh này thừa nhận các lò giết mổ nhỏ lẻ có gian lận, bơm nước.

"Xe chở heo mổ đi tiêu thụ đều niêm phong cửa nhưng chỉ ở cửa sau, còn cửa hai bên thì không biết người ta làm gì, thậm chí có thể dừng ở giữa đường bơm nước. Việc này cần phối hợp giữa quản lý thị trường và công an, để ngăn chặn tại chỗ", bà Lan nói.

Ban quản lý ATTP TP.HCM hiện quản lý chủ yếu là trực tiếp từ từng sạp tại các chợ đầu mối, bằng việc treo ngược miếng thịt lên, lót giấy bên dưới xem có chảy nước hay không. Tuy nhiên, việc bơm nước bẩn khi kiểm nghiệm vi sinh sẽ cho kết quả không đạt, còn bơm nước sạch thì "vô phương" kiểm chứng.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc áp dụng khoa học công nghệ vào khâu truy xuất nguồn gốc là cần thiết, vì việc quản lý bằng giấy tờ, đóng mộc không còn phù hợp khi dễ bị làm giả.

Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn thịt này cần sự phối hợp đồng bộ từ các tỉnh thành có đưa nguồn thịt đến TP.HCM, do heo đến từ nhiều nguồn, bán ra ở siêu thị lẫn chợ truyền thống. 

Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018 của Ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết các đội quản lý ATTP kiểm tra, giám sát phát hiện chủ yếu các trường hợp vi phạm thường gặp như: thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng; kho chứa thực phẩm chưa có chế độ vệ sinh định kỳ, sàn kho bám bẩn; chưa có biện pháp phòng chống côn trùng, động vật gây hại, để thực phẩm trực tiếp dưới sàn.

Ban đã xử phạt 14 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt là 407,2 triệu đồng, tiến hành tiêu hủy 29.404 kg thịt heo, 1.000 kg da heo, 2.275 kg lòng heo không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.485 kg thịt heo, 108 kg thịt bò nhập khẩu hết hạn sử dụng.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI