Thiếu vắc xin đẩy châu Á thành “người về cuối”

19/06/2021 - 10:16

PNO - Trong khi Mỹ, châu Âu bắt đầu mở cửa biên giới, người dân có thể đi lại bình thường, không cần mang khẩu trang thì châu Á, nhất là Đông Nam Á đang rơi vào cuộc chiến COVID-19 căng thẳng.

Ở thời kỳ đầu đại dịch, nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đã thực sự ngăn chặn hiệu quả virus bằng cách đóng cửa biên giới hoặc phong tỏa nghiêm ngặt khiến khu vực này có số ca nhiễm và tử vong thấp nhất. Tuy nhiên hiện tại, khi số ca nhiễm và tử vong ngày càng cao, khả năng miễn dịch cộng đồng - từ lâu được coi là hy vọng lớn để trở lại cuộc sống bình thường - ngày càng trở nên xa tầm với. Sự do dự cũng như thiếu hụt về vắc xin cho thấy khu vực này có thể không bao giờ đạt đến mức bao phủ tiêm chủng hơn 80% được cho là cần thiết để ngăn chặn virus lây lan.

 

Người Hồng Kông xếp hàng tiêm vắc-xin COVID-19
Người Hồng Kông xếp hàng tiêm vắc-xin COVID-19

Khi bệnh nhân COVID-19 lấp đầy các bệnh viện Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines thì nhiều nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: làm thế nào để có thể thuyết phục mọi người tiêm chủng và làm cách nào đủ vắc xin cho nhiều nước đang cần? Từ châu Úc cho đến Đài Loan (Trung Quốc) đã cho thấy sự do dự về vắcxin trong khi các nước nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như Ấn Độ và Philippines vẫn tuyệt vọng với số lượng mũi tiêm còn quá thấp. 

“Chúng ta sẽ mất rất nhiều thứ nếu cho phép bất kỳ sự lây lan nào trong cộng đồng, vì thế chúng ta phải thực hiện biện pháp bảo vệ bằng vắc xin. Chính phủ cần chứng minh điều này với công chúng. Nếu không, mọi người nghĩ rằng các biên giới đã đóng cửa, vậy tại sao phải bận tâm đến việc tiêm chủng và nó sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn khiến dân số dễ bị lây nhiễm hơn”, Catherine Bennett, chuyên gia sức khỏe cộng đồng và nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne, Úc, cho biết.

Ở Úc, gần 1/3 công chúng không có ý định tiêm chủng, với khoảng một nửa số người bày tỏ lo lắng về các tác dụng phụ và một phần năm cho rằng mức độ nhiễm thấp. Ở New Zealand, chỉ 51% cho biết họ có khả năng sẽ tiêm phòng. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ gần 40% cư dân dự định tiêm phòng, giảm so với con số 50% vào tháng 12 năm ngoái. “Sự thiếu nhiệt tình của công chúng đối với vắc xin, cùng với nguồn cung cấp vắc-xin hạn chế, làm dấy lên bóng ma về một đại dịch kéo dài, trong đó biên giới bị đóng cửa vô thời hạn và các đợt bùng phát lẻ tẻ vẫn là mối đe dọa luôn hiện hữu”, Catherine Bennett nói thêm.

Khi nhận thấy con đường duy nhất để chống dịch là tiêm vắc xin, các nước châu Á đã gia tăng hành động. Các quốc gia giàu có đã mở rộng chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có. Trong khi đó, nhiều nước khác lại khan hiếm vắc xin vì không thể tiếp cận nguồn cung.

Nhật Bản mở cửa tiêm chủng ở tất cả các trung tâm công cộng để đạt số người tiêm chủng càng nhiều càng tốt. Hàn Quốc cũng đã mua dư số vắc xin cần thiết cho người dân và trong ngày 7/6 đã tiêm được 857.000 liều, một kỷ lục chưa từng có. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm 500.000 người/ngày. Lào đã triển khai tiêm cho người lao động nước ngoài. Còn Indonesia thì tổ chức những xe tải công cộng để đến những khu vực mà người dân khó di chuyển, thậm chí còn tặng gà cho người đi tiêm vắc xin. 

Khánh Anh (theo BK Post, SMCP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI