PNO - Đã từ lâu, tôi chẳng còn ngạc nhiên trước những cuộc hôn nhân đáng giật mình, thế nên, tôi càng ngưỡng mộ hơn khi bắt gặp những người phụ nữ hiên ngang sống, hiên ngang làm, hiên ngang yêu và dường như chẳng ngại đất, ngại...
“Đôi khi em nghĩ, tại sao mình không tự sống đời mình mà phải vướng víu lệ thuộc quá nhiều thứ. Sau khi lấy chồng, em mất kiểm soát cảm xúc, trở nên e dè trước mọi sự. Thỉnh thoảng, em tự hỏi, tại sao lại vội vã lấy chồng, lấy cho bằng được, sao không cứ ung dung mà sống…”. Lời tâm sự của cô em họ khiến tôi suy ngẫm mãi. Nhìn quanh, ngày ngày tôi gặp biết bao nhiêu người, vì nhiều lý do đã vội lấy chồng, để lại sau lưng những câu hỏi “tại sao...?"
Có chồng, mọi việc đơn giản hơn?
Đến tuổi thì thành thân, đó là việc rất đỗi bình thường, thuận quy luật tự nhiên. Vậy mà nghe tin Thái Hạnh - cô tiến sĩ hóa học đang công tác tại một viện nghiên cứu - lấy một anh Việt kiều Mỹ xa lạ, ai cũng giật mình. Hạnh sinh năm 1978, cái tuổi không còn trẻ trung gì, nhưng đâu phải vội vã lấy chồng cho có với người ta… Hạnh thành đạt, thu nhập tốt và sở hữu một ngôi nhà xinh xắn. Ai cũng tin Hạnh bình an với cuộc sống ấy, cuộc sống bận rộn và tự do. Vậy mà, Hạnh lấy chồng…
Nghe đâu anh chồng chỉ là một tài xế giao hàng đường dài, được dì của Hạnh mai mối. Cô nhanh chóng gật đầu và đám cưới diễn ra chóng vánh. Hạnh nghĩ gì khi quyết định điều đó, chẳng ai đoán được. Nhưng sau ngày cưới, khi người đàn ông đen đúa ấy ra sân bay về lại Mỹ, tôi thấy Hạnh lặng lẽ đi đăng ký học làm “nail”. “Ở bên ấy nghề làm móng sống được chị ơi. Tuổi này học lại từ đầu để kiếm việc làm khác chắc cũng khó. Thôi, em theo chồng vậy, có gì ảnh lo thêm. Có người đàn ông bên cạnh, mọi việc đơn giản hơn mà…”, Hạnh nói gọn hơ.
Có người đàn ông bên cạnh, mọi việc đơn giản hơn… biết bao nhiêu người đã nghĩ thế khi bước vào hôn nhân. Tôi vẫn không hiểu khi định cư cùng chồng ở một đất nước xa lạ, không người thân bên cạnh, bắt đầu lại từ đầu với một công việc lao động phổ thông, Hạnh có gặp suôn sẻ như cô nghĩ không?
Ngồi trong phòng trọ nhỏ xíu ngột ngạt ở đường DT 743, P.Bình Chuẩn, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, tiếng khóc của Tiền làm cho tôi khó thở. Lênh - chồng Tiền đã bỏ đi theo cô bé nhà trọ bên cạnh. Tiền mới sinh con được hơn hai tháng, còn đang nghỉ hộ sản. “Ảnh mang theo hết tiền để dành của em rồi, giờ sống sao đây chị?”, Tiền rấm rứt. Tôi không biết trả lời sao.
Tiền quê An Giang, Lênh là người Trà Vinh cùng làm trong khu công nghiệp tại Thuận An này. Tiền từng sống chung với một người đàn ông khác cùng công ty hai năm. Rồi người đàn ông ấy dọn qua khu trọ kế bên sống cùng người phụ nữ khác. Cứ thế, họ xoay một vòng lẩn quẩn. Yêu đương, ghen tuông, nước mắt và những số phận đàn bà cứ chồng chéo lên nhau. Họ không dám sống một mình, vui một mình và tự chăm sóc mình. Quáng quàng cuốn vào đời mình thêm một mối quan hệ, rồi tất bật mỗi lúc tan ca là lao về chợ búa nấu nướng dọn dẹp, chờ đợi. Rồi lén nuốt nước mắt đâu đó để ráng chịu đòn roi, đánh đập. “Ngày nào ở đây mà không có khóc lóc chửi bới nhục mạ nhau cô ơi”, ông Ân - chủ dãy nhà trọ thở dài…
“Nhưng biết lấy gì làm vui, tụi em ở đây ai cũng ôm chiếc điện thoại khi hết giờ làm việc. Cuối cùng hẹn hò là chuyện vui nhất ở đây. Sau hẹn hò, thì là dọn về sống chung để tiết kiệm chi phí, lại được gần nhau. Xung quanh đây, rất nhiều người như thế. Sống một mình và thuê chung nhà với các bạn khác thì buồn lắm.”, Tiền lý giải đơn giản như thế cho mình, cho cuộc hôn nhân không giấy giá thú.
Ảnh minh họa
Mình sống đời mình
Với Thái Hạnh, với Tiền và vô vàn Đào, Bông, Liễu… nào đó, đàn bà không người yêu, không chồng là một thiếu hụt. Bằng cách này hay cách khác, họ phải có người đàn ông bên cạnh. Họ không cần hạnh phúc, không cần đến đời sống cá nhân; sự sống còn của cuộc hôn nhân mới là “tín hiệu tồn tại” của họ.
Đã từ lâu, tôi chẳng còn ngạc nhiên trước những cuộc hôn nhân đáng giật mình, thế nên, tôi càng ngưỡng mộ hơn khi bắt gặp những người phụ nữ hiên ngang sống, hiên ngang làm, hiên ngang yêu và dường như chẳng ngại đất, ngại trời.
Chị là một giáo viên dạy Anh văn nổi tiếng. Chị sinh năm 1968, việc chị đến giờ vẫn sống một mình luôn là đề tài thú vị cho bao người. Nói như chị Hiên, bạn đồng nghiệp của chị: “Nó dư tiêu chuẩn để lấy chồng, nên đành ở vậy, cho người ta tiếc chơi…”. Chị thú vị đến ngạc nhiên. Chị ăn chay trường, ngoài giờ dạy ở trường thì đi dạy kỹ năng cho các nhà mở, dạy các em bụi đời lang thang. Một mình một xe, chị rong ruổi từ nơi này đến nơi khác.
Những ngày nghỉ, chị đăng ký đi học các khóa học về thiền, về đời sống nội tâm… Chị duyên dáng đến mức không ít phụ nữ thầm ganh tị . Chị hay ho đến mức đàn ông thích nói chuyện, tâm sự với chị bất cứ chuyện gì. Đám phụ nữ chồng chồng con con luôn e dè mỗi khi chị xuất hiện. Chị đến đâu, đám đông rộn rã nói cười đến đó. Có lần tôi hỏi: “Có khi nào chị bức bối tới mức phải lấy chồng liền cho xong chưa?”. Chị cười: “Chưa bao giờ! Lấy sao cho xứng đáng tấm chồng. Lấy chồng, phải lấy người mình thương. Chị đã trải qua biết bao mối tình thời son trẻ, nhưng chắc chưa đủ chín để đưa đến hôn nhân, đành thôi. Chị không muốn mình sống trong cuộc hôn nhân chín ép. Gượng gạo và mệt mỏi. Hư cả đời”. Chị sống đủ đầy như thế. Và dường như chị quên phắt việc mình phải lấy chồng cho trọn vẹn.
“Mình từng kết hôn, chia tay liền ngay sau ba tháng sống chung. Hơn 10 năm rồi mình sống một mình. Vậy là đủ”, Minh - chủ một quán cà phê nhiều hoa tươi rất lãng mạn trên đường Nguyễn Công Trứ (TP.Đà Nẵng) nói chuyện khi tôi ngồi ở quán một chiều tháng Sáu. “Bạn có tiếc không?”, tôi hỏi. “Không, mình thấy mình đúng. Không ổn thì dứt khoát nhanh, dây dưa chỉ khổ mình, buồn người”. Giá mà đàn bà nào cũng nhẹ tênh như thế, đời họ sẽ yên ổn biết bao.
Bổn phận làm vợ, làm dâu của nhiều người đàn bà chính là những mối dây buộc họ suốt đời. Họ cứ thế, tự đồng nhất cuộc sống của mình, giá trị bản thân mình với sự nương tựa hờ hững vào một quan hệ hôn nhân, để rồi nhắm mắt đưa mình vào những cuộc vợ chồng cho có, cho xong, cho người đời thôi hỏi han dị nghị. Họ bỏ mặc những vui buồn thường tình để đi tìm hôn nhân và nương náu bình an trong ấy. Biết sao được, khi đâu đó quanh chúng ta, “một tấm chồng” vẫn được dùng làm thước đo, định đoạt giá trị sống của bao phụ nữ. Vẫn còn những tiếng nhắc nhau “thôi kệ, đàn bà mà, an phận đi…”.
Thật khó để mọi phụ nữ đều hiểu đúng, hiểu đủ về giá trị bản thân, về cuộc sống “tự mình thôi cũng vẹn tròn”, tách biệt khỏi những “ám ảnh” thiết tha về sự đủ đầy hôn nhân.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".