Các hộ gia đình làm kinh tế, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ sản xuất sản phẩm chủ lực, tiềm năng (cơ khí, điện tử, hóa dược, cao su, nhựa, chế biến tinh lương thực – thực phẩm, công nghiệp truyền thống dệt may) làm thế nào đế vay vốn trong chương trình TP ráo riết hỗ trợ?
|
Thời hạn vay vốn ngắn, nông dân chưa kịp thu hoạch đã phải lo trả nợ |
Điểm nóng của hoạt động này, theo TP là để thúc đẩy DN tiếp cận vốn ,kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, cụ thể là thúc đẩy DN tiếp cận các quỹ do Ngân hàng Nhà nước thành lập. Đó là các Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa để hỗ trợ DN, Quỹ hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã… có chức năng bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn tại ngân hàng. Điều tréo ngoe là NHNN quy định các quỹ này vẫn yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp đảm bảo mới cho vay.
Người bảo lãnh sợ trở thành... con nợ
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chủ lực, tiềm năng, không có vốn lớn và thường tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp. Đất này được định giá theo khung do UBND TP.HCM quy định, có giá trị thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Kết quả là mức cho vay của ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư của DN.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc thường trực, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM cho hay, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực không giới hạn về hạn mức vốn vay. Chỉ cần DN đáp ứng đủ yêu cầu, ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa về vốn. Ngân hàng Nhà nước cam kết không để DN đủ yêu cầu không được vay vốn và không bao giờ thiếu tiền cho DN vay. |
Chưa kể, có trường hợp đổ tiền vào xây dựng nhà xưởng, công trình trên đất nhưng chúng không thể trở thành tài sản đảm bảo để vay nợ vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu VINA T&T cho biết, công ty có hợp đồng khoán phát triển kinh tế có thời hạn với nông dân. Hợp đồng quy định, DN có thể sử dụng đất để thế chấp vay vốn. Song ngân hàng cho rằng đất liên kết này không tính vào tài sản nên không thể dùng thế chấp. Điều kiện để ngân hàng cho vay phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Chúng tôi thuê đất trong khu công nghiệp hàng chục năm, rất có giá trị nhưng không được tính là tài sản thế chấp thì phải làm sao để tiếp cận nguồn vốn?” - Ông Trịnh Tiến Dũng – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cơ khí Thương mại Đại Dũng hỏi.
Sự bất nhất giữa các Quỹ và ngân hàng khiến DN tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí khi đi vay vốn. TS Từ Minh Thiện – Phó trưởng ban, Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM – cho biết, dù Quỹ đã thẩm định tài sản để cấp bảo lãnh tín dụng rồi nhưng các ngân hàng vẫn thẩm định lại hồ sơ một lần nữa. Điều này là không nên vì gây rắc rối cho doanh nghiệp. Mặt khác, mỗi địa phương còn tự xây dựng một quy trình cấp bảo lãnh tín dụng riêng cũng gây lúng túng cho người đi vay.
Quy định về quy mô của DN vừa và nhỏ không đúng thực tế nên các DN khó được vay vốn theo yêu cầu. Theo quy định, DN vừa và nhỏ chỉ có nguồn vốn tối đa 100 tỷ đồng hoặc tối đa 300 lao động. Song thực tế, không ít DN có số lao động rất ít, dưới 100 lao động đạt điều kiện cho vay nhưng vướng ở vốn cao hơn 100 tỷ. Nếu DN này vay nhiều tiền, các Quỹ cũng khá dè dặt khi đứng ra bảo lãnh tín dụng.
Ngoài ra, lý do các Quỹ ngại bảo lãnh cho DN, nhất là DN sản xuất nông nghiệp, vì sợ DN xảy ra rủi ro khiến Quỹ phải trả nợ thay. Pháp luật quy định các Quỹ phải bảo toàn vốn, nếu trả nợ thay tức là Quỹ phải chấp nhận hụt mất vốn.
“Thời gian làm thủ tục cho đến lúc giải ngân quá dài mà thời hạn cho vay quá ngắn, không phù hợp với đặc thù sản xuất ở địa phương. Nhiều gia đình khi nhận đồng vốn về, vừa triển khai việc cải tạo vườn, chăm sóc cây giống, chưa kịp thu hoạch gì thì đã đến kỳ hạn trả nợ” - TS Từ Minh Thiện nói.
Nóng ruột để Quỹ thành bệ đỡ
Hiện số lượng DN nhỏ và vừa VN rất lớn, nhu cầu vốn cao, các quỹ nhà nước thành lập không thể thỏa mãn nhu cầu vốn của DN. Theo Tiến sĩ Trương Văn Khánh – Trường Đại học Sài Gòn, cần thay đổi mô hình bảo lãnh. Hiện tại Việt Nam chỉ có một mô hình bảo lãnh các DN và do nhà nước thành lập. Thực tế, nhiều quốc gia khác còn có các quỹ hoạt động phi lợi nhuận do hiệp hội thành lập mà vốn do thành viên trong hiệp hội đóng góp nhằm bảo lãnh, trợ giúp các DN thành viên. Ngoài ra, cũng có quỹ do các tổ chức, công ty thành lập, hoạt động kinh doanh chính là bảo lãnh, trợ giúp các DN. Do vậy, Chính phủ cũng cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế cho phép thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng do các hiệp hội và DN thành lập để gia tăng số lượng các quỹ và tăng sự lựa chọn cho DN.
Để Quỹ mạnh dạn bảo lãnh cho DN vay vốn, các ngân hàng thương mại phải cùng chia sẻ rủi ro. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có Thông tư yêu cầu các ngân hàng góp vốn vào quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng hiện nay hầu hết các ngân hàng vẫn... tiền ai nấy giữ vì vốn góp vào đây sẽ không sinh lợi nhuận. “Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, nếu ngân hàng chia sẻ rủi ro với các Quỹ theo tỷ lệ 80% và 20% , hoạt động bảo lãnh tín dụng phát huy hiệu quả tốt, việc giám sát rủi ro khoản vay và thu hồi nợ cũng tốt hơn” – TS Trương Văn Khánh đề xuất.
Ông Trần Việt Anh – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết thêm, đa số DN sản xuất sản phẩm chủ lực tại TP có uy tín xây dựng thương hiệu 10-20 năm, rất ít rủi ro trong sản xuất. Tại sao các ngân hàng không dựa vào uy tín, vị trí của DN để cho vay mà chỉ chú trọng vào tài sản đảm bảo.
Ngoài căn cứ vào tài sản thế chấp, theo TS Từ Minh Thiện các ngân hàng có thể triển khai các gói “bao thanh toán” cho DN. Điều này có nghĩa, các ngân hàng nên căn cứ vào hợp đồng cung cấp sản phẩm của DN đối với nhà bán lẻ (siêu thị Saigon Co.op, Satra, Big C, Lotte, AeonMall hoặc các nhà bán sỉ hay DN chế biến, xuất khẩu…) để cấp tín dụng tương ứng với 70 – 80% giá trị hợp đồng cung cấp sản phẩm. “Sở Công thương cần chỉ đạo các siêu thị, công ty đầu ngành là bên mua lớn đồng hành cùng ngân hàng trong việc xác nhận bao thanh toán để hỗ trợ các DN vay vốn” – Đại diện ngân hàng Sacombank đề nghị.
Đại diện ngân hàng Agribank cho biết, đối với các DN nhỏ hoặc siêu nhỏ, nên cho phép ngân hàng sử dụng báo cáo thuế là một cơ sở tham khảo để thẩm định. Báo cáo thuế này không cần phải là báo cáo được kiểm toán hoặc là báo cáo cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. Ngành thuế cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để động viên các DN nhỏ và vừa kê khai đầy đủ thu nhập, chi phí, đảm bảo tính minh bạch, báo cáo tài chính đủ độ tin cậy để ngân hàng sử dụng làm căn cứ thẩm định.
“Cơ quan chức năng cần sớm hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đối với các công trình gắn liền với đất nông nghiệp. Các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với đất thuê trả tiền thuê hàng năm) cho DN. Ngân hàng được định giá đất nông nghiệp theo giá đền bù của các khu vực lân cận trên địa bàn hoặc được phép thuê Tổ chức thẩm định giá xác định giá trị tài sản làm cơ sở định giá” – đại diện ngân hàng Agribank đề xuất.
Thanh Hoa