Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil, hai tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Brazil trị giá kim ngạch khoảng 12,8 triệu USD, nhưng đáng lo ngại là người tiêu dùng không biết lượng thịt này đã “đi đâu, về đâu”, phân phối ở những kênh nào?
Việt Nam chủ yếu nhập thịt gà Brazil
Chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Hồng Quang, tham tán thương mại, Thương vụ VN tại Brazil, ông Quang cũng không cung cấp được số liệu cụ thể về các mặt hàng thịt, tên đơn vị xuất khẩu thịt sang Việt Nam; chỉ khuyến cáo các cơ quan chức năng của ta cần có các biện pháp kiểm tra chặt để đảm bảo các sản phẩm thịt nhập từ Brazil thật sự an toàn.
Người tiêu dùng rất cân nhắc khi chọn các sản phẩm thịt bò nhập khẩu
|
|
Ghi nhận tại các cửa hàng thực phẩm, siêu thị tại TP.HCM thời điểm này, chúng tôi nhận thấy gần như không đơn vị nào nhận phân phối thịt và các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Brazil, đặc biệt là thịt bò.
Đại diện Satra cho biết, 107 cửa hàng tiện lợi chưa từng bán thịt bò nhập từ Brazil, thịt heo thì toàn bộ do Vissan cung cấp. Tương tự, theo đại diện Sài Gòn Coop, toàn bộ thịt đang kinh doanh tại các điểm bán lẻ, siêu thị của hệ thồng đều do Vissan cung cấp.
Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty (CT) Vissan, cho biết, hai CT JBS và BRF được cho là có liên quan đến phi vụ thịt bẩn, đã không ký kết hợp đồng với Việt Nam mà hợp đồng mua bán thịt từ các CT khác. Việt Nam chủ yếu nhập thịt gà Brazil, thịt bò nhập không đáng kể, chủ yếu làm thức ăn công nghiệp và đồ hộp.
Hiệp ước thương mại giữa Việt Nam và Brazil còn nhiều rắc rối nên lượng thịt bò nhập cũng không bao nhiêu. Vissan cũng nhập 45 tấn thịt bò Brazil nhưng từ CT khác chứ không liên quan đến hai CT trên; thịt đã được kiểm tra bởi các cơ quan chức năng Việt Nam, đảm bảo chất lượng.
Theo một số nhà nhập khẩu chuyên kinh doanh các mặt hàng thịt đông lạnh, cách đây khoảng hai-ba năm, nhiều doanh nghiệp (DN) muốn nhập thịt bò Brazil nhưng bò Úc sống nhập về khá nhiều, giá thành ổn định, lại phù hợp với thị hiếu thích ăn tươi của người Việt Nam, nên các DN không dám nhập thịt bò Brazil số lượng lớn; chỉ một số ít đầu mối nhập bắp và sườn bò Brazil về phân phối trực tiếp cho các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm chuyên kinh doanh thực phẩm Brazil.
“Trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2017 đối với thịt và các sản phẩm thịt có lẽ phần lớn nằm ở mặt hàng chân, đùi, cánh gà… nhập khẩu từ nước này”, một nhà nhập khẩu thịt đông lạnh có trụ sở tại Q.Thủ Đức phân tích.
CT Đệ Nhất (Q.Gò Vấp), một DN nhập khẩu thịt đông lạnh cho biết thêm, trước giờ chỉ nhập khẩu nhiều sản phẩm gà từ Brazil do giá thành thấp, còn thịt bò thì chỉ chọn bò Úc hay Mỹ vì giá cạnh tranh; đặc biệt là phát triển xu hướng nhập nguyên con bò Úc về vỗ béo, giết mổ. Giá thịt bò từ Brazil không hấp dẫn nên nguồn hàng này không phổ biến như đùi, cánh, chân gà Brazil trên thị trường.
Để tìm hiểu sâu hơn về đường đi của các nguồn thịt nhập từ Brazil về TP.HCM, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với đơn vị “gác cổng” trực tiếp nguồn thịt nhập từ các nước về các cảng của TP.HCM là Trung tâm Thú y Vùng VI, nhưng không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ thông
tin nào.
Nhiều trang mạng vẫn bán
Hỏi mua thịt bò nhập khẩu qua website www.Bongon.vn có trụ sở tại Q.9, TP.HCM, nơi chuyên cung cấp thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Brazil… đại diện CT này cho biết, hiện đã tạm ngưng bán các sản phẩm bò nhập từ Brazil do thông tin thịt bị nhiễm bẩn. Trước đây CT có nhập bắp bò Brazil nhưng số lượng không nhiều, tất cả đều có giấy tờ cần thiết theo quy định.
