Thím tôi

01/04/2013 - 17:14

PNO - PN - Chú thím Ba của tôi là nông dân. Nhà có hơn hai mẫu đất làm lúa hai vụ, còn đất làm đập (lấy nước cho tôm cá vào tự sinh sôi, đến kỳ, xả đập thu hoạch) thì hơn chục mẫu. Chú thím có năm người con trai. Mỗi đứa được cha...

Tôi thấy chú thím không chỉ giỏi làm ăn mà còn giỏi dạy con. Trong năm cô con dâu, chỉ có cô dâu út là có trình độ đại học và là con dâu duy nhất quê ở tỉnh khác. Hai đứa yêu nhau từ hồi học trường luật, ra trường lấy nhau rồi cùng về công tác tại một cơ quan tư pháp ở huyện. Những tưởng cô dâu này được “cưng chiều” hơn các cô dâu khác, nhưng không phải. Có lần tôi đến gặp nhằm lúc cả nhà ra làm cỏ lúa, cô dâu út không quen làm ruộng, lội bùn cứ xiêu vẹo, bị thím tôi mắng: “Út, bây lẹ lên chứ, để mấy chị chờ hả?”. Cô Út phải ráng hết sức, rồi phải nhờ mấy chị bạn dâu “rước”. Tôi nhớ trước đó, lúc cả nhà làm vịt đãi khách, cô dâu thứ hai nói: “Út à, để chị cắt cổ cho, em nhát tay cắt vịt không chết!”; còn cô dâu thứ ba thì bảo: “Để em phụ chị Hai nhổ lông con, chứ mình thím Út nó thì làm biết bao giờ mới xong”. Thì ra, các cô dâu này không có “khoảng cách” gì với cô em dâu trí thức mà thường xuyên san sẻ, gánh vác, giúp đỡ nhau.

Thím Ba kể, thằng Tư (con thứ ba, gọi theo kiểu Nam bộ) có hồi bày đặt đèo bòng mèo mỡ. Cô vợ bắt được mấy lần, năn nỉ ỉ ôi không được toan tự tử. Thím hay chuyện bảo: “Bây để đó tao lo”. Thím gọi điện kêu thằng Tư lên nhà, bắt nằm dài trên giường, cầm cái roi tre gõ xuống giường rôm rốp. Thằng con ba mươi mấy tuổi riu ríu dạ dạ. Thím nói: “Bây lớn đầu rồi, có con có cái rồi, nếu không ưng vợ nữa thì thôi, lấy vợ khác, còn vẫn ở chung thì phải giữ đạo để tròn phận làm cha, tức là cháu nội của tao. Mà tao nói trước, có lấy thì phải lấy đứa nào hơn vợ mày, chứ lấy thứ bá vơ thì tao bửa đầu!”. Rồi thím quất con hai roi. Thằng Tư xin lỗi rối rít. Từ đó chừa.

Thim toi

“Giết gà dọa khỉ”, sau chuyện này, không thằng nào dám léng phéng. Hồi địa phương rộ phong trào bia ôm, chú tôi cũng “đi cho biết”, thím hay được, liền cấm cửa, xe không cho đi, nhà không cho vào, tiền thím cắt sạch, ruộng thím tự làm, đập thím tự xổ… Mãi đến hồi bà tôi (mẹ của chú Ba) phải xuống nước năn nỉ, bắt chú Ba xin lỗi, thím mới bỏ qua. Thành ra các thằng em tôi đều ngán mẹ một phép. Mới đây, thằng Hai bỏ làm, mê đá gà, vợ nó nói không được, chạy qua kêu thím Ba: “Mẹ coi đó, ảnh cờ bạc, con nói hoài mà không bỏ, chắc con trả ảnh cho mẹ, con dắt hai đứa con về bên ngoại…”. Nhìn hai đứa cháu nội, đứa đã học cấp III, đứa sắp vào cấp II, thím phán: “Bây đừng có nói chuyện về bển. Để mẹ tính!”. Thím qua nhà, lên trên chòi, gom mấy con gà đá của thằng Hai, về làm thịt nấu cà ri hết rồi hẹn cả nhà về ăn cơm. Thím nói: “Đây là gà đá, mỗi con cả chỉ vàng, bữa nay mẹ làm bữa ăn đáng giá cả cây vàng, để cho tụi bây nhớ: thà mất một cây vàng này mà không mất nhà cửa, tài sản, vợ con; không bị tù tội. Ăn xong tụi bây phải nhớ, mẹ không có nói chơi đâu!”. Thằng Hai nghe mà xanh mặt, không dám trả lời câu nào, cố ăn xong bữa rồi rúc lên chòi ở, cả tháng mới dám về. Từ đó thấy đám đá gà cũng không dám đứng lại coi.

Nghe mấy chuyện, tôi phục quá, hỏi thím: “Vậy thím chắc có bí quyết?”. Thím cười rổn rảng: “Có bí quyết gì đâu! Thím không có con gái nên thương con dâu như con thì tụi nó thương mình lại thôi. Thêm nữa, thím không bênh con, con hay dâu, đứa nào sai thím cũng rầy, cũng xử hết. Đến chú Ba mày còn phải nể tao mấy phần, tụi nhỏ sao dám cà chớn!”.

Có lần về thăm, thấy thím Ba với mấy con dâu đang hát karaoke, tôi cười nói: “Thím Ba với mấy em cũng văn nghệ dữ hén!”. Thím lại cười rổn rảng: “Phải vậy chứ con, chứ không tụi nó nói mình già, lạc hậu”.

Ngô Đồng Vũ

Từ khóa Thím tôi
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI