Heo chết bốc mùi bị cơ quan chức năng thu giữ - Ảnh: H.Lộc
Ngày 18/5, Chi cục Thú y TP.HCM đã công bố kết quả xét nghiệm liên quan đến vụ hơn 1 tấn thịt heo thối lọt vào TP.HCM. Theo đó, ba mẫu thịt thối mang xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với heo tai xanh và dịch tả. Đây là lô hàng bị bắt giữ ngày 9/5, được chuyên chở trên một xe khách và chỉ là một trong nhiều vụ tuồn thịt bẩn vào TP bị phát hiện.
Đóng dấu cho... heo bệnh
Ngày 6/5, một xe đông lạnh vận chuyển gần 6.800kg heo con có đóng dấu kiểm soát giết mổ của Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên qua kiểm tra, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện trong một lô loại 10 con/bao có bốn con bị xuất huyết điểm trên da. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm dịch lại toàn bộ lô hàng. Kết quả, mẫu xét nghiệm lô hàng dương tính heo tai xanh. Thế mà lô hàng trên đã “lọt” qua hàng loạt trạm kiểm dịch từ Thái Bình vào Đồng Nai mà không một cơ quan thú y nào phát hiện.
Tương tự, ngày 2/4, Chi cục Thú y TP.HCM đã tiêu hủy 1,2 tấn thịt heo sữa bị xuất huyết nặng sau khi “lọt” qua bảy trạm kiểm dịch từ Quảng Ngãi vào Đồng Nai gồm trạm kiểm dịch động vật Đức Phổ (Quảng Ngãi), trạm kiểm dịch động vật Bình Đê và trạm kiểm dịch động vật Cù Mông (Bình Định), chốt kiểm dịch động vật Bình Phú và trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn (Phú Yên), trạm kiểm dịch động vật Thuận Bắc (Ninh Thuận) và trạm kiểm dịch động vật Ông Đồn (Đồng Nai). Điều đáng nói, lô heo bệnh này lại được Chi cục Thú y Quảng Ngãi cấp giấy phép chứng nhận kiểm dịch.
Vận chuyển gia cầm bằng đường... hàng không
Ông Phan Xuân Thảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết thời gian qua chi cục phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện một vụ vận chuyển gia cầm sống từ miền Bắc vào TP.HCM bằng đường hàng không. Lô hàng này có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch nhưng qua kiểm tra cụ thể, chi cục phát hiện lô hàng vượt quá số lượng cấp trong giấy phép vận chuyển nên bị xử phạt hành chính.
Theo ông Thảo, việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật bằng đường hàng không không phải là hình thức vận chuyển mới mà xuất hiện một thời gian dài. Các mối vận chuyển thường xuất phát từ sân bay Nội Bài, sân bay ở Hải Phòng vào TP.HCM và ngược lại. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép bằng đường hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Cục Thú y có hẳn một đơn vị kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ.
Theo một cán bộ trạm kiểm dịch Chi cục Thú y TP.HCM, dù vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao nhưng hiện nay phương thức vận chuyển này khá phổ biến, vì rút ngắn được thời gian và lách được sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Liên tục “lọt” vào TP
Ngày 19/5, trạm thú y Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết rạng sáng 12/5 cán bộ trạm kiểm tra, phát hiện một xe ba gác vận chuyển sáu thùng xốp đựng 190kg vú heo. Theo người vận chuyển, lô hàng được một xe khách vận chuyển từ miền Trung vào TP.HCM, khi đến quốc lộ 13 thì “chẻ” hàng và thuê ông chở đến điểm tiêu thụ. Qua kiểm tra, trạm thú y Q.Bình Thạnh phát hiện lô hàng không có nguồn gốc xuất xứ, không giấy kiểm dịch, đồng thời bị rỉ nước, một số thùng bốc mùi hôi thối nên quyết định tiêu hủy.
Bà Đặng Thị Tuyết - trạm trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM - cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, trạm phát hiện 117 trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép. Các trường hợp này đa số vận chuyển bằng xe tải và không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đường đi của các loại thịt bẩn từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào TP.HCM, đặc biệt heo sữa bẩn xuất phát từ Quảng Ngãi, Bình Định... vào TP.HCM khá nhiều.
Đơn cử một trường hợp cụ thể, ngày 19/4, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với cán bộ đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc kiểm tra, phát hiện xe khách Tú Lan vận chuyển động vật trái phép từ Bình Định vào TP.HCM tiêu thụ. Lô hàng này có hàng loạt heo chết thối. Qua kiểm tra, tổ liên ngành phát hiện xe khách vận chuyển 84 con heo, 14 con chó với tổng trọng lượng 1.040kg, trong đó có 17 con heo - trọng lượng 290kg - chết thối đang trong quá trình phân hủy. Tài xế khai nhận số heo được chở từ Phù Mỹ (Bình Định) và lách qua được tất cả chốt kiểm tra của các trạm kiểm dịch dọc đường để vào giao hàng cho đầu mối tại trạm xe buýt gần Trường ĐH Nông lâm (Q.Thủ Đức). Toàn bộ lô hàng đều không nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, do đó trạm kiểm dịch lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lô hàng theo quy định.
Theo HOÀNG LỘC - MAI HƯƠNG (Tuổi Trẻ)
Khó nhận diện thịt bẩn đã qua chế biến Theo trạm thú y Q.Tân Phú, việc nhận diện thịt hôi thối, kém chất lượng khi đã qua chế biến là rất khó bởi các mặt hàng này đã được “phù phép” bằng cách tẩm ướp các loại hương liệu, khử mùi rất tinh vi. Chỉ một số ít trường hợp sản phẩm quá tệ bốc mùi hôi thối, thịt bở thì khách mới có thể nhận biết. Cùng nhận định như vậy, ông Trảo An Hà - trạm trưởng trạm thú y Q.Thủ Đức - cho rằng chỉ những người sành ăn và ăn quen thuộc tại một nhà hàng, quán nhậu thì mới có thể phát hiện được chất lượng thực phẩm. H.LỘC |