Vào fanpage “Phan phoi thuc pham” của một CT ở Hà Nội chuyên phân phối thịt đông lạnh nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Brazil, Nhật… chúng tôi được biết, CT vẫn bán bình thường cánh và đùi gà nhập từ Brazil. Hỏi thêm vấn đề “liệu thịt có đảm bảo an toàn sau vụ bê bối thịt bẩn từ Brazil”, nhân viên của CT thản nhiên cho biết là có nghe nhưng sản phẩm của CT có giấy tờ đàng hoàng nên vẫn bán.
Tương tự, ông P. M.T., đại diện CT An Việt (Hà Nội) chuyên phân phối các loại thịt bò, trâu, gà, heo, cá… nhập từ các nước Brazil, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Úc… cho biết, CT vẫn đang bán hai sản phẩm của Brazil là bắp bò, đùi và cánh gà. Theo ông T., dù có nghe thông tin bê bối thịt bẩn tại hai CT ở Brazil nhưng chưa kiểm tra xem lô hàng của mình có phải từ hai CT đó không.
Ông khẳng định, CT ông nhập chủ yếu qua đường chính ngạch, có giấy tờ của hải quan, được kiểm dịch vùng thông qua, về đến Việt Nam lại phải kiểm tra lần nữa, nên rất yên tâm. “Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu cung cấp cho siêu thị, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp nên phải đảm bảo giấy tờ đầy đủ. Chúng tôi chỉ phân phối, không có phương tiện để kiểm tra chất lượng từng lô hàng, nên chỉ cần cơ quan chức năng kiểm tra, thông qua thì yên tâm bán cho người tiêu dùng”, ông T. chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế là mặt hàng chân gà Brazil đang “bốc hơi” một cách khó hiểu tại một số cơ sở chuyên cung cấp hàng đông lạnh. Một mối buôn lớn ở Hà Nội tại khu vực Đông Anh, cho biết gần đây chỉ có chân gà Đức và Ý, cơ sở mới chỉ đăng tin rao bán chân gà Brazil trên website vatgia.com khoảng một tuần trước.
Một cơ sở tại Mê Linh, Hà Nội, cũng xác định mình chỉ cung cấp chân gà Đức, vì hàng Brazil đang có “vấn đề” nên hiện không nhập. Sự biến mất êm thắm thịt nhiễm bẩn khiến nhiều người không khỏi hoài nghi.
Chiều 23/3, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đã chính thức có quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil, bắt đầu từ ngày 23/3/2017. Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thịt từ Brazil đã chuyển lên các phương tiện vận chuyển về Việt Nam trước ngày ra quyết định; nếu phát hiện có sản phẩm từ 21 nhà máy này phải tạm ngừng kiểm dịch nhập khẩu và báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, xử lý.
Đáng lưu ý, trong danh sách các nhà máy chế biến thịt xuất khẩu của Brazil bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam có CT BRF S/A nhưng không có CT JBS S/A.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT vẫn chưa có câu trả lời chính thức cho người tiêu dùng về việc Việt Nam đã nhập những mặt hàng gì, có nguồn gốc từ CT BRF S/A, JBS S/A hay các CT khác đã bị tố xuất khẩu sản phẩm mất an toàn thực phẩm của Brazil.
Trong trường hợp Việt Nam có nhập từ các CT trên, việc rà soát lượng thịt tồn dư sẽ thế nào, khi hầu hết các sản phẩm này không phân phối qua hệ thống siêu thị, những CT chế biến thực phẩm lớn mà đa số là “mua đi bán lại” hoặc qua một CT chuyên nhập khẩu nào đó. Tình trạng này rất đáng lo vì các nhà phân phối tin vào con dấu của các cơ quan chức năng nên lô hàng có nhiễm bẩn hay không nhà phân phối cũng không nắm rõ.
Đăng Thư - Thu Hồng - Huyền Anh
Danh sách 21 doanh nghiệp Brazil bị tạm ngưng xuất khẩu thịt vào Việt Nam
Frigoritico Oregon S/A; Frango D M Industria E Comercio De Alimeentos LTDA; Seara Alimetos LTDA; Peccin Agro Industrial LTDA - EPP; BRF S/A; Frigorifico Agrus LTDA; Frigomax Frigorifico E Comercio De Carnes LTDA; Industria E Comercio De Carnes Frigosantos LTDA; Peccin Agro Industrial LTDA, JJZ Alimentos S. A; Balsa Comercia De Alimentos Eireli – ME; Madero Industria E Comercio S. A; Frigorifico Rainha Da Paz LTD - ME; Industria De Laticinos S. S. P.M.A. LTDA; Breyer & Cia LTDA; Frigorifico Larossa LTDA,Central De Carnes Paranaense LTDA - ME; Frigorifico Souz Ramos LTDA; E.H. Constantino & Constatino LTDAl; Fábrica De Farinha De Carnes Castro LTDA; Transmeat Logistica, Transportes E Servicos LTDA.
|